Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Những hiện tượng bí ẩn nhất năm 2009

Quầng sáng trên bầu trời Na Uy, khuôn mặt người khóc trên băng, hòn đá tự dịch chuyển trong thung lũng Chết là những hình ảnh được nhiều người quan tâm trong năm nay.

Những ảnh này được chọn và đăng trên Telegraph.

Quầng sáng kỳ lạ màu ngọc lam trên bầu trời Na Uy vào sáng sớm ngày 9/12 khiến người dân trên khắp thế giới xôn xao. Người ta mô tả nó "quay tít xung quanh một vật thể phát sáng trước khi nổ tung thành một vòng lửa màu trắng". Sau đó giới truyền thông cho rằng quầng sáng có thể là kết quả của một vụ thử tên lửa thất bại của Nga. Ảnh: Rex Features.
Khuôn mặt người khóc hiện ra trên
Khuôn mặt người khóc hiện ra trên khối băng lớn nhất của đảo Nordaustlandet, quần đảo Svalbard, Na Uy. Ảnh: Barcroft Media.
Những vòng tròn và đường nét tạo nên hình ảnh con sứa khổng lồ trong một cánh đồng lúa mạch tại hạt Oxfordshire, Anh. Hình vẽ có chiều dài tới gần 200 m. Ảnh: Telegraph.
Những vật thể bay không xác định phát sáng phía trên Ullswater - hồ lớn thứ hai tại Anh. Ảnh: North News.
Vật thể bay lạ phát ra ánh sáng màu cam
Vật thể bay lạ phát ra ánh sáng màu cam phía trên thành phố Liverpool, Anh vào ngày 25/5. Ảnh: Telegraph.
Một hòn đá tự di chuyển
Một hòn đá có khối lượng 112 kg tự di chuyển tại thung lũng Chết, bang California, Mỹ. Trong thung lũng Chết có nhiều hòn đá như vậy. Ảnh: Mike Byrne.
Một số người khẳng định họ nhìn thấy nhiều vật thể bay không xác định
Một số người khẳng định họ nhìn thấy nhiều vật thể bay không xác định trên bầu trời hạt Cambridgeshire, Anh. Chúng phát ra ánh sáng màu cam. Ảnh: Archant.
Một khuôn mặt giống Chúa Jesus hiện ra trên chiếc bàn là của bà Mary Jo Coady tại thành phố Methuen, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AP.
Cậu bé khóc ra máu
Calvino Inman - một thiếu niên 15 tuổi ở bang Tennessee, Mỹ - khiến các bác sĩ bối rối vì cậu khóc ra máu. Điều đáng sợ là Inman không thể kiểm soát được nước mắt nên cậu khóc tới ba lần mỗi ngày. Ảnh: Splash News.
Hai bàn chân hiện ra trên gỗ trong một tu viện gần thành phố Đồng Nhân, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Người dân địa phương cho rằng chúng là kết quả của việc các tín đồ đứng tại một chỗ để cầu nguyện trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Reuters.
Vòng tròn khổng lồ với hình mặt cú ở giữa xuất hiện trên cánh đồng thuộc hạt Wiltshire, Anh. Ảnh: Steve Alexander.

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Ăn uống trong mùa thi

Trong giới sĩ tử Việt Nam, nhiều người tránh ăn trứng trong mùa thi. Ngược lại, các món làm bằng đậu, như xôi đậu, cháo đậu và nhất là chè đậu, lại rất được ưa chuộng. Có bạn còn trêu nhau: “Cậu mà muốn đậu thì phải ăn thịt rùa”.



Mời nghe bài viết này trên đài RFI



Tại Pháp , vào lúc thí sinh đang miệt mài với mùa thi Tú tài từ thứ sáu tuần này, trên báo chí cũng tràn ngập những lời hướng dẩn về cách học thi và cách ăn uống để phát huy hiệu năng tối đa trong phòng thi hay ít ra không bị giảm hiệu năng một cách oan ức.

Nếu câu hỏi mà các bạn trẻ đặt ra là ăn món gì thì làm bài được điểm cao, thì chắc chắn là sẽ thất vọng. Theo bác sĩ Jean-Marie Bourre, chuyên gia về dinh dưỡng não bộ, “không có một loại thức ăn nào hay thực đơn nào làm cho con người thông minh hơn”. Có điều nếu tế bào óc được nuôi dưỡng đúng nhu cầu thì não bộ sẽ hoạt động tốt hơn, trí nhớ bền bỉ hơn và tránh được các triệu chứng lão hóa. Do vậy món ăn tốt nhất là …trứng. Vấn đề là phải ăn đúng lúc.

Bộ óc là cơ quan cần dưỡng khí (oxygène) và đường nhiều nhất trong cơ thể con người và đòi hỏi phải có chất sắt để chuyên chở oxy. Từ lúc mới hình thành cho đến trưởng thành, bộ óc cần acide béo, cần lécithines, cần phospholipides , các loại sinh tố A và B và chất khoáng như selenium, kẽm.Những chất bổ dưỡng này có rất nhiều trong trứng. Như vậy ăn trứng trước khi thi vẫn tốt hơn là bị tặng cho sau khi đã nộp bài.

Món thứ hai là sò. Sò biển chứa nhiều iode, sắt và nhiều khoáng chất hiếm như đồng, selenium và kẽm, cần thiết cho hoạt động của tế bào óc. Những loại thực phẩm cung cấp chất béo cho tế bào óc có thể dùng thường xuyên mà không hại cho tim mạch, đứng đầu là cá biển.

Đã có thức ăn rồi thì phải ăn như thế nào hôm trước ngày thi ? Trái với một số định kiến, thí sinh không nên ăn quá nhẹ mà phải ăn đủ. Lý do then chốt là, ban đêm, bộ não cần “nhiên liệu” để tiêu hóa và sắp xếp thông tin ghi nhận trong ngày.

Do vậy, để tế bào óc phát huy khả năng tối đa trong mùa thi là phải nuôi dưỡng trước và trong ngày thi. Bác sĩ Jean-Marie Bourre khuyên ăn mì sợi vào buổi ăn tối. Cũng không nên thức khuya gạo bài. Buổi sáng, phải ăn đầy đủ vì nếu thiếu điểm tâm, bộ óc sẽ mất hiệu năng. Thực đơn của bữa điểm tâm là sửa chua, cho có calcium, bánh mì, để có đủ các loại đường, bơ để có vitamine A và một ít trái cây nhiều vitamine C và “đường nhanh” như kiwi, cam, táo.

Trong khi đang làm bài không nên ăn uống đồ ngọt như chô-cô-la hay sô-đa, vì ngay lúc đó nó sẽ làm giảm lượng đường trong máu (đối với người bình thường), ảnh hưởng đến hoạt động của bộ óc. Thức uống thích hợp nhất cho thí sinh trong ngày thi là nước lã.

Và dĩ nhiên là trong mọi trường hợp, thi tú tài hay thi vào đại học, các bạn học sinh, sinh viên phải học đều từ đầu năm đến cuối năm. Nếu không, dù được nuôi bằng những thực đơn bổ dưỡng nhất, bộ óc cũng không biết lấy thông tin từ đâu mà cung cấp cho bạn vào ngày N.

Tú Anh (RFI)

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

Chốn Thiên Thai



Chốn thiên thai vẫn còn trong trí tưởng của nhân loại. Nơi đó vẫn là cõi mơ ước mà người ta được nhìn thấy, được bước vào.

Thi sĩ Tản Đà của chúng ta đã có phen gánh thơ lên chợ Trời bán, thì hẳn phải biết rõ Thiên Thai. Đó cũng là nơi ông từng phen ao ước đến:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa?
Cây đa xin chị nhắc lên chơi

Thế nhưng… đọc những câu thơ ấy, chúng ta lại thấy Tản Đà không nói gì đến cảnh tiên giới. Bài Tống Biệt của ông, là cái “bước trần ai” của người từ tiên giới đã trở về tới hạ giới rồi.

Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Ðá mòn rêu nhạt nước chảy huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Ðầu non
Ðường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

Đọc thơ và nghe nhạc nói về Thiên Thai chúng ta có cảm tưởng các phi thuyền có thể lên tới mặt trăng nhưng không bao giờ bay qua thơ của nhân loại được.

Như thế, nếu thơ còn… thì chốn thiên thai vẫn còn trong trí tưởng của nhân loại vậy. Nơi đó vẫn là cõi mơ ước mà người ta được nhìn thấy, được bước vào. Như bài hát Thiên Thai của Văn Cao.

Ôi cái lạnh đêm hè
Cái lạnh xa người
Bây giời tôi mới biết
Có nhiều khi
Một người đi
Mà như mất Thiên đường

Vâng, Thiên Thai có thể chẳng phải ở đâu đó trên chín từng mây khói. Mà đó chỉ là hình ảnh phóng lớn hay thu nhỏ của người này đối với một người khác khi hai người đang sống trong tình…

Cầm tay em anh hỏi
Đường nào lên Thiên Thai?

Hoàng Nguyên đã viết như thế, trong ca khúc của ông.

Hỏi như thế, hát như thế, nhưng cùng một lúc người ta có cảm tưởng, người hỏi, người hát đã cầm giữ được Thiên Thai ngay ở trong tay mình rồi.

Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm
Em đến đây như đến tự Thiên Đường
Những buổi đó, ta nhìn em kinh ngạc
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly
Ôi mắt xa khơi, ôi mắt dị kỳ
Ta trông đó, thấy trời ta mơ ước
Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước
Cả con đường sao mọc lúc ta đi
Cả chiều sương mây phủ lối ta về
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ

Những câu thơ ấy của Đinh Hùng cũng cho thấy Thiên Đường ở rất gần chúng ta mà thôi. Nếu không phải như thế thì tại sao có lúc người ta thấy người yêu tuyệt vời quá, giống như người tự Thiên Đường đến vậy?

Nhật Bằng có một ca khúc nói về một nàng tiên trắng từ trên trời bước xuống trần gian, cùng người trần gian ca múa khúc nhạc thần tiên vui tươi, lãng mạn, và rất hạnh phúc.

Tà xiêm óng ánh lướt mình theo với bao cung đàn
Giọng êm như tiếng phím nhẹ ngân trong đêm mơ màng.

Trong khi Phạm Duy cũng viết một ca khúc nói về truyện tiên trên Thiên Đường phạm lầm lỗi gì đó mà bị đầy xuống trần gian, chúng ta nghe mà có cảm tưởng như nhạc sĩ nhìn thấy tận mắt.

Đó là Cành Hoa Trắng. Người tiên nữ ấy tên là Giáng Hương.

Những người sung sướng nhất trong trần thế này là những cặp tình nhân. Và tình nhân chính là những Thần tiên gãy cánh lạc bước xuống trần…

Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở chóng phai
Người về trong đêm tối
Ôm cành hoa tả tơi
Giữa đêm dài
Gác đời lẻ loi

Người đàn bà khốn khổ ấy cũng đến từ trời.

Vậy thì, Thiên Thai có phải chính là cái bóng của cuộc đời hay ngược lại?

Hồn kết gió hương trời Nhược Thủy
Cánh viền mây thắm động Thiên Thai
Hóa thành những giọt mưa thơm ấy
Tưới nở trăm hoa đã héo rồi…
(thơ J.Leiba)



Theo VOA.

Điểm tin tuần (20/06/2010 - 27/06/2010)






Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Tiếng chuông trong nhạc và thơ



Trong đời sống hàng ngày, có lẽ chỉ có hai tiếng chuông chúng ta nghe rõ nhất là tiếng chuông chùa và tiếng chuông nhà thờ.

Nghe bài hát Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ, chúng ta cũng không thể biết, đó là tiếng chuông vọng từ một ngôi giáo đường hay một ngôi cổ tự nào.

Có thể chính Tô Vũ cũng không muốn khẳng định điều ấy.

Chỉ có tiếng chuông là đáng kể.

Tiếng chuông khơi lại quá khứ, tiếng chuông làm đầy hiện tại. Tiếng chuông báo hiệu một ngày lễ trọng, ghi dấu một khoảnh khắc nào đó trong đời mỗi chúng ta. Nếu nói như nhà thơ Nhã Ca thì:

Tiếng chuông rơi đều như hơi thở anh em
Tiếng chuông đến
Tiếng chuông đi
Chỉ mình tôi ngó thấy
Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan

Tiếng chuông, mà “chỉ một mình tôi ngó thấy, chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan”, có phải chăng là tiếng chuông chôn dấu hay đánh thức một cuộc tình?

Chuông khơi mùa nắng mới
Tình xưa đẹp bao nhiêu
Hồn ta chìm đắm trong tiếng chuông ban chiều

Mấy giây tơ huyền ngụt khói
Dạn dầy đời mới
Ngọt ngào đường tơ

Quả thật các nghệ sĩ không ngớt làm chúng ta ngạc nhiên. Họ nhìn thấy “tiếng chuông tan, nhìn thấy những giây đàn ngụt khói”.

Những điều nghịch lý như thế, họ không thuyết phục chúng ta tin đâu, chỉ kể lại cho chúng ta nghe mà thôi. Và chúng ta… đã bị mê hoặc. Tựa dư vang của những hồi chuông đã thấm nhập vào tâm hồn chúng ta. Đó là sự thật dù khó giải thích.

Nhưng thôi… “cứ yêu đi, bạn sẽ thấy trái tim ta biến thành cái chuông trong lồng ngực.” Một nhà văn cũng đã viết như thế.

Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân
Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay
Chợt nhòa, chợt hiện

Em ơi, Hà Nội Phố có tiếng chuông ngân trong thơ Phan Vũ, Phú Quang soạn thành ca khúc.Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Văn Cao cũng có viết về tiếng chuông trong một ca khúc của ông:

Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung…

Và Phạm Duy cũng trong thời ấy đã ghi lại tiếng chuông buồn thảm, trong một ngày tang tóc. Hình ảnh người mẹ già nghe tin con chết ngoài chiến hào, bà đã nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu.

Chiều về trên xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa réo…

Còn bao nhiêu tiếng chuông nữa trong văn thơ và âm nhạc của chúng ta?

Những tiếng chuông chắp nối với tuổi thơ dại, nhắc nhở tuổi già, khua thức kỷ niệm, vang vọng lời réo gọi từ quê hương, xui nhớ lại từng gương mặt người - người sống và người chết.

Một trong những người đã khuất ấy là nhạc sĩ Lâm Tuyền. Ông đã qua đời rất âm thầm tại Sài Gòn khoảng cuối thập niên 1990. Lâm Tuyền để lại cho đất nước nhiều tác phẩm giá trị. Lời ca trong nhiều ca khúc của ông là của Dạ Chung, tức Hoàng Vĩnh Lộc, một nhà đạo diễn điện ảnh của miền Nam cũng đã qua đời.

Chúng ta vẫn trân trọng Lâm Tuyền và Dạ Chung như những tài năng của đất nước, trong lúc cả hai ông đều lặng lẽ lìa đời ở một hoàn cảnh mà chỉ được xem như là những kẻ vô danh.

Nhạc Lâm Tuyền-Dạ Chung luôn toát ra một vẻ trang trọng, thẩm mỹ và quý phái. Trong nhạc Lâm Tuyền cũng có những tiếng chuông ngân.

Chúng ta cùng nghe lại tiếng chuông ấy trong bài Tiếng Thời Gian, giọng hát Julie diễn tả…

Nghe người hát khúc buồn xưa
Nghe luôn cả tiếng gió mưa buổi chiều
Khúc buồn xưa, khúc tình yêu
Khúc buồn sau, chắc cũng điều ấy thôi…
(Trần Vấn Lệ)

Mời quý vị nghe chương trình này.



Theo VOA.

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Quang Dũng thổn thức "Chuyện tình"



Trong tháng năm 2010, Quang Dũng chính thức khởi động vòng lưu diễn xuyên Việt tại ba thành phố Quy Nhơn, Hà Nội và Đà Nẵng. Cuối năm nay, Quang Dũng chuẩn bị một đêm diễn hoành tráng tại Sài Gòn, nhìn lại hơn 10 năm sự nghiệp ca hát của anh với loạt album với tựa đề một chữ.

Mời nghe : Quang Dũng thổn thức chuyện tình trên RFI.



Sau khi lỗi hẹn với khán thính giả ở Pháp cuối tháng tư ngoài ý muốn của anh, trong chương trình biểu diễn cùng với Mỹ Linh và Đan Trường, do máy bay bị kẹt ở Nga vào lúc các phi trường Châu Âu đều đóng cửa, Quang Dũng đã về Việt Nam chuẩn bị cho vòng lưu diễn xuyên Việt của anh. Anh vừa cho ra mắt tuyển tập Những tình khúc chọn lọc và album Acoustic kết hợp nhiều bài ghi âm theo lối hát mộc với nhạc sỹ Lê Thanh Hải. Đó là về mặt đĩa nhạc, còn về đĩa hình, thì có live show Chuyện tình (Love Story) thu hình từ đêm diễn cùng tên của ca sĩ Quang Dũng.

Đúng với tên gọi của nó, DVD Chuyện tình Love Story gồm tổng cộng 21 ca khúc mà hầu hết rất quen thuộc với người yêu nhạc. Ngoại trừ hai bản nhạc với nhịp điệu dồn dập, do Lê Quang và Vĩnh Tâm sáng tác, hầu hết các bài hát là những bản tình ca muôn thuở, chầm chậm trữ tình, trầm buồn tha thiết. Trên sân khấu, Quang Dũng xen kẽ những ca khúc nhạc ngoại, nằm lòng bao thế hệ, với những bài hát thuần Việt của các tác giả xưa và nay như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Trần Tiến, Quốc Bảo... Trong phần mở đầu, sợi chỉ đỏ xuyên suốt vẫn là các ca khúc chủ đề các bộ phim nổi tiếng, từ Love Story, Godfather (Bố Già) cho đến Chuyện tình Romeo & Juliet. Giọng ca của Quang Dũng hòa quyện với tiếng kèn saxo của Trần Mạnh Tuấn làm thổn thức lại trong tim những bản tình ca thuở nào.

Trong tiếng việt, Chuyện tình Romeo & Juliet có khá nhiều lời khác nhau. Phiên bản gần đây nhất là của Quốc Bảo qua phần trình bày của Đức Tuấn và Mai Khôi, ghi âm cho bộ phim Nụ hôn thần chết. Về phần mình, khi thể hiện lại bài này, Quang Dũng chọn lời Việt của Phạm Duy thay vì phiên bản của Xuân Vinh. Hầu hết đều gợi hứng ít nhiều từ nhạc phẩm tiếng Anh A time for us (1969). Thật ra, trong nguyên tác, bài hát này ban đầu không có lời, giai điệu nhạc nền do nhạc sĩ nổi danh người Ý sáng tác cho bộ phim của đạo diễn Franco Zeffirelli.

Chỉ có một đoạn được hát trong phim với tựa đề What Is a Youth, lời của Eugene Walter. Sau khi bộ phim thành công, ca khúc này ăn khách nhờ phiên bản hòa tấu của Henry Mancini và sau đó là của Paul Mauriat. Mãi đến hơn một năm sau, bài ca này mới được đặt lời tiếng Anh là A time for us, nổi tiếng qua phần trình bày của Andy Williams, phía nam và Shirley Bassey, phía nữ. Tính đến nay, hàng trăm ca sĩ chuyên nghiệp đã ghi âm lại bài hát này trong rất nhiều thứ tiếng, chỉ thua bài My Way, Historia de un amor, Love Story...Trong tiếng Việt, Love Story trở thành Chuyện tình và được Quang Dũng chọn làm chủ đề cho đêm diễn của anh.

Love Story do được sáng tác cho bộ phim Mỹ cùng tên với Ali MacGraw và Ryan O’Neal trong vai chính và do đạo diễn Arthur Hiller thực hiện vào năm 1970, nên vẫn được xem là một ca khúc của làng nhạc anh Mỹ. Thật ra, đây là một bản nhạc Pháp Une histoire d’amour do nhạc sĩ Francis Lai sáng tác. Ông nổi tiếng trong làng nhạc phim, đã từng sáng tác cho 70 phim truyện, trong đó có Un homme et une femme (Một người đàn ông và một người đàn bà) và Le passage de la pluie (Lữ khách đêm mưa). Nổi danh cùng thời với các tác giả Pháp Maurice Jarre (Bác sĩ Zhivago, Lawrence of Arabia) và Michel Legrand (Thomas Crown – Les moulins de mon coeur), tên tuổi của ông đi vòng quanh thế giới sau khi các bài hát được chuyển lời sang nhiều thứ tiếng. Nhạc phẩm Chuyện tình đoạt cùng lúc hai giải Oscar và Qủa cầu vàng dành cho ca khúc nhạc phim hay nhất năm 1970, tức cách đây vừa đúng 40 năm.

Trở lại với Quang Dũng, trong phần nhì của live show Chuyện tình, các ca khúc nhạc ngoại dần dần nhường chỗ lại cho các tình khúc nhạc Việt, sau phần độc tấu kèn saxo của Trần Mạnh Tuấn. Bên cạnh các bản tình ca vang bóng một thời, là những tình khúc của các tác giả thời nay ở trong nước cũng như ở hải ngoại như là Nơi Thời Gian Ngừng Lại của Tường Văn, Một Ngày Tôi Hát của Anh Quân, Hiu Hắt Đời Nhau của Lê Vũ. Hầu hết đều là nhạc tình ngoại trừ hai bài hát Quê nhà của tác giả Trần Tiến và Thuyền viễn xứ của tác giả Phạm Duy, phóng tác từ bài thơ lục bát của Huyền Chi, nói về tình quê hương. Trên sàn diễn, Quang Dũng trình bày bài hát Quê nhà theo lối hát acapella, tuyệt đối không có đàn đệm, xúc cảm ban đầu tiết chế, phần sau mới lại vỡ òa. Còn trong bài Thuyền viễn xứ lối hòa âm phối khí lại dũng mãnh, ray rức lạ thường trong phần điệp khúc.

Từ khi mới vào nghề ca hát, Quang Dũng đã bày tỏ sự kính trọng và gắn bó với tác giả Trịnh Công Sơn. Như anh nói, anh đã có cơ duyên gặp nhạc sĩ tài hoa, và được dịp ghi âm nhạc phẩm Biển nghìn thu ở lại, mà nhiều người xem là sáng tác "sau cùng" và còn dang dỡ của Trịnh Công Sơn, viết trong khoảng thời gian ông lâm bệnh nặng. Dù gì đi nữa, thì mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, Quang Dũng vẫn thường cống hiến cho khán giả các ca khúc của dòng nhạc Trịnh. Đêm diễn với chủ đề Chuyện tình không thoát khỏi thông lệ đó, nhưng lần này có sự góp mặt của ca sĩ Hồng Nhung khi thì đơn ca lúc thì song ca qua các bài như Ru Đời Đi Nhé, Tình Nhớ và Dấu Chân Địa Đàng. Hai nghệ sĩ này đã từng ghi âm và biểu diễn với nhau trên album mang tựa đề Nếu ta cần nhau.

Trong số các bài hát gọi là ưng ý mà Quang Dũng yêu thích và thường hay trình bày, có một tác giả gắn liền với tên tuổi của anh : đó là nữ nhạc sĩ Diệu Hương. Vì đó là em, Phiến đá sầu, Chợt thấy, Khắc Khoải, Cho một lần quên, Dù có như thế nào, số lượng tác phẩm của Diệu Hương qua phần trình bày của Quang Dũng tương đối khá nhiều. Trong live show của anh, Quang Dũng đã chọn thể hiện ca khúc Đời Không Còn Nhau, một trong những sáng tác gần đây nhất của Diệu Hương, trong khi khách ngưỡng mộ chờ đợi nghe anh hát bài Vì đó là em, có thể được xem như là bài ca quen thuộc nhất.

Trong đêm diễn, Quang Dũng đã tự mình dẫn dắt chương trình theo lối kể chuyện chứ không nhờ đến một người khác. Nhìn chung, đĩa hình thu từ đêm diễn này, dù có nhiều mảng khác nhau nhưng vẫn thuần nhất từ lối hoà âm phối khí cho đến cách chọn bài hát theo chủ đề. Đối với những khán giả khó tính nhất, xem suốt đêm diễn có thể hơi đơn điệu, nhưng đối với những ai yêu mến giọng ca này, Quang Dũng một lần nữa cho thấy sở trường của anh, khi chọn dòng nhạc lãng mạn sâu lắng, ấp ủ nhiều tha thiết, thổn thức bao chuyện tình.

Tuấn Thảo (Theo RFI)

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Trăng Trong Nhạc Và Thơ



Trăng trong thơ và nhạc của chúng ta, hôm nay nghe lại, hình như là một vầng trăng chúng ta đã đánh mất. Nó không phải chỉ cách biệt với chúng ta bằng thời gian và không gian. Nó còn cách biệt với chúng ta bằng mọi ý nghĩa có thể tìm thấy.

Đã có một thời, nhân loại, trong đó có các vị tiền nhân của chúng ta, nhìn trăng như một cõi mơ ước, một chốn thiên thai, một nơi không có khổ đau, mà tràn đầy hạnh phúc.

Ở đó, mọi sự đều như ý, cảnh không thay, người người không già mà Văn Cao gọi là “Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần.”

Chiều đã tím ở lưng chừng dẫy núi
Sắc thu mờ lơ đãng dáng hoàng hôn
Lặng nằm nghe bốc tự đáy linh hồn
Nỗi thương mến xa khơi tình kiếp trước
Sóng ngủ dưới chân thuyền im gió nước
Đã ai say lạc bước tới Vô Cùng
Sương đầy khoang nghe thấp thoáng hoa dung
Mà lối cũ Đào Nguyên chừng hé mở
(Vũ Hoàng Chương)

Ánh trăng thơ mộng, nhưng có một thời trăng trên đất nước chúng ta nói cho đúng hơn trăng trong mắt nhìn của người Việt Nam còn thêm nhiều nông nỗi. Nào chiến tranh, chết chóc. Nào lưu lạc, tha phương.

Một mảnh trăng vàng qua lá cây
Rọi niềm thương nhớ suốt đêm nay
Biên thùy, phương ấy xa xôi quá
Kinh thành còn vạn đắng, nghìn cay

Mấy câu thơ ấy vẽ nên một trăng trong quá khứ nào đó. Cái quá khứ đứt rời khỏi hiện tại, không phải chỉ bằng những năm tháng mà còn bằng những thay đổi của lịch sử. Một lịch sử tự nó đã chia lìa ra từng những giai đoạn, mỗi giai đoạn là một rừng xương máu.

Đi trên đất nước chúng ta giờ đây, ai dám chắc là mình không đang dẫm trên mặt những người đã chết nằm bên dưới?

Chúng ta, những người còn sống đây, chẳng khác những kẻ được lịch sử bỏ sót, vẫn nhìn thấy trăng.

Nhưng liệu cái vầng trăng chúng ta còn nhìn thấy kia, có còn là cái vầng trăng được ghi lại trong thơ trong nhạc của chúng ta?

Vâng, trăng trong thơ và nhạc của chúng ta, hôm nay nghe lại, hình như là một vầng trăng chúng ta đã đánh mất. Nó không phải chỉ cách biệt với chúng ta bằng thời gian và không gian. Nó còn cách biệt với chúng ta bằng mọi ý nghĩa có thể tìm thấy.

Sợi giây liên lạc, tình tự giữa trăng và chúng ta đã đứt.

Chúng ta vẫn có thể nhìn trăng và nhớ cố hương. Nhưng cố hương chúng ta tưởng nhớ ấy có còn là cái cố hương trong đó vằng vặc ánh “xanh mơ tan thành suối trần gian” mà Văn Cao nói tới trong Thiên Thai?

Ôi, nếu nghĩ như thế, tưởng chừng như chúng ta lại đứt rời thêm với cố hương một lần nữa. Sự đứt rời ấy tự nó diễn ra như vầng trăng chúng ta chẳng hề đánh mất. Nhưng tự nó, đối với chúng ta đã trở thành một vật bị đánh mất rồi!

Vầng trăng ai xẻ làn đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Cái vầng trăng xẻ nửa ấy dù thế nào chăng nữa, vẫn là vầng trăng chung của Kim Trong và Thúy Kiều.

Vầng trăng chúng ta nhìn thấy hôm nay đây, liệu có còn là vầng trăng chung của chúng ta với những người xa cách hay không?

Trương Nhược Hư trong bài thơ đã nói về trăng đại ý như sau:

Năm nào là năm đầu tiên có trăng
Ai là người đầu tiên trên đời nhìn thấy trăng
Vào những đêm trăng sáng như hôm nay.
Nhưng ai là người có thể cưỡi ánh trăng về lại được cố hương?

Đọc những bài thơ như thế, chúng ta có cảm tưởng lòng yêu mến quê hương của người làm thơ, càng xa xôi càng được mở rộng, trong khi cùng trong một hoàn cảnh, hình như, cả tình lẫn cảnh trong lòng chúng ta như khép lại.

Cái khép lại ấy, có khác chi chúng ta tự bôi xóa chính mình…

Đường ấy dừa trăng như cổ tích
Đường vào những truyện thuở ngày xanh
(Quang Dũng)

Mời nghe chương trình này.



Theo VOA.

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

Muốn làm ông chủ, đừng sợ thất bại!



Một trong những lý do mà nhiều người không thể trở thành những chủ doanh nghiệp đó là bởi vì họ sợ thất bại. Họ sợ mắc sai lầm. Họ sợ thâm hụt hầu bao. Nhưng nếu con người ta không thể vượt qua những sợ hãi tâm lý kể trên, tốt hơn hết họ nên hài lòng với công việc hiện tại.

Dưới đây là bài chia sẻ kinh nghiệm của Robert Kiyosaki, tác giả của hàng loạt cuốn sách mang tên “Rich Dad”, ông hiện là nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp và nhà giáo dục. Những tầm nhìn ra trông rộng của ông đã góp phần làm thay đổi lối suy nghĩ về tiền bạc và đầu tư của không ít người.

Thất bại nhiều khi lại có thể chỉ cho bạn đi đúng hướng

Đầu những năm 80, khi công việc kinh doanh lớn đầu tiên của tôi thất bại, tôi nghĩ rằng tôi là người ngu ngốc nhất quả đất này. Nhưng chính từ sự thất bại và các cuộc gọi của các chủ nợ đã làm tôi nung nấu ý chí buộc phải trở thành chủ doanh nghiệp. Ngay cả khi tôi muốn quay lại công việc cũ.

Nhưng thay vì trách cứ tôi vì thất bại, ông bố giàu có của tôi đã dành tặng tôi một trong những bài học quan trọng nhất của cuộc đời: “Con thật may mắn vì đã thất bại. Bây giờ con có cơ hội để học cách biến vận rủi thành vận may. Nếu con có thể làm được điều đó, con sẽ có một cuộc sống ngày càng may mắn hơn.”

Dưới đây là ba điều then chốt để biến vận rủi thành vận may mà ông đã truyền đạt lại cho tôi:

1. Đừng đổ lỗi

Khi bố tôi hỏi tôi: “Con có biết, con đã làm sai điều gì?”, điều đầu tiên tôi làm đó là đổ lỗi cho các đối tác và nền kinh tế. Ngay lập tức, ông ấy nói: “Đừng bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai vì sự thất bại của mình.”

Tôi đáp lại: “Nhưng đó là lỗi của họ.”

Bố tôi lắc đầu nói tiếp: “Nếu con đổ lỗi cho ai đó, con sẽ không bao giờ học hỏi được từ những sai lầm của mình. Nếu con đổ lỗi cho họ tức là con đang để tuột mất sức mạnh của chính mình.” Và bạn cũng hãy nhớ rằng, trong đấu trường kinh doanh này, không có ai là nạn nhân, mà chỉ có người tự nguyện. Và bạn chính là người tự nguyện trở thành một chủ doanh nghiệp.

2. Gặp gỡ đối tác mới

Bố tôi từng nói: “Trong mọi công việc kinh doanh không suôn sẻ, bố đã luôn gặp những người tốt. Một số trong số họ đã trở thành đối tác mới.” Và hiện giờ thì tôi ghét hai trong số những đối tác làm ăn của mình, với tôi để hiểu được câu nói này của ông không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, tôi vẫn khắc ghi lời khuyên của ông và bắt đầu xem xét, sàng lọc mọi thứ từ sự thất bại trước.

Cho đến giờ, một trong những người bạn tốt nhất của tôi có được cũng từ sự thất bại trong kinh doanh đó. Trong đống đổ nát của những thất bại kinh doanh khác, tôi đã gặp đối tác hiện nay trong lĩnh vực bất động sản và một đối tác nữa trong công việc kinh doanh chuyển nhượng. Nếu không có những thất bại này, tôi sẽ không thể gặp được những chủ doanh nghiệp có thể làm bạn và tiếp tục cùng nhau kiếm hàng triệu đô la với họ.

3. Nghiên cứu sai lầm

Bố tôi từng dạy: “Sai lầm là vô giá, hãy nghiên cứu chúng, học hỏi và tận dụng chúng.”

Một lần nữa, lời dạy này lại không dễ với tôi chút nào. Những lúc nổi cáu và cùng đường, tôi chỉ muốn chạy trốn khỏi những lỗi lầm của bản thân. Nhưng thay vì chạy trốn khỏi nó, tôi đã quay lại nhà máy của mình, nghiên cứu sai lầm của chính tôi và “cải tử hoàn sinh” cho doanh nghiệp.

Đây chính là bí kíp làm thế nào để biến vận rủi của mình thành vận may. Hãy nhớ rằng, mắc sai lầm và trở nên thông minh hơn là công việc của một chủ doanh nghiệp, còn không mắc lỗi lầm chỉ là công việc của một nhân viên.

(Theo Lanhdao/Entrepreneur)

Điểm tin tuần (13/06/2010 - 20/06/2010)





Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Bí quyết khởi nghiệp từ số không - Thương hiệu cá nhân



Rất nhiều, rất nhiều người nghĩ rằng khởi nghiệp là rất khó khăn, cần nhiều vốn và kiến thức... hay nhiều điều kiện tiền đề. Nhưng cũng có không ít người khởi nghiệp cũng đến rất tình cờ, dễ dàng như là duyên số.

Quả thực khởi nghiệp có khó khăn đến như vậy không, bài viết dưới đây đề cập đến một khái niệm là tiền đề cho việc khởi nghiệp mà bất kỳ ai cũng có thể làm được đó là Thương hiệu cá nhân.

Đối với chúng tôi , luôn có một khẩu hiệu: Muốn làm được việc lớn, phải làm tốt những việc nhỏ.

Và một nguyên tắc nữa là không giao việc lớn khi chưa làm tốt việc nhỏ, không giao tiền lớn khi chưa biết tiêu tiền nhỏ. Làm tốt việc mình đang làm thì tự động tiền bạc nó sẽ đến.

Quả thực theo tôi nghĩ, khởi nghiệp không quá khó khăn như ta tưởng đến thế. Khi tôi làm tốt những khoản đầu tư nhỏ, có những đánh giá tốt, thì công ty giao cho tôi những khoản tiền lớn. Khi tôi chứng minh được khả năng xài tiền lớn thì lại càng nhiều tiền được giao cho tôi.

Uy tín và thương hiệu cá nhân có lẽ là cái cơ bản nhất để khởi nghiệp. Thương hiệu cá nhân được xây dựng từ những hành vi nhỏ nhặt nhất. Nếu không xây dựng được thương hiệu cá nhân thì chắc là khi khởi nghiệp sẽ có rất nhiều "cái lưng" xuất hiện.

Theo chúng tôi, vấn đề vốn kinh doanh không phải là vấn đề chính, nếu có ý tưởng tốt, được một người trung thực hiểu biết xây dựng thì chắc chắn không có lý do gì mà không được xem xét để tài trợ vốn đầu tư.

Tôi được tặng một cuốn Văn Minh làm giàu và Nguồn gốc của cải của TS. Vương Quân Hoàng, tiếc rằng trong cuốn sách này không thấy có đề cập đến vấn đề Thương hiệu cá nhân để khởi nghiệp.

Mong các bạn suy nghĩ về vấn đề này - Thương hiệu cá nhân - Khái niệm tuy không mới nhưng tôi nghĩ là cái xuất phát của mọi thành công.

Theo saga.vn