Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Nghe đọc thơ Hàn Mạc Tử


Mộ Hàn Mạc Tử

Hàn Mặc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9, 1912 – mất 11 tháng 11, 1940) là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn.

Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Hàn Mặc Tử sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm. Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sỹ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông được một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên đành đình lại. Ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, năm ông 21 tuổi.

Đến Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.

Ít lâu sau, ông mắc bệnh phong - một căn bệnh nan y thời đó. Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn và mất khi mới 28 tuổi.

Cuộc đời của ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.

Đánh giá và bình luận về tài thơ của Hàn Mặc Tử có rất nhiều, sau đây là một số đánh giá của các nhà thơ văn nổi tiếng:

"Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình"
"Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử."

(Nhà thơ Chế Lan Viên)

"Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc."
(Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ)

"Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch..."
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)

"...Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào Thơ mới."
(Nhà thơ Huy Cận)

"...Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng..." và "Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh..."
(Nhà phê bình văn học Hoài Thanh)

Và sau đây là một bài bình luận về thơ Hàn Mạc Tử của Kiều Văn

Cách đây trên bảy mươi năm, Hàn Mặc Tử - nhà thơ kiệt xuất của thời kỳ hiện tại - đã hoàn tất sứ mạng của mình với cõi đời này và đi vào cõi vĩnh hằng. Chuyện Hàn Mặc Tử lúc sinh thời bị mắc một chứng bệnh khốc hại (bệnh phong) thì ai cũng biết. Nhưng với khối tác phẩm khá đồ sộ ông để lại cho đời, cũng như những "cuộc tình" của ông, thì suốt mấy mươi năm qua, thiên hạ vẫn không ngừng xôn xao bàn tán và tranh cãi.

Không ai còn nghi ngờ việc Hàn Măc tử là một hiên tượng nổi bật của văn học Việt Nam giữa thời kỳ hoàng kim của Thơ Mới (những năm 30).

Hơn nửa thế kỷ qua, không thể đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mặc Tử, không thể đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc người thi sĩ tài hoa bạc mệnh ấy.

Mộng Liên Đường chủ nhân, người viết đề tựa truyện Kiều trước đây có câu:

"Người đời nay khóc người đời xưa, người đời sau khóc người đời nay, đó là cái thông lệ của bọn tài tử trong gầm trời này vậy!"

Thật chí lí lắm thay!

Muốn hiểu được Hàn Mặc Tử, nhất thiết phải hiểu bản chất con người nói chung và bản chất của con người Hàn Mặc Tử nói riêng.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Hoàng Phương đã rất có lý khi khẳng định rằng con người không phải một sinh vật thông thường mà là "Linh Vật", nghĩa là một vật linh thiêng. Nguyễn Du xưa cũng cảm nhận rõ điều này.

"Nàng rằng: Những đấng tài hoa
Thác là thế phách, còn là tinh anh"

Cái "tinh anh" bất tử ấy xác nhận con người là linh vật. Hàn Mặc Tử là linh vật ở trình độ tuyệt đích. Chính vì vậy, lúc sinh thời Hàn Mặc Tử vừa là một con người trần tục vừa là một "trích tiên" thực thụ.

Với trí tuệ của một nhà thơ thời hiện đại, đồng thời với tầm vóc của một bậc "thánh thi", Hàn Mặc Tử đã "giải mã" được mối liên hệ thống nhất, khăng khít giữa thi sĩ với vũ trụ vô thuỷ vô chung. Ông cũng hoàn toàn ý thức được sứ mệnh, thiên chức của một thi sĩ chân chính. Ông viết:

"Loài thi sĩ là những bông hoa rất quí và hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch. Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này - nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời, Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình".

Đại thi hào Shakespeare cũng đã viết một câu tương tự trong vở bi kịch Otenlô: "Phải chăng định mệnh của những đấng vĩ nhân vẫn là không được may mắn như những kẻ tầm thường..."

Với thiên năng siêu việt của linh vật, Hàn Mặc Tử thoắt ở trên mặt đất, thoắt lại bay vào vũ trụ bao la, tựa như những nhà du hành vũ trụ sau này:

Ta bay lên! Ta bay lên!
Gió tiến đưa ta tới nguyệt thềm
Ta ở trên cao nhìn trở xuống
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm
(Chơi trên trăng)

Và hơn thế nữa, linh hồn nhà thơ còn siêu thăng lên tầng" thượng thanh khí". lên cõi trời, hoà hợp với vĩnh cửa. Những ấn tượng mà Hàn Mặc Tử lượm được từ những cõi cao vời đó đã biến thành những câu thơ kinh hoàng, tưởng chừng có ma quỉ ở bên trong;

Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi

Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi laị đỏ hườm...

Trong thơ Hàn Mặc Tử, nhân vật Hồn xuất hiện một cách khá sắc nét:

Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến:
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đâu vì rùng rợn đến vô biên...

... Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng nghả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc
Cả thiên đường, trần gian và địa ngục...
(Hồn là aỉ)

Thấy mọi người kinh ngạc với thơ mình, Hàn Mặc tử bèn giải thích rằng đó chính là loại thơ... Điên!

Thực chất cái Điên đó là gì...

Là cuộc giao thoa kỳ diệu của cõi người với cõi trời, là sự khám phá tới tận cùng của tâm linh con người, là ngân thơ đạt tới trình độ lãng mạn tột đích.

Tuy nhiên Hàn Mặc Tử vẫn hoàn toàn là con người của chủ nghĩa nhân bản. Không bao giờ ông muốn rời bỏ cuộc đời này để đi tìm những cái hư ảo, những hình tượng siêu nhiên nhạt thếch. Khối tinh thần cực kỳ sáng láng của nhà thơ chỉ giúp ông nhìn nhận cuộc sông trần gian một cách thấu triệt, để rồi tận hưởng những vẻ tuyệt vời của nó.

Càng bị bệnh tật hành hạ khốc liệt, quyền sống làm người càng bị bóp nghẹt, Hàn Mặc Tử càng yêu điên cuồng thế giới này. L. Tonstoi từng nói: "Khó khăn hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình".

Hàn Mặc Tử đã ngắm nhìn và cảm thụ thiên nhiên và quê hương đất nước trong vẻ diễm lệ nhất của nó:

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu...
(Đà lạt trăng mờ)

Với tình yêu, dường như Hàn Mặc Tử đã dành cả trái tim cháy bỏng cho nó. Ông cũng là "nhà thơ của tình yêu" không kém gì Xuân Diệu hay Nguyễn Bính. Hình ảnh những người con gái yêu đương trong thơ ông thật tuyệt vời.

Từ lúc em bỏ trái đào
Tới chừng cặp má đỏ au au
Tôi đều nhận thấy trong con mắt
Một vẻ ngay thơ và ước ao...
(Gái quê)

Tôi cũng trông thấy người tôi yêu
Ngồi cạnh suối trong cởi yếm đào
Len lén đưa tay vốc nước rửa
Trong khi cành trúc động và xao...
(Tôi không muốn gặp)

Ngoài tình yêu nồng say với cuộc sống, thơ Hàn Mặc Tử còn là bức thông điệp bi thiết nhất gửi cho đồng loại, phi lộ nỗi đau nhân thế của nhà thơ và nỗi đau khổ của một con người phải hứng chịu cái nghịch cảnh "nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ" (một mảnh tài tình vẫn là cái luỵ muôn đời). Từ nỗi bất hạnh tột độ ấy đã ứa ra những câu thơ ròng ròng máu chảy, thê thiết đau buồn:

Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió - trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.
(Trút linh hồn)

Hàn Mặc Tử cảm thấy ghê sợ nỗi cô đơn của một con người bị tách khỏi đồng loại:

Chao ơi! Ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời!

Trong cảnh cô đơn tuyệt vọng ấy, nhà thơ khao khát đón nhận những tín hiệu yêu thương cứu giúp của mọi người:

Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai...

Hoặc:

Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy ngàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương lòng.
(Duyên kỳ ngộ)

Hoặc:

Còn em, sao chẳng hay gì cả...
Xin để tang anh đến vạn ngày!
(Trút linh hồn)

Trong nền thơ ca Việt Nam cổ kim, thơ Hàn là khúc bi ca, là bản tường trình đầy đủ, sâu sắc, khúc chiết và da diết vào bậc nhất về số phận của con người. Đó chính là thứ thơ huyết lệ được diễn đạt bởi một nghệ thuật cao vời, kỳ tuyệt. Chính vì thế thơ Hàn Mặc Tử đã thấm sâu vào não tuỷ của chúng ta, mãi còn lay động tâm hồn chúng ta. Thơ Hàn Mặc Tử là thứ thơ mẫu mực khó bắt chước, đáng để cho các nhà thơ đời sau ngưỡng mộ và học tập.

Về nghệ thuật, thơ Hàn Mặc Tử là ngôi sao sáng chói trên nền trời của thơ ca Việt Nam. Rất ít nhà thơ viết được những câu thơ kinh nhân (Làm kinh hoàng người ta - Đỗ Phủ) như ông.

Sau khi nhanh chóng rời bỏ trường phái thơ cổ điển, Hàn Mặc Tử dồn tất cả tinh lực cho Thơ Mới, và chỉ vẻn vẹn trong khoảng ba năm trời, ông đã đạt tới cực đỉnh của thơ mới. Một nghệ thuật đặc sắc - nghệ thuật thơ 'Điên" - đã ra đời để chuyển tải cái nội dung sâu sắc, gay gắt mà phức tạp mà Hàn Mặc tử muốn thét lên trong những phút "nhập Thần", trong những cơn yêu đương, đau đớn, oán hận điên cuồng. Đó chính là những câu thơ "thần bút" mà một người thường không bao giờ viết nổi.

Hàn Mặc Tử đã khai thác tất cả những tinh hoa của tiếng Việt vốn giàu ý tứ, giầu sắc thái và nhạc tính, đặt những từ thuần Việt ấy đúng chỗ và thổi sinh khí cho chúng, tạo nên những câu thơ kì lạ và tuyệt diệu, làm chấn động tâm trí người đọc:

Trăng nằm sóng soài trên cành liễu

Tôi toan hớp cả ráng trời
Tôi toan đớp cả tiếng cười trong khe.

Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi.

Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta
Ta cắm thuyền chính giữ vũng hồn ta!

Những câu thơ như vậy của Hàn Mặc Tử đã để lại những vết cháy bỏng, những vầng sáng vĩnh viến trong tâm trí chúng ta.

Bằng tài năng xuất chúng, dưới áp lực của định mệnh cực kì nghiệt ngã, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một di sản quí báu với nhiều bài thơ " thần bút". Nhà thơ cho chúng ta thấy tầm vóc siêu việt biết bao mà con người có thể và cần phải đạt tới. Đồng thời cuộc đời và thơ Hàn Mặc tử gợi mở về một lối sống không phải chỉ có phần "xác" mà còn có phần " hồn" ngàn lần kì diệu hơn.

Mời các bạn nghe đọc thơ của Hàn Mạc Tử qua giọng đọc của Hướng Dương .

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Tìm hiểu về bệnh phong thấp

Theo dự kiến của Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh, số người mắc bệnh phong thấp tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên tới gần 67 triệu người trước năm 2030. Một phúc trình khác nói rằng cứ 100 người thì lại có một người bị bệnh phong thấp, với tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Tuy chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, các nhà khoa học tin rằng nó có liên quan tới hệ miễn dịch, và do đó đang nghiên cứu hệ thống này để tìm một phương pháp điều trị tốt hơn. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết trong tạp chí Khoa Học và Đời Sống tuần này do Hoài Hương phụ trách.



Mời nghe bài viết theo VOA




Bệnh phong thấp Rheumatoid Arthritis, gọi tắt là RA, là một bệnh kinh niên, và hiện chưa có cách để trị cho dứt bệnh.

Những người mắc bệnh phong thấp thường bị viêm, nóng và sưng đỏ, đau nhức ở các khớp xương, đôi khi nghiêm trọng đến nỗi bệnh nhân không cử động được hoặc gặp nhiều khó khăn trong các sinh hoạt thường nhật. Bệnh nhân bị đau nhức, có trường hợp toàn thể các khớp xương và bắp thịt cứng lại, và trong thời gian dài, có thể khiến các khớp xương bị biến dạng. Các hình thức thường thấy nhất là viêm khớp xương ở cổ tay, bàn tay, đầu gối và bàn chân. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong những việc thông thường nhất hàng ngày, như cầm những đồ vật nhỏ.

Một loạt các yếu tố đã được thẩm định như có nguy cơ gây bệnh phong thấp gồm có: tiếp xúc với một số hormone, vi khuẩn, thói quen hút thuốc và các yếu tố có liên quan tới chế độ ăn uống vv... nhưng cho tới nay các yếu tố này chưa được xác định một cách chắc chắn.

Trong các yếu tố môi trường đã được xem xét, bằng cớ rõ rệt nhất có lẽ là tương quan giữa hút thuốc và bệnh phong thấp, đa số các cuộc nghiên cứu về yếu tố rủi ro này đều liên kết thói quen hút thuốc với thời điểm phát bệnh.

Các kết quả nghiên cứu sơ khởi cũng phát hiện rằng nguy cơ mắc bệnh phong thấp giảm nơi những phụ nữ uống thuốc ngừa thai, nhưng nhiều cuộc nghiên cứu chi tiết hơn sẽ phải được thực hiện trước khi xác định kết quả nghiên cứu này. Ngoài ra, các phụ nữ chưa hề sinh con có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đôi chút, so với các phụ nữ có con.

Và các cuộc nghiên cứu mới thực hiện cho rằng bệnh phong thấp ít xảy ra hơn nơi các phụ nữ cho con bú sữa mẹ, tương phản hẳn với kết luận của các cuộc nghiên cứu trước đây, nói rằng các phụ nữ cho con bú sữa mẹ có nguy cơ mắc bệnh phong thấp cao hơn.

Về cách điều trị, những loại thuốc hiện được dùng thường là các loại thuốc chống viêm và giảm đau, và ngăn sự tiến triển của bệnh. Trong các trường hợp khớp xương bị phá hủy quá nặng, bệnh nhân có thể được giải phẫu thay khớp để giảm đau.

Mới đây có dấu hiệu cho thấy một loại thuốc có triển vọng chận đứng sự tiến triển của bệnh, hoặc ngay cả đảo ngược các hệ quả của bệnh phong thấp.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng hệ miễn dịch gồm những tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể chống vi khuẩn và các tác nhân gây nhiễm khác, dường như lại tấn công chính cơ thể của bệnh nhân.

Ông Harris Perlman là Giáo sư giảng dạy tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern của bang Illinois. Giáo sư Perlman giải thích về mối tương quan giữa hệ thống miễn nhiễm và bệnh phong thấp:

“Điều xảy ra là phản ứng của hệ thống miễn nhiễm bị rối loạn, khiến cơ thể tự tấn công chính mình.”

Giáo sư Perlman nói một protein trong một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt giúp tế bào tự hủy sau khi đã tấn công các mầm bệnh hay vi khuẩn. Nhưng trong trường hợp bệnh, không có protein ấy trong hệ miễn dịch. Thay vào đó, protein tồn đọng trong các khớp xương, rồi tấn công chất sụn và xương.

Cuộc nghiên cứu có sự tham gia của Giáo sư Perlman của Đại học Northwestern đã thành công trong việc khóa lại hệ miễn dịch nơi các con chuột mắc bệnh phong thấp. Nhà nghiên cứu này phát triển một phân tử mà ông gọi là “phân tử tự sát”, có chức năng tương tự như protein đã khiến cho các tế bào tự hủy.

Giáo sư Perlman giải thích rằng “phân tử tự sát” có thể chận đứng và đôi khi giảm bớt chứng phong thấp trong 75% số chuột thử nghiệm. Ông tin rằng phương pháp chữa trị dùng phân tử này có thể hữu hiệu nơi con người.

Các cách chữa trị bệnh phong thấp đang được dùng hiện nay có thể giảm bớt mức độ đau nhức, nhưng không hữu hiệu nơi tất cả các bệnh nhân. Bệnh nhân phải uống thuốc liên tục, trong khi thuốc có những hậu chứng đi kèm như tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Giáo sư Harris Perlman nói khía cạnh tốt nhất của phương pháp chữa trị mới là nó không đi kèm với hậu chứng nào đáng kể.

Một phúc trình về cuộc nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí chuyên về các bệnh Thấp khớp và Phong thấp.

Trung tâm Phòng chống Dịch Bệnh Hoa Kỳ nói theo dự kiến, số người mắc bệnh phong thấp trên khắp nước sẽ tăng lên tới gần 67 triệu người trước năm 2030, trong số này 25 triệu người sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày do tình trạng bệnh gây ra. Tổn phí hàng năm của bệnh phong thấp lên tới 128 tỉ đôla.

Các cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy một yếu tố đóng góp vào việc gia tăng tỷ lệ các bệnh phong thấp tại Hoa Kỳ, là sự gia tăng của thành phần cao niên trong dân số Mỹ.

Số liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của nhu cầu nâng cao nhận thức về bệnh phong thấp, và bệnh nhân phải biết tự săn sóc lấy mình, phải vận động cơ thể, giảm cân, và thay đổi lối sống cũng như cách ăn uống sao cho lành mạnh hơn.

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên tập thể dục thường xuyên, và duy trì số cân ở mức tương đối cố định, vì quá cân sẽ tăng sức ép lên các khớp xương, khiến cho bệnh có thể trở nặng hơn.

Theo VOA

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Những ngày xưa thân ái

Tuổi học trò là tuổi đẹp nhất của một đời người. Kỷ niệm thời đi học ngọt ngào trong sáng quá, khiến ai đã rời xa trường đều không thể quên được và nuối tiếc vô cùng. Thời gian trôi qua, rất nhanh trong lặng lẽ, xóa nhòa bao kỷ niệm. Trong câu chuyện thơ nhạc trên làn sóng VOA hôm nay, Bích Huyền xin gửi đến quý vị và các bạn một chút tình của những ngày xưa thân ái ấy.



Mãi mãi chẳng bao giờ ta quên được những tháng ngày hoa mộng, dù bận rộn với bài vở học đường nhưng cũng vẫn có những giây phút mộng mơ. Có chàng trai nào thuở ấy lại chẳng có một đôi lần đứng ngẩn ngơ trước cổng trường đợi chờ chuông tan học, cánh cổng trường rộng mở và như một đàn bướm trắng bay ùa ra trắng xóa… Có cô bé nào ngày ấy lại không luống cuống khi bắt gặp một ánh mắt ai nhìn…

Nắng vàng êm trên cỏ
Em về ươm tóc nhung
Nghe trên ngày tháng đó
Còn êm đẹp vô cùng

Chập chùng yêu thương phủ
Bâng khuâng nghìn tơ vương
Em đi trên lối cũ
Mà nghe sao quá thương

Tiếng hát nào ngẩn ngơ
Làm xôn xao giấc ngủ
Cho em lạc cơn mơ
Mang mang trời luân vũ

Khói tình vương trong gió
Hạnh phúc mềm như nhung
Nghe trên ngày tháng đó
Còn êm đẹp vô cùng
(Trịnh Gia Mỹ)

Trong truyện Hoa Bâng Khuâng, nhà văn Võ Hà Anh ghi lại những cảm nghĩ êm đềm về một thời hoa nắng. Dù xa xưa nhưng ở nơi nào thì kỷ niệm cũng trải dài dưới bước chân. Vì nơi nào cũng có rặng cây giống như những cây xanh ở Sài Gòn nơi có ngôi trường ấy, vì ở đâu cũng cũng có hoa nắng nhẩy múa vô tình. Giống như hoa nắng ngày xưa đã chan hòa trên mái tóc “người tôi yêu” và có lẽ cũng… yêu tôi.

Vẫn dõi hồn ta theo bước đi
Âm thầm mây vướng lại trên mi
Ai về riêng có con đường lá
Nhớ thuở nào chăng nhớ những gì?

Nhìn loài hoa không hái được ấy, tôi lại thấy lòng mình xao xuyến, bâng khuâng... Ngày tháng trôi đi, tình yêu còn ở lại. Và hạnh phúc tình yêu thì… cũng đã trôi theo với thời gian. Chỉ còn lại trong tôi những tiếc nuối không nguôi

Vẫn ngỡ mưa buồn vây mắt trong
Chiều phai trên suối tóc mơ hồng
Nghe trong tiếng hát xanh hồn cỏ
Len nhẹ vào lòng chút mênh mông

Những, mối tình học sinh như thế làm sao mà quên được?

Rồi có một ngày về qua lối xưa, vẫn hoa nắng năm nào, tháng nào, ngày nào, chiều nào, phút giây nào. Nhưng cô bé học trò năm xưa không còn nữa.

Nắng len lỏi qua khe lá, theo làn gió thoảng nhẩy múa trên mặt đường.

Nhìn bóng nắng lung linh, tôi liên tưởng tới một loài hoa, lúc ấy tôi tạm gọi là hoa nắng và bây giờ là tên gọi Hoa Bâng Khuâng.

Phải không? Mình đã có một thiên đường.
Ấp ủ dịu dàng cho những tháng năm.
Con đường - buổi chiều - vỉa hè - tập sách.
Mắt ướt nào… bỗng thấy bâng khuâng.

Mời quý vị nghe chương trình này.



Theo Bích Huyền (VOA)

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Điểm tin tuần (18/07/2010 - 25/07/2010)





    Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

    Nghe đọc truyện "Một đóa hoa rừng" của Hồ Biểu Chánh



    Truyện ngắn Hồ Biểu Chánh với nhan dề "Một đóa hoa rừng" viết vào 1944 tại Vĩnh Hội và đã được liệt kê trong danh sách các đoản thiên của Hồ Biểu Chánh nên không có trong danh sách các tiểu thuyết.

    Lời nói đầu

    Húng hính chơi ở trong chốn cố hương được mấy tuần, tôi lóng nghe đô thành đã yên tịnh, không có phi cơ oanh tạc đến viếng nữa. Tôi tò mò trở về Sài Gòn. Nào dè mới về được vài ngày thì còi báo động thổi rân nữa, có bữa báo động tới hai lần. Người ta lo tản cư. Tôi ngao ngán nên cũng chạy như thiên hạ. Mà lần nầy, tôi theo một ông bạn chạy lên miệt trên, tìm nơi cao ráo u nhàn đặng dung thân dưỡng trí.

    Tôi lên ở Bến Súc.

    Đến đây tôi liền nhớ cái thớt vườn êm đềm kín đáo, mà năm trước tôi đã thày lay tả vẻ trong một bộ tiểu thuyết của tôi, cái thớt vườn nực nồng thi vị, chan chứa thương yêu, nối tóc xe tơ cho cặp nam nữ thanh niên là cậu Phúc với cô Lý, một tối cựu, một tối tân nhưng hai tâm hồn tương đồng, tương hiệp.

    Bữa sau tôi đi xem lại thớt vườn nầy, xem coi Thần ái tình còn ủng hộ Phúc với Lý hay không. Miễu ái tình vẫn còn sờ sờ, mội nước trong vẫn còn ro re, tiếng đờn ve vẫn còn inh ỏi, duy thiếu Phúc với Lý. Người ta nói cặp tri âm nầy đã vô Đường Long mấy bừa rày, vô kiếm chỗ mà gây thêm một cái ổ ái tình thứ nhì nữa.

    Đường Long... Tôi biết rồi, chỗ Phúc khẩn đất để trồng tiêu, trồng nghệ, tôi đã có nói trong quyển „Ái tình miếu“. Tôi quyết đi, đi tìm Phúc với Lý, mà cũng đi xem quang cảnh Đường Long. Một ông bạn mượn chiếc xe bò mà chở tôi đi vì đường xa đến năm ngàn thước, đi bộ không tiện. Đi Đường Long mà ông bạn tôi không chịu đi theo lộ đá Kiểm Lâm, lại bắt đi dọc theo mé bưng, nói đi ngã đó tôi mới được thưởng thức đủ cảnh rừng, vườn, bưng, suối.

    Hồi xưa, cụ Nguyễn Công Trứ ngâm câu „Cỡi trâu êm hơn cỡi ngựa“, hôm nay, tôi lại thấy „Ngồi xe bò khỏe hơn ngồi xe hơi“. Ngồi xe bò khỏi lật té mà nó còn gây trong lòng tôi một cảm hứng nồng nàn dị kỳ. Tại sao cảm hứng? Tại gặp cái nguồn. Suối Xinô bắt từ trên từng cao, xa lắm, phía trong Cà Tong nữa kìa, quanh co chảy ra sông Sài Gòn. Tuy suối dài đến mấy chục ngàn thước, như mùa khô bề ngang chỉ có năm ba thước, đến mùa ướt mới có nước nhiều. Hai bên suối, đất thấp, thì mưa dào người ta gieo mạ, cấy lúa. Vô trong, đất cao lên một chút, thì người ta làm rẫy, trồng những mía, mì, mè, đậu và ớt nghệ, gừng.

    Vô trong nữa, đất cao hơn, thì người ta lập vườn trồng những sầu riêng, trái sữa, chanh, mít, tiêu, cau. Phía sau vườn thì là rừng, lố xố những sao, sến, dầu, gõ, bằng lăng, trắc, chỗ còn rừng cấm, chỗ đã có chủ. Phần nhiều chủ đất chiếm từ dưới ruộng lên tới trên rừng. Lại mỗi sở đất đều có người ta ở trồng tỉa, ai ở xa thì cất trại, ai ở tại đó thì cất nhà, có nhà tranh mà cũng có trại ngói. Ngồi xe bò đi cục kịch theo mé rừng hay qua đám rẫy! mắt ngó khoai mía xanh tươi, cây cội chớn chở, tai nghe gà rừng gáy, cu đất kêu, quan cảnh an tịnh làm cho tôi ngẩn ngơ, quên hết các rộn rực ở thị thành, mà cũng quên hết các nổi chìm của thế sự, tâm hồn bắt say sưa với thú lâm viên khỏe khoắn, với thói thôn quê thiệt thà.

    Vô tới Đường Long, gặp lộ đá Kiểm Lâm, tôi hỏi thăm Phúc và Lý. Người ta nói cách vài bữa trước có thấy đi qua, đi thẳng vô phía trong. Tôi đi theo, đi một đỗi rất xa, mà tìm không gặp.

    Nghĩ đều rừng thẳm, suối dại,
    Bóng chim tâm cá, hỏi ai bây giờ.

    Bạn tôi mới khuyên tôi đừng theo nữa, rủ ghé một trại quen xin nước trà quế bọt mà uống rồi trở về. Ông Ba Lung, ở trại nầy, ông mừng rỡ và dường như ở đây ít người nên ông khao khát nói chuyện, bởi vậy ông tiếp rước chúng tôi rất ân cần, ông nấu nước pha trà đãi chúng tôi rồi ông thuật cho chúng tôi nghe một chuyện ái tình mới kết cuộc cách mấy bữa trước, kết cuộc với màn bi kịch xào xáo rồi tiu hiu, làm cho ở vùng nầy người ta vừa kinh tâm, vừa áo não.

    Thôi, tìm không được ổ ái tình êm ấm kia, thì tôi chép lại chuyện ái tình xào xáo nầy, kỷ niệm cho buổi nhàn du và luôn dịp bày tỏ Đường Long cảnh vật.

    Powered by eSnips.com

    Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

    Một số lưu ý về bệnh dại



    Virut dại được truyền trực tiếp từ chó dại sang chó khỏe và người. Trong nước dãi có virut dại nên khi cắn người và thú vật khác, virut dại sẽ từ nước dãi xâm nhập vào vết thương.

    Bệnh dại gây ra do virut dại.

    Virut sau khi xâm nhập vào cơ thể người và động vật sẽ di chuyển theo dây thần kinh vận động vào tủy sống và lên não, gây ra trạng thái điện dại ở động vật và người, nên người ta gọi là virut hướng thần kinh.

    Trước khi chó phát ra các triệu chứng dại từ 8 - 14 ngày, nước dãi của chó đã có virut dại. Mèo, chó sói, chồn, khi bị dại cũng có virut dại trong nước dãi và cũng truyền bệnh cho các thú vật khác và người giống như chó dại.

    Thời gian từ khi súc vật và người bị chó dại cắn cho đến khi súc vật và người đó phát bệnh dại gọi là thời gian ủ bệnh. Thời gian này, virut dại di chuyển theo các dây thần kinh về tủy và não bộ. Vì vậy, vết cắn càng xa thần kinh trung ương thì thời gian phát bệnh càng lâu và ngược lại. Thời gian ủ bệnh cũng còn phụ thuộc vào các loại thú. Các nhà khoa học đã xác nhận thời gian ủ bệnh của chó trung bình là 25 ngày, người là 40 ngày.

    1. Triệu chứng bệnh : Có hai thể bệnh rõ rệt

    a. Thể điên

    Sau thời gian ủ bệnh chó lên cơn điên dữ dội : mắt đỏ ngầu, chảy dãi như bọt xà bông quanh mép, không còn cảm giác, lao vào mọi người, kể cả chủ nó và những con vật khác để cắn xé một cách tàn bạo.

    Thời kỳ này chó bỏ ăn hoặc nhai nuốt tất cả vật gì mà nó gặp trên đường đi. Chó sủa có tiếng khàn khàn hoặc rú lên từng hồi ghê rợn khác hẳn với trạng thái bình thường.

    Vài ngày sau đó chó bỏ nhà ra đi hoặc rúc vào bờ bụi, xó tối và chết trong trạng thái gầy rạc, kiệt sức, bại liệt với những vết thương rớm máu trên thân thể do tự cắn xé.

    Thể bệnh này chỉ diễn biến từ 2 - 5 ngày thì chó chết.

    b. Thể bại liệt

    Đầu tiên, chó thể hiện các trạng thái bất thường : ngơ ngác, bồn chồn đi lại, ăn ít hoặc bỏ ăn. Sau đó chó lặng lẽ chui vào xó tối nằm im, bởi vậy còn gọi là “thể dại im lặng”, “thể dại câm”, khác hẳn với thể điên.

    Vài ngày sau, chó bị liệt chân, liệt hàm, không thể há mồm ra được nhưng nước dãi vẫn chảy quanh mép như bọt xà phòng. Sau khi phát bệnh từ 3 - 5 ngày, chó chết trong trạng thái bại liệt hoàn toàn.

    Thể này rất nguy hiểm vì người ta không nghĩ đến bệnh dại và mấy ngày đầu chó có thể cắn gia chủ, nếu như đến chăm sóc nó. Thể bại liệt chiếm 20 - 30% số chó bị bệnh dại.

    2. Chống dại cho chó

    Chủ yếu phải định kỳ tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chó, cứ 8 - 12 tháng tiêm một lần. Hiện nay, vacxin đang được sản xuất và sử dụng ở nước ta là vacxin nhược độc LEF Flury. Đó là vacxin nhược độc chế tạo từ phôi thai trứng gà. Tiêm một liều 3 ml vào dưới da chó, sau 8 - 12 ngày chó có miễn dịch với virut dại, miễn dịch kéo dài 8 - 12 tháng. Ngoài ra cũng có thể dùng vacxin chế từ não bê. Vacxin này chưa được sử dụng rộng rãi ở nước ta, vì giá thành còn đắt so với vacxin LEF Flury.

    3. Chống bệnh dại cho người

    Nuôi chó nói chung, chó cảnh nói riêng có những cái lợi và tác dụng như đã nói nhưng nếu không thận trọng thì chó lại là một tai họa cho người.

    Với người bệnh dại thể hiện chủ yếu là thể điên, còn thể bại liệt thường chiếm một tỷ lệ rất thấp.

    Khoảng 7 - 10 ngày trước khi lên cơn điên, người bệnh thể hiện các trạng thái bất thường : ngồi đứng không yên, hồi hộp, lo lắng, không ngủ được, ngơ ngác vì ít ăn.

    Sau đó người bệnh sợ ánh sáng và tiếng động, lên cơn điên loạn, mất hết các tri giác, la hét dữ tợn, nhảy vào cắn xé những người xung quanh và tự cắn xé mình, đập phá mọi vật một cách không thương tiếc, không ăn uống được vì mất tri giác và liệt cơ họng, thực quản, cơ hàm dưới và cuối cùng người bệnh chết dần trong tình trạng quằn quại, sợ hãi và liệt cơ thể.

    Bệnh tiến triển từ 3 đến 6 ngày.

    Cần chú ý các biện pháp sau :

    a. Tạo miễn dịch bằng vacxin phòng dại

    Phương pháp được dùng trong một thời gian dài để chống bệnh dại cho người và chó ở hầu hết các nước trên thế giới là dùng vacxin có virut tiêm 21 lần dưới da. Phương pháp này chỉ có hiệu quả nếu như được sử dụng sớm cho người bị chó dại cắn, với điều kiện vết cắn của chó dại cắn không quá gần thần kinh trung ương mà thời gian ủ bệnh tối thiểu là 30 ngày. Với thời gian đó, người sẽ được tạo miễn dịch chắc chắn, tự tiêu diệt được virut dại trước khi virut về được thần kinh trung ương.

    Ngày nay các nhà bác học đã chế tạo được nhiều loại vacxin chống bệnh dại cho người và động vật mà thời gian tạo miễn dịch cho cơ thể ngắn hơn, chỉ từ 14 - 16 ngày. Một trong những loại vacxin hiện đang được sử dụng ở nước ta là vacxin chế tạo từ não chuột bạch sơ sinh, chỉ cần tiêm 6 mũi, tiêm cách ngày, mỗi mũi tiêm 0,2 ml vacxin vào dưới da.

    Sau khi tiêm 1 tuần đã có miễn dịch và thời gian miễn dịch 4 - 6 tháng, hiện nay vacxin được sản xuất tại Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội với số lượng có thể cung cấp trong toàn quốc.

    b. Xử lý khi bị chó mèo cắn

    Theo quy định của Bộ Y tế, phải theo dõi con chó hoặc con mèo cắn người trong thời gian 7 - 10 ngày. Nếu vật có biểu hiện nghi ngờ bị bệnh dại thì người bị cắn phải kịp thời đến Trạm vệ sinh phòng dịch gần nhất xin tiêm vacxin chống dại đúng qui định của Bộ Y tế.

    Trong điều kiện cần thiết, có thể bắt chó, hoặc mèo cắn người đến các Chi cục thú y tỉnh để chẩn đoán xác định xem có bị dại hay không.

    Ngoài phương pháp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể chống virut dại, chưa có một hóa dược nào và bài thuốc gia truyền nào có thể điều trị được bệnh dại cho người và thú vật.

    c. Quan hệ với chó, mèo và thú cảnh khác

    Chó, mèo và thú cảnh khác mà chúng ta nuôi, khi thấy có thay đổi bất thường nghi bị dại thì phải theo dõi và xử lý kịp thời.

    Chó phải nhốt trong phạm vi nhà ở. Khi dắt chó ra đường phải có rọ mõm đề phòng cắn người.

    Khi chăm sóc chó, phải đề phòng không để chúng cắn. Lỡ bị cắn thì phải kịp thời đến y tế để khám và xử lý.

    Không được thả rông chó để tránh sự lây nhiễm virut dại từ chó dại, mèo dại và các thú khác bị dại. Chó chết vì bệnh dại phải đem chôn hoặc đốt xác.

    Sau đây , mời nghe chương trình y tế thường thức về bệnh dại


    Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

    Ham việc làm giảm tuổi thọ

    Làm việc quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, một trong những "sát thủ" hàng đầu đối với loài người.



    Livescience cho biết, các nhà khoa học của Viện Sức khỏe nghề nghiệp Phần Lan theo dõi 6.014 người lao động trong 20 cơ quan nhà nước tại London, Anh. Những người này có độ tuổi từ 35 tới 55. Quá trình theo dõi diễn ra trong hơn 11 năm. Các chuyên gia liên tục cập nhật thông tin về thời gian làm việc trung bình trong ngày, số lần nghỉ giải lao trong buổi làm việc.

    Kết quả cho thấy, những người làm việc nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn 60% so với những người làm việc ít hơn. Tỷ lệ này không thay đổi sau khi nhóm nghiên cứu loại trừ những yếu tố khác có thể gây nên bệnh tim, như hút thuốc lá, lười vận động, lượng mỡ máu cao, béo phì.

    Tiến sĩ Marianna Virtanen, chuyên gia về bệnh dịch và là trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng trong số 6.014 đối tượng mà họ theo dõi có 369 người mắc bệnh tim.

    Sau khi tính toán các nhân tố như giới tính, tính chất công việc, tình trạng hôn nhân, tuổi tác, Virtanen và các cộng sự nhận thấy người làm việc quá giờ từ 3 tới 4 tiếng trở lên có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn so với mức trung bình của xã hội. Họ giải thích mối quan hệ giữa làm việc quá nhiều với nguy cơ mắc bệnh tim như sau:

    Những người hay làm việc quá giờ thường có tính cách loại A. Đặc trưng của những người có tính cách loại A là thích cạnh tranh, dễ nổi nóng, dễ thù oán người khác, thường rơi vào trạng thái căng thẳng. Đó là những nhân tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

    Huyết áp của người lao động tăng lên khi họ làm việc quá giờ, nhưng hiện tượng đó không thể hiện trong những lần khám bệnh nên họ không biết.

    Người thích làm việc quá giờ sẵn sàng tới công sở ngay cả khi họ bị ốm hay gặp những vấn đề về sức khỏe.

    Tình trạng căng thẳng kinh niên do làm việc nhiều có thể tác động xấu tới quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể người, khiến tim dễ bị tổn thương hơn.

    Virtanen nhấn mạnh rằng đối tượng nghiên cứu chỉ là những người làm việc văn phòng, không có người lao động chân tay nên chưa thể nói kết quả nghiên cứu có thể áp dụng cho toàn bộ xã hội. Ông cho rằng các nhà khoa học cần phải tiến hành nghiên cứu tương tự đối với những người lao động chân tay.

    Minh Long

    Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

    12 yếu tố giúp làm giàu



    Một khát vọng bỏng cháy luôn là xuất phát điểm cho mọi thành công. Bạn có khát khao cháy bỏng không? Hay bạn đã từng có một niềm khao khát bỏng cháy về điều gì? Xin hãy nhớ rằng cuộc đời của những người thành đạt nhất luôn là một chuỗi những khao khát, đam mê và thực hiện tất cả.

    Ai cũng muốn làm giàu nhưng không phải ai cũng có thể làm giàu. Dưới đây là 12 yếu tố giúp bạn thực hiện được mong muốn của mình.

    1. Khát vọng: Một khát vọng bỏng cháy luôn là xuất phát điểm cho mọi thành công. Bạn có khát khao cháy bỏng không? Hay bạn đã từng có một niềm khao khát bỏng cháy về điều gì?. Xin hãy nhớ rằng cuộc đời của những người thành đạt nhất luôn là một chuỗi những khao khát, đam mê và thực hiện tất cả.

    2. Niềm tin: Trong tình huống này, niềm tin là hình dung về những khát khao của bạn và tin tưởng rằng bạn sẽ giành được nó.

    3. Tự ám thị: Ngày nay, chúng ta gọi ý niệm này là “sự quả quyết”. Đây là thói quen khi một chuỗi những ý nghĩ mang tính quả quyết ảnh hưởng đến tiềm thức của bạn. Một sự khẳng định thường ở thì hiện tại, thậm chí ngay cả khi bạn vẫn chưa có được nó. Nếu mục tiêu của bạn là tạo nên một công việc kinh doanh trị giá hàng triệu đô la, thì sự quả quyết sẽ là “Tôi đang trong quá trình xây dựng một sự nghiệp hàng triệu đô la”. Còn khi kế hoạch của bạn đã trở nên rõ ràng hơn thì bạn sẽ nói “Tôi đang sở hữu việc kinh doanh hàng triệu đô la”.

    4. Kiến thức chuyên ngành: Những người theo đuổi sự am tường và khả năng chuyên nghiệp ở một lĩnh vực nào đó thường tự tin hơn, thành thạo hơn và có cơ hội thành công nhiều hơn. Bạn tiếp tục sự nghiệp học hành về chuyên môn của mình như thế nào?.

    5. Tưởng tượng: Trước khi bắt đầu một ngày, hãy nghĩ về những cách khác nhau giúp bạn thực hiện công việc tốt hơn.

    6. Tổ chức kế hoạch: Mọi mục tiêu đều cần một kế hoạch. Khi bạn đã có một kế hoạch, bạn luôn biết cần phải làm điều gì tiếp theo.

    7. Quyết định: Những người thành đạt luôn có khả năng ra quyết định một cách nhanh chóng và thay đổi nó một cách chậm rãi. Không phải kết quả làm cho một quyết định là tốt hay xấu mà chính là quá trình đưa ra quyết định đó. Cách thức bạn đưa ra quyết định là cách tốt nhất để chế ngự được sự chần chừ trong bạn.

    8. Kiên định: Đừng bao giờ từ bỏ! Và đừng nhận lấy một kết quả không có gì cả. Thay vào đó, hãy tìm một con đường để vượt qua chướng ngại vật của bạn. Điều này sẽ mang chúng ta trở lại với sự sáng tạo.

    9. Quân sư: Đội ngũ quân sư là một nhóm những người tập hợp lại, cùng nhau cống hiến vì một mục tiêu chung. Sự cố vấn giúp lôi kéo được mọi người tập trung vào buổi thảo luận và vận dụng trí tuệ để giải quyết những vấn đề khác. Một cách điển hình, việc đưa ra những vấn đề còn tranh cãi có tính gần gũi có thể tạo nên mối liên hệ về mặt kinh doanh, nhưng quá trình cố vấn lại có thể được dùng để giải quyết bất cứ tình huống khó khăn, dự án hay vấn đề về kinh nghiệm nào. Sự cố vẫn luôn hữu ích bởi dù sao năm cái đầu thì vẫn tốt hơn một cái đầu. Ngoài ra, quá trình này còn giúp chúng ta chia sẻ hỉểu biết và kinh nghiệm.

    10. Tiềm thức: Hãy sử dụng tiềm thức của bạn để hình dung ra tương lai mà bạn mong muốn đạt được. Và hãy đi theo những linh cảm- những thông điệp mà bạn nhận được từ trong tiềm thức của mình.

    11. Trí tuệ: Bạn đã sử dụng bao nhiêu phần trăm tiềm năng trí tuệ của mình? Tối đa hóa sức mạnh trí tuệ của bạn có nghĩa là suy nghĩ kĩ về vấn đề của bạn thay vì phản ứng lại nó một cách cảm tính.

    12. Giác quan thứ sáu: Sau khi nắm được cả 11 yếu tố trên, bạn đã có thể bước qua cánh cửa dẫn vào Ngôi đền của sự thông thái và sử dụng giác quan thứ sáu của bạn: đó là nguồn trí tuệ vô hạn.

    Theo danong.com

    Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

    Điểm tin tuần (11/07/2010 - 18/07/2010)