Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Bài học từ khủng hoảng



Nền kinh tế toàn cầu không thể thoát khỏi quy luật tăng trưởng rồi suy tàn. Khi khủng hoảng xảy ra, người ta coi đó như hậu quả tất yếu sau một kỳ tăng trưởng nóng và là dấu hiệu tốt cho thấy một sức sống mới sắp bắt đầu.

Từ đó, khủng hoảng được coi là biện pháp đào thải hiệu quả để loại bỏ một số phần tử yếu kém, lạc hậu và chỉ có những gì thực sự khỏe mạnh mới có thể tồn tại.

Có người cho rằng nguyên nhân khủng hoảng là do cách điều hành nền kinh tế thiếu hợp lý sau một thời gian phát triển quá nóng. Có người lại nói khủng hoảng là kết quả của những mưu đồ chính trị hoặc trục lợi của một số tổ chức, cá nhân có tầm ảnh hưởng tài chính rộng lớn. Keynes - nhà quý tộc đại diện cho bộ tài chính nước Anh, đồng tác giả cùng với các ngân hàng tư bản tạo ra cuộc Đại Suy thoái năm 1929, đã lập luận rằng: “Làm đồng tiền giảm giá, tạo ra lạm phát liên tục là có thể kín đáo tước đoạt một phần tài sản của công dân. Trong quá trình bần cùng hóa nhân dân, một số ít người sẽ giàu to. Không có thủ đoạn nào lại có thể lật đổ chính quyền một cách kín đáo, chắc chắn và thành công bằng lạm phát. Quá trình này tích lũy các nhân tố phá hoại theo quy luật kinh tế. Hàng triệu người chưa chắc đã có một người nhận ra nguồn gốc của vấn đề”.

Trong con người luôn tồn tại cái thiện và cái ác, lòng tham và lòng nhân từ. Chu kỳ tăng trưởng và suy thoái kinh tế chính là kết quả đấu tranh bên trong bản chất của con người. Cho dù nguyên nhân có là do chính sách sai lầm vô tình hay cố ý thì việc xác định bản chất của khủng hoảng và tăng trưởng sẽ giúp ta phòng tránh trước những hậu quả suy thoái kinh tế nặng nề.

Có nhiều dấu hiệu tăng trưởng và biện pháp điều tiết của các nhà hoạch định chính sách sớm bộc lộ một chu kỳ khủng hoảng sắp bắt đầu: Tiền được phát minh để phục vụ cho nhu cầu cần thiết của việc trao đổi hàng hóa. Lịch sử đồng tiền đã trải qua hàng nghìn năm phát triển với những quy định trong một trò chơi mà người ta thường gọi là chính sách tiền tệ. Ai nắm quyền kiểm soát đồng tiền sẽ nắm quyền kiểm soát vận mệnh quốc gia. Điều tiết tiền tệ là công cụ mang lại nhiều lợi ích to lớn cũng như hậu quả khó lường đòi hỏi nhà hoạch định chính sách phải biết sử dụng thành thạo và tùy biến trong từng trường hợp.

Một chế độ tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài với những chính sách bơm tiền ra ngoài xã hội, duy trì vay nợ với lãi suất thấp... sẽ tạo ra một lượng tiền ảo lớn vượt quá thực tế giá trị của cải xã hội, dẫn đến hậu quả tất yếu là lạm phát. Khối lượng hàng hóa do xã hội sản xuất là có hạn, do bị đầu cơ và sử dụng vô tội vạ đã dẫn đến khan hiếm và đẩy giá thành tăng vọt. Giá trị đồng tiền bị giảm sút nghiêm trọng. Khi đó luồng tiền tất nhiên sẽ chảy vào những nơi lưu giữ mà giá trị của nó ít bị ảnh hưởng như vàng, trái phiếu chính phủ...

Tính mất cân đối trên toàn cầu giữa các nước giàu thực sự do của cải vật chất và các nước giàu do tiêu dùng giá trị ảo của đồng tiền. Nói cách khác, trung tâm của khủng hoảng sẽ xảy ra ở những nơi mà nền kinh tế phát triển dựa trên đầu cơ dàn trải, luồng vốn chảy vào ồ ạt, các chế độ kiểm soát tiền tệ nới lỏng nhằm phát triển kinh tế với giá trị ảo. Trên thương trường, đồng tiền luôn sinh lời, chính vì vậy khi một luồng vốn lớn tích tụ tại một nơi sẽ dẫn đến việc phải xoay xở để tìm phương cách đầu tư. Lòng tham của con người chạy theo lợi nhuận ảo sẽ dẫn đến khủng hoảng bong bóng.

Chính sách hoạch định phát triển kinh tế luôn quyết định chu kỳ của khủng hoảng. Việc vay mượn luồng vốn từ nước ngoài hoặc từ các tổ chức để phát triển kinh tế thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến bùng nổ kinh tế ảo và xảy ra khủng hoảng. Thay vì dùng tiền vay mượn để đầu tư vào việc nâng cao giá trị sản xuất, hoặc chất xám của con người nhằm tăng khả năng cạnh tranh và sáng tạo, làm ra của cải vật chất đích thực cho xã hội sau khi đã trả gốc và nợ vay, thì một số nước lại dùng tiền vay mượn để đầu cơ vào những giá trị ảo như bất động sản, vẽ ra các dự án để đầu tư và bán lại kiếm lời, cho vay lãi, đầu tư vào chứng khoán... dẫn đến khủng hoảng là tất yếu.

Nhiều người cho rằng phương cách mà Mỹ đang làm là bơm tiềm ra để đối phó với khủng hoảng hiện nay nhằm kích thích lại tiêu dùng, nâng cao sản xuất... đẩy nền kinh tế đi lên sẽ là nguyên nhân cho các cuộc khủng hoảng kế tiếp. Xét về ngắn hạn thì dân Mỹ hiện nay thấy cuộc sống được cải thiện rõ nhưng về tương lai dài hạn thì việc vay mượn từ phát hành trái phiếu, in tiền, kêu gọi đầu tư,... sẽ là gánh nặng trả nợ cho thế hệ trẻ của Mỹ sau này. Thói quen tiêu dùng sẽ ăn sâu vào phong cách sống với những giá trị ảo của người dân dẫn đến một vòng luẩn quẩn “Phát triển - nóng - lạm phát - trì trệ - khủng hoảng - phát triển trở lại”.

Chính trị và kinh tế luôn ảnh hưởng qua lại với nhau. Kết quả tăng trưởng ấn tượng hay suy thoái của nền kinh tế là bệ phóng tốt cho sự công kích của các đảng phái tranh giành quyền lực ở mọi nước tư bản. Lợi dụng tình hình kinh tế để đưa ra những chính sách đánh vào tâm lý mong đợi của dân chúng là cách tốt nhất để giành phiếu bầu. Có thể mỗi đảng đều có lý lẽ riêng nhưng nếu họ vẫn đi theo đường lối chung là phát triển kinh tế dựa vào đầu tư giá trị ảo thay vì kích thích sản xuất của cải vật chất thực sự cho xã hội thì kết quả vẫn sẽ giống nhau.

Các sự kiện lớn là cơ hội phát triển kinh tế nhưng đôi khi lại là hậu họa nếu không biết tận dụng đúng cách. Olympic là một cơ hội vàng cho sự phát triển kinh tế của bất cứ quốc gia chủ nhà nào nắm quyền đăng cai. Trung Quốc là một trong những nước tận dụng cơ hội vàng thành công trong năm 2008 vừa qua. Bốn năm chuẩn bị là bốn năm để nước đăng cai nâng cao môi trường sống, văn hóa, trang thiết bị vật chất, công nghệ, khả năng tài chính kinh tế. Đó là cơ hội vàng để kêu gọi đầu tư về tiền bạc, công nghệ, quảng bá hình ảnh của đất nước, phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như nâng cao đời sống dân sinh. Trung Quốc đã có một bước phát triển thần kỳ trong bốn năm với tốc độ phát triển hai con số thật ấn tượng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, đằng sau sự phát triển thần kỳ đó, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình hình nền kinh tế phát triển chậm lại giống như những nước từng là chủ nhà của Olympic trước đây nếu không có chính sách phát triển đúng đắn.

Việc đẩy mạnh đầu tư trước Olympic cùng với sự gia tăng về doanh số, doanh thu, hoạt động đầu tư và tiêu dùng sẽ có xu hướng chững lại sau kỳ Olympic. Sử dụng chi phí bảo trì của các dự án khổng lồ chỉ phục vụ cho kỳ Olympic sẽ là một gánh nặng gây ra nhiều lãng phí to lớn và lâu dài. Riêng ngành kinh doanh khách sạn sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng do lượng đầu tư vào dịch vụ du lịch nở rộ chỉ phục vụ cho một lượng khách đột biến trong kỳ Olympic.

Những chất xúc tác khó kiểm soát như thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cũng góp phần làm thổi bùng ngọn lửa khủng hoảng. Sau một thời gian dài phát triển kinh tế nóng, nhu cầu tiêu dùng của xã hội tăng cao sẽ khiến cho nhu cầu về sử dụng tài nguyên như dầu lửa, đồ ăn thức uống ngày một lớn. Tuy nhiên vì mức sản xuất của xã hội và tài nguyên có hạn do con người chú trọng đầu cơ vào những giá trị ảo như bất động sản, chứng khoán nên giá cả các mặt hàng thiết yếu ngày một tăng. Giá trị đồng tiền vì thế mà ngày càng sụt giảm do đã vượt quá giá trị thực. Thiên tai và dịch bệnh ập đến cộng với giá cả các mặt hàng lương thực, dầu lửa, v.v… tăng cao khiến cho cuộc sống khó khăn, sức lao động giảm sút, sức khỏe của nền kinh tế bị ảnh hưởng. Vì nội tại của nền kinh tế đã phát triển quá nóng nên khi bị những yếu tố ngoại cảnh tác động sẽ bộc lộ bản chất yếu kém.

Có nhiều phương thức thường được áp dụng để vượt qua khủng hoảng kinh tế do chính sách tiền tệ gây ra. Trải qua những biến cố khủng hoảng lịch sử, ta thấy có một số phương thức chống khủng hoảng chung thường được áp dụng. Tuy nhiên, tùy từng đợt khủng hoảng khác nhau, các nhà hoạch định chính sách lại bổ sung thêm phương thức chống khủng hoảng đặc trị phù hợp với hoàn cảnh. Phương thức chống khủng hoảng giống như một đơn thuốc mà những thầy thuốc là nhà hoạch định chính sách có thể gia giảm thêm một số loại thuốc phụ trợ bên cạnh những loại thuốc chính để điều trị hiệu quả nhất cho căn bệnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế vào từng giai đoạn khác nhau. Trong đó các phương thức phổ biến như:

- Thắt chặt chế độ tiền tệ: Đây là biện pháp được dùng đầu tiên và chính yếu trong tình trạng nền kinh tế đang phát triển quá nóng, lạm phát gia tăng. Các ngân hàng cho vay quá nhiều dẫn đến tình trạng thiếu lượng vốn cần thiết để duy trì hoạt động hay nói cách khác là thiếu tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng thể hiện sức khỏe của nền kinh tế, khi nó ốm yếu có nghĩa là nền kinh tế đang lâm nguy.

- Tiết kiệm chi tiêu: Trong lúc khó khăn, tiết tiệm được coi là quốc sách. Tại sao mỗi khi khó khăn con người mới nghĩ đến tiết kiệm như một giải pháp chứ không phải là một thói quen? Nếu mọi người đừng tiêu xài hoang phí và sử dụng tiền không phải của mình đầu tư nhằm sinh lời ảo thì có lẽ đã không xảy ra khủng hoảng kinh tế. Khi khủng hoảng, con người mới nhận thấy rõ nhất giá trị thực của nền kinh tế, giá trị thực tài sản của mình và bắt đầu biết quý trọng, tiết kiệm những đồng tiền mồ hôi nước mắt khi chi tiêu.

- Cơ cấu lại danh mục đầu tư: Hơn lúc nào hết, trong thời kỳ khủng hoảng, nền kinh tế suy thoái, các nhà đầu tư và tổ chức càng cần phải xem xét lại danh mục đầu tư, duy trì những khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao, và cắt giảm một số khoản không cần thiết. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần phải biết đâu là danh mục cần loại bỏ và đâu là danh mục nên giữ lại, để đầu tư sao cho hiệu quả và hợp lý, tránh ít nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Thông thường, các nhà đầu tư sẽ chuyển đổi từ những danh mục đầu tư đã phát triển nóng như bất động sản, chứng khoán sang những khoản mục an toàn hơn là vàng, đôla, trái phiếu Chính phủ và tiết kiệm.

- Công bố các gói kích thích kinh tế phát triển: Đây là một phương thức không thể thiếu trong việc chống lại suy thoái kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và những hệ lụy do khủng hoảng hệ thống tài chính gây ra, đã ảnh hưởng trực tiếp tới mọi doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là những người nghèo. Các phương thức tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, sinh hoạt thường nhật của người dân với những mặt hàng thiết yếu ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đây là lúc chính phủ cùng quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ cho vay một lượng tiền lớn để phát triển đầu tư công, nâng cao đời sống an sinh xã hội của người dân đặc biệt là những người nghèo hoặc thất nghiệp, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp trước đây làm ăn hiệu quả, có thang điểm tín dụng an toàn và những doanh nghiệp có ảnh hướng lớn đến nền kinh tế-xã hội được vay vốn để vượt qua khó khăn. Điều khác biệt của việc bơm tiền sau khủng hoảng nhằm ngăn chặn đà suy thoái đó là tập trung tiền để kích thích xã hội làm ra của cải thực sự nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của toàn dân thay vì bơm tiền để đầu cơ vào những giá trị ảo như đất đai, chứng khoán như trước đây.

- Cùng đoàn kết hợp tác chống khủng hoảng kinh tế: Hơn lúc nào hết, các quốc gia và tổ chức cần phải cùng phải chung tay để vượt qua khủng hoảng và suy thoái. Các tổ chức như G20, ASeam... đã họp bàn với nhau để cùng tìm ra phương hướng, dự báo và cách thức hỗ trợ lẫn nhau. Lý do chính khiến các nước phải cùng nhau thảo luận là vì quan hệ chính trị và ảnh hưởng qua lại ràng buộc giữa các nền kinh tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, hệ thống tài chính, đầu tư, chứng khoán... của các nước liên kết với nhau khá chặt chẽ và sâu rộng. Một tập đoàn đa quốc gia bị sụp đổ tại một chi nhánh thì lập tức toàn bộ tập đoàn bị ảnh hưởng. Suy thoái kinh tế xảy ra tại một đất nước lớn mạnh như Mỹ khiến cho nhiều công ty mẹ ở đó bị sụp đổ, các công ty con ở những quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng nghiệm trọng do vốn bị rút về nước. Toàn cầu hóa chính là lý do cấp thiết để các quốc gia cùng nhau hợp tác chống khủng hoảng.

(Trích cuốn sách "Giấc mơ trứng vàng" do Alpha Books ấn hành)

Một chuyến du lịch của Gia đình Duy Duy đến Đà Nẵng

Đây là lần thứ hai , gia đình Duy Duy đến Đà Nẵng , khi bước xuống máy bay , một cảm giác lâng lâng , lạ lạ bỗng len vào , cái cảm giác như khi mình trở về quê hương , xứ sở Ninh Bình ... Cũng phải thôi , vì trên mảnh đất này , đã ôm gọn lấy thân xác một người bạn thân quen ... và cứ tới đây thì mình không thể không nhớ đến người bạn ấy!

Mới chỉ có 2 năm thôi , Đà Nẵng thật sự thay da đổi thịt , cứ như là nàng công chúa được khoác lên mình bộ áo mới ... đường phố Đà Nẵng rộng rãi , thoáng đãng , nếu không nghĩ đến các trận bão hàng năm công phá trực tiếp vào mảnh đất này , thì nơi đây - có đầy đủ tiềm năng về kinh tế , văn hóa , du lịch , con người ... quả thật là một vùng đất hứa !

1/Thăm bạn

Sau khi ổn định chỗ nghỉ ngơi tại khách sạn , mình bèn liên lạc với hai gia đìn bạn học ở lớp 6K9 Đại học tài chính kế toán Tp.HCM và hẹn sẽ gặp mặt nhau tại quán Trần (300 Hải Phòng , Đà Nẵng), rất tiếc ... chỉ có gia đình bạn Đạt - người bạn đã khuất - là đến được , còn gia đình bạn Tước - do bận tiếp đoàn thanh tra thuế nên không đến được , hẹn lại ngày mai - Không khí gặp mặt tuy có kém vui đôi chút nhưng vẫn đậm đà tình cảm , hai gia đình cùng ôn lại kỷ niệm cũ và chụp hình lưu niệm . Nói chung , cuộc sống gia đình bạn Đạt cũng đã tạm ổn , hai mẹ con dọn về nhà ông bà ngoại ở , còn căn nhà nhỏ trên đường Hoàng Diệu thì cho thuê nguyên căn , cũng tạm đủ trang trải cuộc sống và lo cho cháu ăn học , xin nói thêm , vợ bạn Đạt đang làm việc cho một Công ty du lịch tại Đà Nẵng , còn con của bạn Đạt thì mới học hết lớp 8 , sang niên khóa 2010-2011 thì sẽ vào học lớp 9.


Gia đình Duy Duy và Gia đình bạn Đạt chụp ảnh kỷ niệm tại quán Trần.

Chiều hôm sau , bạn Tước đưa bà xã đến thăm gia đình Duy Duy tại khách sạn , để hai bà hàn huyên tâm sự tại hồ bơi , bạn Tước tranh thủ đưa mình về thăm nhà riêng . Nhà bạn Tước mới xây năm 2009 , nhờ đền bù giải tỏa mở đường lớn , tuy có bị mất đi khoảng 100M2 , nhưng với diện tích còn lại và vị trí như vậy , nếu ở Sài Thành thì thật là có giá trị ! Tuy nhiên , với tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng hiện nay , với cơ ngơi này , bạn Tước cũng có thể an tâm , khi về hưu , có thể sống khỏe bằng tiền cho thuê nhà ... Xin chúc mừng bạn !


Căn nhà hạnh phúc của bạn Tước.


Bạn Tước ngồi tiếp khách .

2/ Tham quan Bà Nà :

Ngày thứ hai ở Đà Nẵng , gia đình Duy Duy đánh dấu bằng chuyến tham quan du lịch Bà Nà , cách trung tâm Đà Nẵng 30 km . Có thể nói , đây là Đà Lạt của Đà Nẵng , với độ cao khoảng 1,500 mét , nhiệt độ tại Bà Nà luôn thấp hơn nhiệt độ tại trung tâm Đà Nẵng khoảng 10 độ C . Có đến đây , bạn mới cảm nhận được khả năng của con người là rất lớn .


Ngồi trong cáp treo


Đến trạm nghỉ cáp treo thứ nhất , không khí đã mát lạnh


Trời mát mẻ , gió thổi mạnh , lòng người cũng vui vẻ


Trên đỉnh núi Chúa , cao 1487 mét


Hầm rượu vang trên 100 năm


Thử làm cao bồi , uống rượu vang !

3/ Câu chuyện tại hồ bơi :

Tắm hồ là thú vui lớn của Ngọc Duy và Hoàng Duy , do đó , khi đi du lịch , nhất thiết gia đình phải ở khách sạn có hồ bơi thì mới được hai ông tướng chấp nhận . Tuy nhiên , nhờ tắm hồ , mình có được 3 bài học qua 3 câu chuyện tại hồ bơi sau đây :

a) Câu chuyện thứ nhất : "Chỗ nào cũng bằng nhau"

Bé Hoàng Duy mới được 6 tuổi , nên khi tắm hồ nhất định phải khoác vào người áo phao , do đó , lúc nào bé cũng ở tư thế là nổi trên mặt nước , chân thì không bao giờ đụng đến đất . Vì vậy , khi Ngọc Duy nói với Hoàng Duy là :"Chỗ này sâu lắm , Bầu vào trong kia đi" -( Bầu là tên thường gọi của Hoàng Duy ) thì Hoàng Duy nói : "Em thấy chỗ nào cũng bằng nhau mà ..." !!!





Trong thực tế thì Ngọc Duy nói đúng , nhưng với nhận thức hiện tại , Hoàng Duy phủ nhận điều đó và cho mình là đúng , đây chính là hiện tượng rất phổ biến mà người xưa đã ví như là "ếch ngồi đáy giếng , thấy trời bằng vung" .

b) Câu chuyện thứ hai : "Quên mất từ Chúa"

Đây là câu chuyện trao đổi bằng tiếng Anh giữa Ngọc Duy và một khách du lịch người Úc khi đang ngụp lặn trong hồ bơi , do nói chuyện hơi nhiều và có khi người Úc phá lên cười khoái chí , mình có gạn hỏi lại cháu và cháu kể lại , tôi xin ghi nhận lại bằng tiếng Việt .

Sau một số câu hỏi xã giao bình thường , vị khách người Úc hỏi Ngọc Duy :
_ Thế , ngày Chủ Nhật , cháu thường làm gì ?
_ Dạ , buổi sáng , cháu đi học tiếng Anh . Ngọc Duy nói
_ Trường anh văn quốc tế ? Người Úc lại hỏi
_ Da , trường quốc tế , còn buổi chiều cháu đi nhà thờ .Ngọc Duy lại nói .
_ Đi đâu nhỉ ? Người Úc có vẻ ngạc nhiên hỏi lại . Ngọc Duy hơi mất tự tin , nhưng sau đó , vội giải thích
_ Có lẽ , cháu phát âm không tốt ! Có nghĩa là ... , cháu đi thăm Chúa , mỗi tuần một lần vào ngày Chủ Nhật .
_ Ô ! Đúng rồi ! Không phải là cháu phát âm không tốt , nhưng thật ra ..., thật ra ... lâu quá , tôi đã quên mất từ này !!!

Thật là thời đại công nghiệp có khác , con người lao vào công việc và kiếm tiền , do đó , quên hết quá khứ , quên hết người thân và quên cả Chúa nữa . Hy vọng , sau câu chuyện này , người khách Úc này , sẽ nghĩ lại chăng , nếu được như vậy , thì Ngọc Duy quả là có phước , nhà Phật có nói : "Cứu một mạng người bằng xây 3 ngôi Chùa" , còn ở đây :"Cứu một linh hồn thì cũng bằng xây ... 3 ngôi nhà thờ" !!!

c) Câu chuyện thứ ba : "Ai cũng thích tiền"

Cũng với câu chuyện trong hồ bơi với người khách Úc , Ngọc Duy đã tấn công lại bằng câu hỏi :
_ Ông qua Việt Nam du lịch phải không ? Người khách Úc trả lời :
_ Không hoàn toàn là du lịch ! Chủ yếu là đến Việt Nam để thăm gia đình vợ .
Ngọc Duy lại hỏi tiếp :
_ Vậy thì ông thích cái gì nhất ? Ý Ngọc Duy là hỏi ở Việt Nam , nhưng lại mất đi chữ Việt Nam , do đó , người khách Úc trả lời hơi bị sai ý .
_ Thích gì ư ? Chẳng thích gì cả , tôi chỉ thích tiền thôi ( cười nhè nhẹ )
Ngọc Duy nói theo :
_ Tiền ư ? Theo cháu thì tất cả mọi người , ai cũng thích tiền cả !!!
_ Ha ... ha ... ha . Người khách Úc cười to khoái chí .

Có lẽ đây chỉ là một câu chuyện vui , nhưng cũng cho thấy rằng , thời đại bây giờ là thời đại kim tiền , người khách Úc - có lẽ là một doanh nhân , nên chỉ thấy cuộc sống là những đồng tiền , nó nhảy múa xung quanh mình , nó len lỏi vào cuộc sống gia đình , xã hội và trói buộc con người .

Sau đây là toàn bộ anbum của chuyến du lịch này .

Điểm tin tuần (23/05/2010-30/05/2010)





Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

DA VÀ TIẾNG



Một loại thú dữ ăn thịt ngươi rất nổi tiếng đó là hùm, không ai dám đến gần nó cả. Chẳng cần phải ngồi trường này lớp nọ để học, từ người lớn đến trẻ con đều biết rằng cọp là con vật dữ tợn của chốn rừng xanh, còn có những tên gọi khác như Hùm, như Hổ, như Kễnh... và nhiều biệt danh như "ông Ba Mươi", "Chúa Sơn Lâm", "Xích Lô", “Ông Kẹ” v.v... Nghe đến danh của nó là đã sợ chứ đừng nói gì lại gần nó. Ai đã hơn một lần đứng trước chuồng của những loài thú dữ đã nhìn thấy sự dữ tợn của nó là chừng nào.

Cùng loại với hùm còn có beo, sư tử ... Chúng dữ tợn, hung hăng không những đối với loài vật nhỏ hơn mà ngay cả đối với người ta cũng phải sợ trước tiếng kêu lẫm liệt của chúng. Lúc còn sống, loài mạnh thú này vốn dữ tợn như vậy.

Người xưa có câu ngạn ngữ : “Hổ tử lưu bì”: "cọp chết để da" . Con cọp chết đi có thể để lại bộ xương cho người ta nấu cao, gọi là cao hổ cốt. Nhưng người ta không chú trọng đến bộ xương mà lại để ý đến bộ da của nó. Cọp chết đi chẳng còn để lại được gì và chỉ để lại bộ da của nó, chắc chắn bộ da này quí lắm. Da cọp được xử dụng vào việc trang trí phòng ốc, sảnh nhà rất đẹp, rất sang và cũng rất bền.

Con cọp chết để da lại cho cuộc đời là vậy.

Vế sau của câu ngạn ngữ “Hổ tử lưu bì” là “Nhơn tử lưu danh : "Người ta chết để tiếng". “Tiếng” mà ông bà nói theo định nghĩa của vật lý thì nó vô hình và nếu theo định nghĩa của hoá học thì nó không màu, không mùi và không vị là thế nào ? Tiếng đây có nghĩa là dư luận thị phi và gồm có 2 loại : Tiếng tốt và tiếng xấu.

Đối với những người có công và biết hy sinh cho đời như đóng góp tài năng, sức lực vào việc xây dựng cộng đồng xã hội, sau khi họ chết được người đời luôn luôn nhắc đến tên tuổi. Ngược lại, hạng người thứ hai cũng để lại tiếng đời, nhưng lại là tiếng dèm pha, khinh rẻ. Với những kẻ lúc sống chỉ biết thủ lợi riêng với nhiều mưu mô để lường gạt và khiến cho nhiều người phải điêu đứng, tan gia bại sản. Đến khi chết họ bị quần chúng nguyền rủa, lên án không tiếc lời. Tiếng đời rất quan trọng như vậy, cho nên chúng ta sống ở đời đừng bao giờ làm một việc gì trái với lương tâm, lẽ phải và có phương hại đến kẻ khác. Ta nên tự nghĩ rằng: việc gì mình muốn và ưa thích, thì chính kẻ khác cũng nghĩ như vậy.

Khi sống ở đời, người ta phải cố gắng sống thế nào cho mình có danh thơm tiếng tốt mặc dầu phải chịu hy sinh, thiệt thòi. Có nhiều câu tục ngữ nói lên ý tưởng này :

- Tốt danh hơn lành áo.
- Ăn một miếng, tiếng một đời
- Đói miếng hơn tiếng đời.

Người ta ai cũng phải chết, kẻ trước người sau, nhưng khi chết phải có gì để lại cho hậu lai, không lẽ chỉ ra đi với hai bàn tay trắng. Ai cũng ước mong :

Chữ rằng : Hổ tử lưu bì,
Làm người phải để danh gì hậu lai.

Nhìn lại phận người, khi ra đi, con người không đem theo được gì ngoài một nắm xương khô, nhưng rồi nắm xương khô đó cũng sẽ biến thành bụi đất. Người ta chỉ có thể để lại cái dánh tức là cái danh dự, cái danh thơm tiếng tốt của mình :

Người đời hữu tử hữu sinh
Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.

Nguyễn công Trứ - một thi sĩ tài hoa - là con người có chí khí hào hùng, luôn ca tụng chí nam nhi, luôn thôi thúc thanh niên phải tiến lên, phải vượt khó, phải làm được cái gì cho đời, đừng để phí phạm cuộc đời trai tráng :

Đã mang tiếng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Đi không chẳng lẽ về không ?


Chỉ cần lướt qua vài hình ảnh, vài trang Thánh Kinh ta sẽ thấy còn đó hình ảnh của một người anh ác nghiệt là Cain. Cain đã cam tâm giết hại chính đứa em ruột của mình bởi lòng ganh tỵ. Hình ảnh không đẹp nữa đó là hình ảnh của ông vua Saun. Cũng vì ganh tỵ với lời ca tụng của dân chúng dành cho Đavit mà Saun đã tìm đủ mọi cách để giết cho bằng được Đavit.

Trên thế giới này đã có biết bao bậc vĩ nhân, những anh hùng cái thế, những nhân vật làm nên lịch sử, tất cả đã qua đời. Họ cũng đã để lại cái danh trong lịch sử.

Cái danh đó có thể tốt, mà cũng có thể xấu. Người đời vẫn còn nhắc đến tên họ với thái độ trân trọng hay khinh bỉ :

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Muốn có danh thơm tiếng tốt, người ta phải hết sức nỗ lực phấn đấu chứ không phải tự nhiên mà có. Muốn thế, với tư cách là một Kitô hữu, chúng ta phải nỗ lực sống xứng đáng trước tiên là một con người, tiếp đến là một Kitô hữu và sau cùng là công dân Nước Trời.

Cuộc đời này mau qua chóng tàn. Còn lại chút ít gì đó của thời gian tại thế, ta hãy cố sống làm sao khi ta nằm xuống ta còn chút gì đó để lại hương để lại hoa cho đời.

Là người, ta cố gắng đến mức tối đa thực hành điều thiện để sau khi nhắm mắt lìa đời còn lưu lại được tiếng thơm mãi mãi như da thú còn hữu dụng cho nhiều người.

Thanh Tâm

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Lịch sử Việt Nam : Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân



Lý Bí (503-548) xuất thân từ một hào trưởng địa phương do yêu nước thương dân căm giận bè lũ đô hộ tàn bạo đã từ quan đứng lên khởi nghĩa chống nhà Lương. Tháng 2-544, ông tuyên bố dựng nước, đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng. Ông là người Việt Nam đầu tiên xưng Đế khẳng định chủ quyền và lòng tự hào dân tộc. Ngày nay, ở các địa phương phía bắc có hơn 200 đình miếu thờ Lý Bí và các tướng của ông.

Theo sử cũ, quê ông ở huyện Thái Bình (có lẽ ở phía trên thị xã Sơn Tây, trên hai bờ sông Hồng). Một thời, ông có ra làm việc với chính quyền đô hộ, nhận một chức quan nhỏ: giám quận (kiểm soát quân sự) ở Cửu Đức, Đức Châu (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Yêu nước, thương dân, bất bình với bè lũ đô hộ, ông sớm bỏ quan, về quê ở Thái Bình. Vùng quê ông có Tinh Thiều, giỏi văn chương, lặn lội sang kinh đô nhà Lương (Nam Kinh) xin bổ một chức quan. Nam triều Trung Quốc cho đến thời Lương, phân biệt tôn ti chặt chẽ giữa quý tộc và bình dân. Lại bộ thượng thư nhà Lương là Sái Tôn bảo họ Tinh là hàn môn, không có tiên hiền, chỉ cho Thiều làm Quảng Dương môn lang tức là chân canh cổng thành phía tây kinh đô Kiến Khang. Tinh Thiều lấy thế làm xấu hổ, không nhận chức về quê, cùng Lý Bí mưu tính việc khởi nghĩa, chiêu tập hiền tài.

Lý Bí, nhân lòng oán hận của dân, đã liên kết với hào kiệt các châu thuộc miền đất Giao Châu (Việt Nam xưa), đồng thời nổi dậy chống Lương. Thủ lĩnh Chu Diên (vùng Đan Hoài, nay thuộc ngoại thành Hà Nội) là Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục, phục tài đức Lý Bí cũng đem quân theo ông tiến hành cuộc khởi nghĩa.

Đứng trước cuộc khởi nghĩa lớn, có sự liên kết giữa các địa phương , Tiêu Tư thứ sử Giao Châu khiếp hãi, không dám chống cự chạy trốn về Việt Châu (bắc Hợp Phố) và Quảng Châu. Nổi dậy từ tháng 1 năm 542, không quá 3 tháng nghĩa quân đã chiếm được châu thành Long Biên (Bắc Ninh).

Tháng 4 năm 542 vua Lương sai thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, thứ sử La Châu là Nịnh Cư, thứ sử An Châu là Lý Trí, thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán, từ 2 phía bắc nam Giao Châu cùng tiến đánh nghĩa quân Lý Bí. Cuộc phản kích này của giặc Lương đã hoàn toàn thất bại. Nghĩa quân thắng lớn và nắm quyền làm chủ đất nước. Từ đồng bằng Bắc Bộ, Lý Bí đã kiểm soát được tới vùng Đức Châu (Hà Tĩnh) ở phía nam và vùng bán đảo Hợp Phố ở phía bắc.

Sau đó, vua Lương lại sai thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng điều khiển binh mã đi đánh Lý Bí. Nghĩa quân Lý Bí tổ chức một trận tiêu diệt lớn ngay trên miền cực bắc Châu Giao. Cuộc chiến diễn ra ở Hợp Phố. Quân giặc thất bại hoàn toàn. Sau những thắng lợi cả hai chiến trường biên giới Bắc, Nam, Lý Bí dựng lên một nước mới, với quốc hiệu Vạn Xuân. Đại Việt sử ký đã bình luận rằng, với quốc hiệu mới, người đứng đầu nhà nước Vạn Xuân có "ý mong xã tắc được bền vững muôn đời".

Nhà nước Vạn Xuân hình thành không được bao lâu thì đầu năm 545, nhà Lương đã bắt đầu tổ chức những cuộc xâm lược Vạn Xuân. Lúc bấy giờ, quân Vạn Xuân có khoảng vài vạn người giữ thành ở cửa sông Tô Lịch chiến đấu chống giặc.

Thành đất, lũy tre gỗ, không mấy kiên cố, Lý Nam Đế buộc phải lui binh ngược sông Hồng, về giữ thành Gia Ninh trên miền đồi núi trung du vùng ngã ba sông Trung Hà - Việt Trì. Đến tháng 2 năm 546, đội quân của Trần Bá Tiên và Dương Phiêu đã hạ được thành Gia Ninh. Lý Nam Đế vào vùng núi rừng Việt Bắc dựng lều trại trong rừng, chiêu mộ nghĩa quân.

Sau một thời gian chỉnh đốn lại lực lượng, tháng 10 năm 546, Lý Nam Đế lại kéo quân từ trong núi rừng ra ở vùng hồ Điển Triệt thuộc xã Tứ Yên huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú, nằm bên bờ sông Lô. Tuy nhiên, những trận mưa lũ cuối mùa đã khiến cho nước sông Lô đột nhiên lên to, khu căn cứ nghĩa quân trở thành một vùng cô đảo giữa biển nước mênh mông... Lợi dụng nước lớn, Trần Bá Tiên xua chiến thuyền xông trận, đánh trống reo hò mà tiến vào Điển Triệt. Lý Nam Đế và nghĩa quân bị địch tập kết bất ngờ, không kịp phòng bị, không sao chống đỡ nổi. Đây là trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế. Sau lần thất bại lớn thứ ba này, ông phải vào nương náu trong động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú).

Theo sử cũ của Việt Nam, từ sau khi rút về động Khuất Lão, Lý Nam Đế thường xuyên bị đau yếu. Hai năm sau ông mất (548). Cuộc kháng chiến chống ách Bắc thuộc của người Việt sau đó được tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Triệu Quang Phục, một tướng cũ của Lý Bí với căn cứ khởi nghĩa tại đầm Dạ Trạch.

Mời các bạn theo dõi Lịch sử Việt Nam : Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân theo chương trình của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.




Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

"10 nghịch lý cuộc sống" - Hướng đến sự thành công



Tác giả: Kent M.Keith Ph.D.
Người đọc: Ái Hòa - Minh Trung
NXB: NXB Trẻ

Trong cuộc đời mình, ít nhất là một lần chúng ta gặp phải những điều nghịch lý như: khi ta làm một điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là ta làm vì tư lợi. Hay: Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi những kẻ suy tính thấp hèn. Cuộc sống vốn rất nhiều nghịch lý như thế. Vậy ta phải ứng xử như thế nào trong hoàn cảnh đó?

Trong một cảnh của bộ phim cao bồi kinh điển miền viễn Tây - "High Noon", cảnh sát trưởng Kane trong phim cả đời cống hiến cho sự yên bình của thị trấn. Nhưng đến lúc ông cần sự trợ giúp của họ nhất thì tất cả lại ngoảnh đi vì sợ liên luỵ đến mình. Đó là một nghịch lý mà cuộc sống đặt ra cho Kane và đó cũng là một trong 10 nội dung của cuốn sách này.

Cuốn sách "10 nghịch lý cuộc sống" luôn hướng chúng ta đến sự thành công. Nhưng thành công ở đây không phải là sự giàu sang, quyền lực hay danh vọng mà chính là quá trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Bạn phải chấp nhận là nghịch lý luôn tồn tại trong cuộc sống. Ngay cả khi thế giới quanh bạn không phát triển theo chiều hướng tốt đẹp thì bạn vẫn có thể tìm ý nghĩa cuộc sống và niềm hạnh phúc thực sự cho riêng mình. Bạn có thể tìm thấy điều đó bằng cách đối diện với những gì đen tối, xấu xa nhất của cuộc sống bằng chính những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình. Bởi vì những nghịch lý đó chỉ là những yếu tố bên ngoài và bạn không kiểm soát được. Ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc thực sự của bạn lại không phụ thuộc vào những yếu tố đó. Chúng phụ thuộc vào đời sống nội tâm của bạn và đây là phần bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Kent M. Keth viết cuốn sách này khi mới 19 tuổi. Và 50 năm qua, cuốn sách này nhận được sự yêu thích của độc giả trên nhiều quốc gia. Sự thuyết phục của nó không chỉ bởi những lập luận lôgic và một tư duy rất xác thực, độc đáo với những dẫn chứng cụ thể. Mà điều quan trọng nhất là nó được viết bởi một tinh thần nhân văn, tinh thần hướng thiện con người hãy đối xử với nhau bằng chính con tim, phẩm hạnh, tình yêu thương và sự quan tâm của mình. Đó là con đường đưa bạn đến với với ý nghĩa của cuộc sống và niềm hạnh phúc thực sự, ngay cả khi thế giới quanh bạn còn đầy khó khăn, thử thách.


1 Cô đơn cùng nghịch lý

[Download]


2 Lời giới thiệu

[Download]

3 Lời tác giả

[Download]

4 Nghịch lý thứ nhất

[Download]

5 Nghịch lý thứ hai

[Download]

6 Nghịch lý thứ ba

[Download]

7 Nghịch lý thứ tư

[Download]

8 Nghịch lý thứ năm

[Download]

9 Nghịch lý thứ sáu

[Download]

10 Nghịch lý lý thứ bảy

[Download]

11 Nghịch lý thứ tám

[Download]

12 Nghịch lý thứ chín

[Download]

13 Nghịch lý thứ mười

[Download]

14 Một thế giới đầy những nghịch lý

[Download]


15 Hãy làm cuộc sống tốt đẹp hơn!

[Download]

16 Phụ lục

[Download]

17 Về tác giả

[Download]

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Thất bại của thất bại

Thất bại của thất bại

Thất bại luôn có sức hút kỳ lạ với những người sáng tạo và hoàn toàn có thể là một “tài nguyên” hữu ích cho các nhà quản trị.

Thất bại có mấy loại? Thật sự là không thất bại nào giống thất bại nào cả. Dễ thấy thất bại của Lehman Brothers rất khác của Bear Stearns hay của AIG dù nguyên nhân là khá tương đồng. Mỗi thất bại có riêng cho mình hệ thống nhận diện và phân loại.

Ngoài ra, chúng còn mang theo căn bệnh "thầy bói mù xem voi" mà các tổ chức thường mắc phải, chẳng hạn: Chúng tôi thất bại vì hoạt động marketing kém hiệu quả/vì không quản lý được thời gian/vì các vấn đề liên quan chất lượng/về sai lầm của cấp quản lý, vân vân... Thất bại bóp méo "bài học" và "cách thức" một tổ chực học từ thất bại của mình. Điều này đặc biệt đúng nếu khi thất bại càng nghiêm trọng.

Vậy loại thất bại nào sẽ là nguồn tài nguyên hữu hiệu nhất cho các tổ chức? Thất bại nào sẽ có ý nghĩa nhất cho tương lai?

Câu trả lời có thể đến từ Anuj Bansal, một kỹ sư kết cấu, tham gia nhóm nghiên cứu thảm họa của vụ động đất kinh hoàng ở Chile hồi tháng Hai vừa qua vốn được ghi nhận là trận động đất lớn thứ 7 trong lịch sử thế giới và có sức tàn phá gấp hàng trăm lần trận động đất nhấn chìm Haiti.

Chúng ta cần hiểu rằng những thất bại một phần sẽ quý giá hơn nhiều so với những thất bại toàn diện.

Giống như theo Anuj Bansal, những tòa nhà hoàn toàn đổ nát không có giá trị bằng những tòa nhà đổ nát một phần bởi nếu muốn nghiên cứu cấu trúc tòa nhà trước và sau trận động đất, người ta phải đào bới tìm chúng bên dưới đống đổ nát. Do vậy, quan sát các yếu tố đã hoàn toàn không còn giá trị sẽ không nói lên được nhiều điều. Trái lại, khi quan sát một tòa nhà chỉ đổ nát một phần và còn thất rõ phần kết cấu bên trong, bạn sẽ có được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà sự thật của thất bại đã bị chúng ta bóp méo hoặc sợ phải nhìn nhận. Có thể nói bài học từ sự sụp đổ của Lehman Brothers còn đáng giá hơn giá trị của hàng trăm chương trình học MBA cộng lại.

Khi lật lại sự việc, vì những lý do chính trị, kinh tế lẫn văn hóa, những nhận định phần lớn tập trung và mức độ của thiệt hại. Điều này rõ ràng đã làm sai lệch thực tế của thất bại. Thường và cũng dễ hiểu rằng sẽ có hàng nhìn nguyên nhân và lý do có hệ thống để giải thích cho một thất bại toàn diện mà có thể khiến bạn "chết chìm" trong biển thông tin để nỗ lực học tập kinh nghiệm từ chúng. Nhưng trái lại, với những thất bại một phần bạn có thể dễ dàng thấy đâu là nguyên nhân và khắc phục.

Xét trên những ví dụ này, có vẻ quan điểm "học từ thất bại" đã không còn đúng nữa. Và cái chúng ta cần phân tích để học hỏi là những thất bại chưa hoàn toàn hoặc đôi khi chúng không hẳn là thất bại vì quá tồi tệ mà vì không đạt được mục tiêu đề ra.

Như trong trường hợp của các tòa nhà đổ nát chẳng hạn, trong cấu trúc đã "thất bại" một phần đó vẫn còn có nhiều dấu ấn "thành công", bằng chứng của việc một phần tòa nhà vẫn còn đứng vững sau trận động đất kinh hoàng, và đó là bằng chứng cho những cải tiến quan trọng về cấu trúc xây dựng trong tương lai.

Bạn và đồng nghiệp mình sẽ làm thế nào để phân biệt một người thất bại toàn diện và một người kém cỏi hơn kỳ vọng? Đến lúc nào bạn sẽ tuyên bố người ấy là "thất bại" hay "kém cỏi"? Và quyết định này sẽ dựa trên một hệ thống chuẩn mực, đánh giá của thị trường hay của CEO công ty? Quả thật, khái niệm "học hỏi từ những vụ kém cỏi" vẫn còn khá mới mẻ. Nếu tìm kiếm chính xác cụm từ "learning from failure" (học từ thất bại) trên Google, bạn sẽ có được hàng chục nghìn kết quả, trong khi đó số kết quả tìm kiếm cho cụm từ "learning from underperformers" (học hỏi từ những vụ kém cỏi) gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dĩ nhiên không thể phủ nhận kém cỏi cũng là một dạng thất bại nhưng chính xác hơn, là một dạng đáng học hỏi, rút kinh nghiệm. Và, cách chúng ta định nghĩa thế nào là thất bại sẽ quyết định cách chúng ta học từ nó.

Bài viết của Michael Schrage trên Harvard Business Publishing
Tuần Việt Nam

Điểm tin tuần (16/05/2010 - 23/05/2010)