Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

10 thói quen xấu gây nguy hại cho sức khỏe



Theo kết quả điều tra người trưởng thành của một cơ quan quản lý về sức khỏe, 10 thói quen nhỏ dưới đây gây nguy hại rất lớn cho sức khỏe chúng ta.

1. Thiếu vận động

Theo khảo sát, 2/3 số người không đạt tiêu chuẩn vận động mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 30 phút. Các chuyên gia y tế cho rằng, tập thể thao không đủ sẽ gây ra hàng loạt bệnh tật như béo phì, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim, đau lưng... Mọi người nên duy trì ít nhất mỗi tuần vận động 3 – 5 lần, mỗi lần 30 phút.

“Vận động nhẹ” hiện được giới trí thức chú trọng, vì nó có hiệu quả giữ eo, giảm áp lực, làm đẹp và chữa bệnh. Đối với những trí thức có áp lực lớn, đặc biệt là phụ nữ, tập nhẹ sẽ thích hợp hơn. Làm thêm giờ, một ngày bận rộn, nếu lại tiếp tục đến Gym hay công viên hì hục chạy bộ 40 phút hoặc 1 tiếng, rất có thể gây tác dụng ngược, hại sức khỏe. Nhưng dùng thời gian đó cho vận động nhẹ như yoga, thái cực quyền, đi bộ thì tinh thần có thể sẽ từ lo lắng trở nên yên ổn.

2. Vắt chéo chân

Động tác nhỏ này tưởng là thoải mái, nhưng nó cản trở lưu thông máu ở chân, dễ gây tắc tĩnh mạch, vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm. Các chuyên gia cho rằng, người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim, nếu vắt chéo chân lâu dài thì bệnh sẽ thêm trầm trọng:

- Giãn tĩnh mạch hoặc tắc động mạch ở chân: Khi vắt chéo chân, đầu gối sẽ bị oằn xuống, dễ ảnh hưởng đến tuần hoàn máu ở chi dưới. Hai chân duy trì một tư thế lâu không động đậy sẽ dễ tê liệt, nếu tuần hoàn máu bị cản trở, rất có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch và tắc động mạch ở chân. Đặc biệt là những người già cao huyết áp, bị tiểu đường, bị bệnh tim, vắt chéo chân thời gian dài sẽ làm bệnh nặng hơn.

- Ảnh hưởng sức khỏe sinh sản ở nam giới: Khi vắt chéo chân, hai chân thường bị kẹp quá, làm tăng nhiệt độ ở bên bắp đùi và bộ phận sinh dục. Nhiệt độ nóng lên sẽ gây hại cho tinh trùng, để lâu có thể ảnh hưởng đến sinh con. Vì vậy, vắt chéo tốt nhất là đừng quá 10 phút, nếu thấy có mồ hôi chảy ra, tốt nhất là đi lại nhẹ nhàng ở nơi thoáng gió để tản nhiệt nhanh.

- Gây tổn thương xương cốt hay căng cơ: Khi vắt chéo chân, xương chậu và khớp háng dễ đau mỏi do áp lực kéo dài, sau một thời gian dài có thể bị tổn thương xương hay căng cơ. Khi ngồi trên xe, nếu xe dừng gấp, hai chân đan chéo không kịp thả thăng bằng, dễ gây đau cho khớp xương và bắp thịt, dẫn đến trật khớp.

3. Ngồi trong nhà vệ sinh xem báo

Ngồi trên bồn cầu đọc sách xem báo, chắc chắn sẽ kéo dài thời gian đại tiện, làm cho hậu môn ứ máu và bệnh trĩ phát tác.

Y học hiện đại nghiên cứu cho biết, ngồi nhà vệ sinh quá 3 phút sẽ có thể trực tiếp dẫn đến tụ huyết giãn tĩnh mạch trực tràng, dễ gây bệnh trĩ, và bệnh nặng hay nhẹ có liên quan đến thời gian dài hay ngắn.

Thời gian ngồi bồn cầu càng dài, tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Bởi vì ngồi lâu sẽ làm tăng áp lực lên bụng, làm cho máu trong tĩnh mạch chảy ngược không xuôi, dẫn đến giãn tĩnh mạch ở trực tràng, làm cho nhóm tĩnh mạch đóng mở lỏng lẻo, thành tĩnh mạch sẽ mỏng và phồng lên. Để lâu như vậy sẽ hình thành bệnh trĩ.

Ngoài ra, trong nhà vệ sinh thường không đủ ánh sáng, đọc sách báo cũng dễ hại mắt. Lời khuyên của bác sĩ là, khi đại tiểu tiện trong nhà vệ sinh, cần nhanh chóng kết thúc trong vòng 5 phút, đồng thời không ngừng tập nâng mông, như vậy mới có thể phòng bệnh như bệnh trĩ có hiệu quả.

4. Vừa tỉnh dậy lập tức ra khỏi giường :

Jim Horne, giáo sư Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ, Đại học Loughborough cho biết, vừa tỉnh dậy đã lập tức ra khỏi giường rất có thể làm thay đổi đột ngột huyết áp, gây ra các bệnh như huyết áp cao, đột quỵ. Cần nằm 5 phút để vận động tứ chi và não bộ rồi mới đứng dậy ra khỏi giường.

Sau khi tỉnh dậy không được lập tức đứng dậy, mà trước hết cần nằm trên giường nửa phút.

Để làm giảm tổn thương cho huyết quản gây ra bởi sự thay đổi áp lực lên huyết quản trước và sau khi ngủ, các chuyên gia cho biết:

Một là, sau khi tỉnh dậy không được lập tức đứng dậy, mà trước hết cần nằm trên giường nửa phút.

Hai là, sau khi ngồi dậy thì ngồi cạnh giường nửa phút.

Ba là, dựa vào cạnh giường đứng dậy nửa phút rồi mới ra khỏi giường hoạt động. Mọi hoạt động diễn ra từ từ như vậy sẽ làm cho các cơ quan của cơ thể thích ứng với sự thay đổi, giảm nguy cơ ngã vật xuống do áp lực lên mạch máu từ việc đứng dậy đột ngột gây ra.

5. Liên tục sử dụng máy tính 3 tiếng trở lên :

Sử dụng máy tính kéo dài sẽ gây mỏi mắt, đau lưng mỏi vai, hơn nữa còn gây ra các vấn đề như đau đầu, mất ngủ, chán ăn.

Tia X yếu và bức xạ điện từ tần suất thấp của máy tính có thể gây mất thăng bằng trung khu thần kinh của con người. Một nghiên cứu của Anh cho biết, từ trường và bức xạ tần số thấp phát ra từ màn hình máy tính sẽ gây ra 7 – 19 chứng bệnh, bao gồm chảy nước mũi, ngứa mắt, đau cổ, mất trí nhớ ngắn hạn, cáu kỉnh và trầm cảm.

Đối với phụ nữ, còn có các triệu chứng bị đau bụng kinh, kinh nguyệt kéo dài, một vài bà mẹ còn bị sinh non hoặc phải phá thai. Ngoài ra, làm việc với máy tính lâu dài, sẽ căng thẳng tinh thần, áp lực tâm lý lớn, dễ mệt mỏi toàn thân, cộng với bức xạ điện từ, tỷ lệ ung thư vú của những người này sẽ cao hơn bình thường khoa ̉ng 30%. Có nghiên cứu cho biết, bức xạ điện từ của máy tính còn có thể gây ung thư.

- Gây hại đến tầm nhìn: Mắt dán vào một chỗ lâu, số lần chớp mắt chỉ bằng 1/3 so với bình thường, từ đó đã làm giảm tiết ra chất bôi trơn mắt. Làm như thế lâu dài, không những gây mỏi mắt, hoa mắt, mắt mờ, mà còn gây ra các phản ứng khác không thích hợp. Phương pháp hiệu quả nhất là nghỉ ngơi hợp lý, ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin A, bổ sung rhodopsin cho võng mạc, chẳng hạn cà rốt, bắp cải, giá đỗ, đậu phụ, táo đỏ, cam, sữa, trứng gà, gan động vật, thịt nạc.

- Gây hại các tổ chức cơ thể: Làm việc với máy vi tính lặp đi lặp lại, căng thẳng sẽ gây hại cho các tổ chức của cơ thể như các cơ, dây thần kinh, khớp, gân. Ngoài đau lưng, còn có thể bị đau, thậm chí tê liệt cổ tay, những chứng này mở rộng ra lòng bàn tay và các ngón tay.

- Gây hại cho hệ hô hấp: Hơi bay ra từ máy tính sẽ gây hại cho hệ hô hấp. Các nhà nghiên cứu của Quỹ Bệnh mẫn cảm Anh gần đây đưa ra một báo cáo cho biết, thiết bị văn phòng sẽ phát ra khí ozone có hại cho sức khỏe con người, thủ phạm chính là máy tính, máy in laser. Các khí ozone này không chỉ độc hại, mà còn có thể gây khó thở cho một số người. Ngoài ra, đợi lâu ở nơi có nồng độ khí ozone cao sẽ gây ra bệnh phổi.

6. Khom lưng di chuyển vật nặng :

Các chuyên gia cho rằng, khom lưng di chuyển vật nặng có thể gây hại cho các cơ lưng và đĩa đệm thắt lưng. Tốt nhất là ngồi xổm xuống, lấy cơ thể dựa vào trước, làm cho trọng lực được chia đều cho các cơ bắp của chân.

Tư thế đúng: Trước tiên cơ thể cố gắng áp sát vật nặng, sau đó khom gối, khom xương hông, dùng hai tay giữ vật, duỗi gối duỗi xương hông, vật nặng sẽ di chuyển. Như vậy, sẽ tránh phải sử dụng cơ ở lưng, giảm tổn thương thắt lưng. Ngoài ra, khi di chuyển vật nặng, cần chú ý để hai đầu gối bán gập, để cho đồ vật sát với cơ thể, như vậy sẽ giảm gánh nặng cho cơ thắt lưng, giảm nguy cơ chấn thương.

7. Dùng sức quá nhiều khi đại tiện

Đại tiện quá dùng sức dễ làm tim phải co bóp nhiều, huyết áp sẽ tăng lên đột ngột, gây chảy máu não. Khi người già quá dùng sức để đại tiện có thể dẫn đến thay đổi lưu lượng máu ở động mạch vành và não, do lưu lượng máu ở não giảm xuống, khi đại tiện có thể xảy ra ngất xỉu (bất tỉnh), người suy mạch vành có thể bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, người bị cao huyết áp có thể bị xuất huyết não ngoài ý muốn, hơn nữa có thể gây chứng phình động mạch hoặc vỡ thành mạch, tắc động mạch, loạn nhịp tim và thậm chí đột tử.

8. Uống nước quá ít

Các chuyên gia về y tế cho biết, mỗi người tốt nhất là uống đủ 2 lít nước/ngày, từ sáng sớm cho đến cả 3 bữa ăn hàng ngày đều cần bổ sung nước thích hợp.
Rất nhiều phụ nữ thức dậy là uống nước coi như một bài tập hàng ngày, mong nó làm nhuận tràng, giảm độ nhớt máu. Nhưng bổ sung nước vào sáng sớm như thế nào sẽ khỏe mạnh hơn? Thực ra, không có quy tắc nhất định, bổ sung nước vào sáng sớm mỗi người có sự khác nhau.

Người gầy ốm, da nhợt nhạt, sáng sớm không nên uống sữa, nước hoa quả, nước lạnh có nhiệt độ thấp hơn cơ thể, có thể đổi những thứ đó bằng canh, cháo nóng.

Nước trái cây tươi không thích hợp với cái dạ dày trống rỗng vào sáng sớm, dù là mùa hè cũng phải kết hợp với bữa sáng. Sáng sớm tránh uống nước mặn, ăn canh thịt hay canh vằn thắn mặn, nó sẽ chỉ làm ta có cảm giác đói thêm.

Trước khi ăn, uống nước sẽ tốt cho dạ dày: Món khai vị của phương Tây chính là món canh để ăn ngon miệng hơn, bôi trơn thực quản, chuẩn bị tốt cho bữa ăn. Như vậy, trước khi ăn cơm, bổ sung nước cũng có ý nghĩa tương tự. Trước khi ăn thức ăn thể rắn, nên uống nửa cốc nước (100 ml), có thể là nước hoa quả, sữa chua ấm, cũng có thể là nước hoa cúc đường viên hay nước trà nhạt ấm, hoặc một bát canh khai vị đặc nhỏ, đều là cách rất tốt cho dạ dày.

9. Thích ăn đồ nóng

Ăn quá nóng sẽ có hại cho đường ruột và các chức năng của cơ thể, bình thường ăn nhiều thức ăn có nhiệt độ gần với cơ thể, có thể trì hoãn sự lão hóa của dạ dày, giúp ta sống lâu hơn.

Thức ăn nóng tiếp xúc vào đường tiêu hóa, niêm mạc khoang miệng sẽ làm cho mô ở đây bị tổn thương, loét, chảy máu. Nếu liên tục bị kích thích có hại như thế có thể gây ung thư. Vì vậy, người có thói quen ăn uống đồ nóng sẽ có nguy cơ rất cao về ung thư khoang miệng và thực quản.

Các chuyên gia cho rằng, sau 40 tuổi nên ít ăn đồ cay, nóng, tê. Những đốm trắng ở khoang miệng do thích ăn đồ nóng, cay, tê gây ra không tách rời việc mắc bệnh ung thư khoang miệng. Nó chuyển hóa thành ung thư, chủ yếu và một phần bị kích thích bởi vật lý, hóa học. Đây cũng là điều mấu chốt để sau 40 tuổi tốt nhất ít ăn thức ăn cay, nóng, tê, nếu không những thức ăn khẩu vị nặng này sẽ liên tục kích thích khoang miệng, tiếp theo trực tiếp gây ra ung thư miệng.

Vì vậy, người qua 40 tuổi cần chú ý khi khoang miệng có những mảng đốm sần sùi không thể tiêu trừ, nếu niêm mạc sần sùi, có cảm giác dị vật hoặc vị giác thay đổi, cần hết sức chữa trị. Nếu có đốm trắng, cần thường chú ý sự thay đổi của nó, như xung quanh đốm trắng có xuất hiện đốm đỏ không, mảng đốm cứng lại, kèm theo các hiện tượng như chảy máu, loét thì cần đặc biệt cảnh giác.

10. Uống quá nhiều cà phê hoặc trà

Uống cà phê và trà với số lượng thích hợp sẽ có lợi cho sức khỏe, uống quá nhiều sẽ kích thích dạ dày, ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Đừng nghĩ là đem đổi cốc cà phê nhỏ thay bằng cốc to và bạn sẽ khỏe mạnh hơn. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng, hoàn toàn không có đủ bằng chứng cho thấy lợi ích của cà phê.

Phản ứng với cà phê có sự khác nhau ở mỗi người: một tách cà phê nhỏ có thể làm cho một người trở nên lo lắng căng thẳng, nhưng có một số người uống đến 10 tách cà phê vẫn có thể ngủ ngon cả đêm. Mối quan hệ giữa cà phê và sức khỏe hiện còn chưa có luận chứng chặt chẽ, các chuyên gia cho rằng uống cà phê tốt hay xấu là tùy thuộc vào mỗi người.

Trên thực tế, trà phân làm nhiều loại, trong đó có trà xanh, trà đen (hồng trà), trà Ô long. Các loại trà này có tính nóng, lạnh khác nhau, có tốt cho sức khỏe hay không thì phải xem thể chất của bạn thế nào. Trà xanh có tính lạnh, trà đen có tính nóng, trà Ô long có tính chất trung tính giữa trà xanh và trà đen, tức là tính bình.

Uống trà phải phù hợp, uống trà nhiều cũng như ăn nhiều hơn một loại thức ăn nào đó. Rất nhiều người có thể chất dương suy uống nhiều trà xanh lâu sẽ mắc hội chứng suy giảm. Nếu đã có thói quen uống trà, thì bạn nên uống trà Ô long, vì nó có tính bình./.


Sưu Tầm

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Lễ Giáng Sinh




Lễ Giáng-Sinh là lễ kỷ-niệm ngày sinh-nhật của Chúa Jesus. Tuy lễ Giáng-Sinh là ngày lễ của những người theo đạo Thiên-Chúa, nhưng cứ đến ngày lễ này thì mọi người, bất cứ theo đạo nào, cũng được hưởng niềm vui tự-nhiên do không khí Giáng-Sinh mang lại.

Không phải chỉ những người tin theo đạo Thiên-Chúa mới đi lễ nhà thờ, chăng đèn kết hoa trước nhà, và trưng-bầy cây Nô-En (Noel) trong phòng khách mà mọi người dù theo bất-cứ đạo nào cũng tổ-chức ăn-mừng lễ Giáng-Sinh. Người người đều vui, cảm-thông, và hưởng trọn niềm ấm-cúng thanh-bình cùng yêu thương trong mùa Giáng-Sinh đầy hy-vọng vì Mùa Giáng-Sinh đã tạo cơ-hội giúp mọi người bỏ hết những hận-thù và ích-kỷ nhỏ-nhen nếu có mà họ không thể thực-hiện trước đó được.

Có rất nhiều người cảm-thông ý-nghĩa của mùa Giáng-Sinh một cách tự-nhiên mà không thắc-mắc hay băn-khoăn gì. Nhưng nếu tìm-hiểu thêm ý-nghĩa của Lễ Giáng-Sinh, Cây Nô-En, và Ông Già Nô-En, chúng ta sẽ thấy thú-vị vô cùng.

I. Lễ Giáng-Sinh

Tiếng Anh gọi Lễ Giáng-Sinh là Christmas, tiếng Anh cổ thời xưa gọi Lễ Giáng-Sinh là Cristes Maesse. Từ Cristes Maesse có nghĩa ngày lễ của Chúa (Christ's Mass). Ngày Lễ Giáng-Sinh được tổ-chức vào 25 Tháng 12 dương-lịch để kỷ-niệm ngày sinh của Chúa Jesus Christ và được coi là ngày nghỉ lễ chính-thức của các nước có người theo đạo Thiên-Chúa.



Câu truyện về ngày sinh của Chúa Jesus có tên bằng tiếng Anh là Nativity. Chúa Jesus do Đức Mẹ Đồng-Trinh tự-nhiên mang thai mà sinh ra. Sự thụ-thai này do quyền-lực thần-diệu của Thượng-Đế tạo ra trong khi bà Mary còn đồng-trinh. Chúa Jesus được sinh ra trong một chuồng ngựa (stable) tại Bethlehem và được đặt trong máng cỏ (manger) vì lúc đó trong nhà trọ (inn) không còn một phòng trống nào. Sau đó, Chúa Jesus được Đức Mẹ Mary và chồng của bà là Joseph nuôi-nấng tại Nazareth, một thành phố ở phía bắc Israel. Khi được 12 tuổi, Chúa Jesus đến giáo-đường ở Jerusalem và đã làm kinh-ngạc các giáo-sư về môn Mosaic Law với sự hiểu biết của ngài.

Khi lớn lên, Chúa Jesus chọn được 12 người Tông-Đồ cùng ngài đi khắp nơi ở Palistine để giảng đạo, chữa bệnh, và thực-hiện các phép-lạ. Một trong những phép-lạ đó là phép “Loaves and Fishes”(những ổ bánh mì và những con cá). Chuyện phép-lạ này được người ta truyền lại là khi Chúa Jesus thuyết-giảng ở một đám đông trong lúc họ rất đói, người ta chỉ tìm thấy 5 ổ bánh mì và 2 con cá. Thế mà nhờ Chúa Jesus làm phép trên 5 ổ bánh mì và 2 con cá này rồi ra-lệnh cho các đệ-tử của ngài phân-phát đồ ăn cho tất cả mọi người. Sau khi mọi người được phát đầy-đủ đồ ăn và ăn một cách no- nê, người ta thấy 12 chậu đồ ăn vẫn còn đầy.

Nhờ việc đi rao giảng lời của Thượng-Đế, ngài đã có rất nhiều tín-đồ và đồng-thời cũng có nhiều kẻ thù. Cuối cùng, Chúa Jesus bị tên Judas Iscariot phản-bội, bị Pontius Pilate - người lãnh-đạo dân Do-Thái lúc bấy giờ kết-án, và bị chính-quyền La-Mã đóng đinh trên thập-tự giá. Những người Thiên-Chúa giáo tin là ngài đã cải-tử hoàn-sinh và sự phục-sinh này đã cứu-vớt được bao linh-hồn.

Theo những tài-liệu liên-quan tới ngày sinh-nhật của Chúa Jesus, người ta thấy Chúa Jesus không phải sinh vào ngày 25 tháng 12 mà có thể vào tháng 4 hay tháng 5 và có lẽ trước đó 3 năm. Tây-lịch được tính theo năm đầu-tiên sau khi Chúa sinh ra đời. Theo niên-giám La-Mã, Lễ Giáng-Sinh đầu-tiên được tổ-chức ở La-Mã vào năm 336 Tây-Lịch Kỷ-Nguyên. Tuy-nhiên, ở miền đông đế-quốc La-Mã, một buổi lễ được tổ-chức vào ngày 6 tháng giêng để kỷ-niệm chung cho ngày sinh-nhật và ngày rửa-tội của Chúa Jesus. Cũng vào ngày 6 tháng giêng này ở Jerusalem thuộc Do-Thái (Israel) người ta chỉ tổ-chức lễ kỷ-niệm ngày sinh-nhật của Chúa mà thôi.

Mãi vào thế kỷ thứ IV, hầu-hết các nhà thờ ở miền đông đế-quốc La-Mã mới chấp-nhận tổ- chức sinh-nhật Chúa Jesus Christ vào ngày 25 tháng 12. Trong lúc ấy ở Jerusalem, người ta vẫn chống-đối việc tổ-chức Lễ Giáng-Sinh. Nhưng về sau này, Lễ Giáng-Sinh lại được chấp-nhận ở Jerusalem. Các nhà thờ ở nước Armenia, một nước ở Tây-Á, đã không chấp-nhận Lễ Giáng-Sinh. Họ tổ-chức ngày sinh-nhật của Chúa vào 6 tháng giêng. Sau khi Lễ Giáng-Sinh, 25 tháng 12, được thiết- lập ở miền đông đế-quốc La-Mã, ngày kỷ-niệm lễ rửa-tội của Chúa được tổ-chức vào 6 tháng giêng, ngày mà ba vị thông-thái (Magus) từ miền đông đế-quốc La-Mã đến Bethlehem để chiêm-ngưỡng Chúa Hài-Đồng.

Những tục-lệ cổ-truyền về Lễ Giáng-Sinh bắt nguồn từ sự trùng-hợp ngày sinh của Chúa với những ngày lễ kỷ-niệm về nông-trang và mặt trời vào mùa đông (Winter Solstice) của những người không theo đạo Thiên-Chúa.

Ở La-Mã, ngày 17 tháng 12 là ngày lễ Saturnalia để kỷ-niệm thần Saturn. Đây là thời-gian ăn chơi tưng-bừng nhất và là dịp để mọi người trao-đổi quà kỷ-niệm. Ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh-nhật của Thần Mithra, Thần Toàn-Chân Thái-Dương, thuộc xứ Ba-Tư. Năm mới của người La-Mã là ngày 1 tháng giêng dương-lịch. Vào những dịp này người ta trang-hoàng nhà cửa bằng cây lá xanh tươi và hoa đèn rực-rỡ. Trẻ con và người nghèo được trao quà tặng.

Lửa, đèn, và nến là vật tượng-trưng của sự ấm-cúng và sự sống, nó luôn-luôn liên-hệ với các lễ-lạc vào mùa đông của cả những người theo đạo Thiên-Chúa và các đạo khác. Từ thời trung-cổ, cây thông, một loại cây vạn-niên-thanh, là biểu-hiệu cho sự sống và luôn-luôn liên-hệ với Lễ Giáng-Sinh.

II. Cây Nô-En



Tiếng Nô-En mà người Việt ta thường dùng bắt nguồn từ chữ Pháp là “Noel” và có nghĩa là Giáng-Sinh. Cây Nô-En có tên bằng tiếng Anh là Christmas Tree. Cây Nô-En thường là cây thông nhân-tạo làm bằng ni-lông (nylon) hay là cây thông thật được chặt ở rừng đem về nhà. Người ta trang- trí cây thông này bằng dây đèn đủ màu cùng với các đồ trang-hoàng khác như giấy bạch-kim để giả làm tuyết-phủ, kẹo xanh trắng đỏ có hình cây gậy ba-toong (candy canes), các gói quà giả, các quả bóng nhỏ đủ màu làm bằng thủy-tinh, hình thiên-thần, và cây thánh-giá, v.v. Cây thông sau khi được trang-hoàng như thế có tên là cây Nô-En. Dưới chân cây Nô-En người ta có các gói quà do những người trong gia-đình mua để tặng cho nhau. Cây Nô-En là một thứ không thể thiếu được trong mùa Giáng-Sinh.

Việc dùng cành thông và vòng hoa kết bằng lá xanh (wreath) treo ở mặt ngoài cánh cửa nhà để biểu-lộ sự ước-mong vĩnh-cửu cho đời sống con người là cổ-tục của người Ai-Cập (Egyptian), Trung-Hoa, và Do-Thái. Việc tôn-thờ cây thông và vòng hoa rất được thông-dụng ở Châu-Âu đối với người không theo đạo Thiên-Chúa. Tục-lệ này vẫn còn tồn-tại sau khi họ nhập-đạo Thiên-Chúa.

Người ở các nước Thụy-Điển, Đan-Mạch, và Na-Uy, gọi chung là người Scandinavian, thường trang-hoàng nhà-cửa và vựa lúa với các loại cây vạn-niên-thanh vào dịp năm mới để xua đuổi ma-quỉ. Họ còn dựng cây cho chim trú ngụ trong mùa Giáng-Sinh. Phong-tục này còn có ở Đức. Người ta đặt cây Nô-En ngay ở lối ra vào hay ở trong nhà vào những ngày nghỉ lễ giữa mùa đông.

Cây Nô-En hiện-đại ngày nay có được là do phong-tục của Tây-Đức. Cái khung-cảnh chính của vở kịch nổi tiếng hồi trung-cổ về sự-tích Ông Adam và Bà Eve là một cây thông có treo những quả táo gọi là Cây Thiên-Đàng tượng-trưng cho Vườn Địa-Đàng (Garden of Eden). Người Đức dựng Cây Thiên-Đàng (Paradise Tree) trong nhà vào ngày 24 tháng 12, ngày hội tôn-giáo, để kỷ-niệm Ông Adam và Bà Eve. Người ta treo những miếng bánh bít-qui (biscuit) gọi là wafers trên Cây Thiên-Đàng tượng-trưng cho dấu-hiệu của Chúa Jesus đứng ra chuộc tội cho nhân-loại. Sau này người ta thay thế bánh Wafers bằng bánh cúc-ki (cookie) có đủ hình-dáng khác nhau. Cả những cây đèn-cầy hay nến cũng được dùng làm biểu-tượng của Chúa đứng ra chuộc tội cho nhân-loại.

Trong cùng một phòng có trưng-bày cây Nô-En vào mùa Giáng-Sinh, người ta còn dựng một Kim-Tự-Tháp Giáng-Sinh (Christmas Pyramid). Đây là một cấu-trúc bằng gỗ hình tam-giác với các kệ để đồ (shelves). Bên trên các kệ này có bày các pho-tượng nhỏ và trang-trí bằng cây vạn-niên-thanh, đèn cầy, và một ngôi sao. Vào khoảng thế-kỷ thứ 16 thì Christmas Pyramid và Paradise Tree được kết-hợp lại thành cây Nô-En (Chistmas Tree). Phong-tục này đã được thịnh-hành trong giáo-phái Tân-Giáo của Luther ở Đức vào thế-kỷ thứ 18. Nhưng mãi tới một thế-kỷ sau đó, cây Nô-En mới ăn rễ sâu vào truyền-thống của người Đức.

Cây Nô-En được du-nhập vào đất Anh từ đầu thế-kỷ thứ 19 và rất được thịnh-hành vào giữa thế-kỷ đó. Sở-dĩ được như vậy là nhờ công của Hoàng-Tử Albert, chồng Nữ-Hoàng Victoria. Ở Anh, vào thời đó, người ta gọi cây Nô-En là Victorian Tree. Cây Victorian Tree được trang-trí bằng đèn cầy, kẹo, cùng các thứ bánh đặc-biệt treo ở cành cây bằng dây băng (ribbon) hay dây giấy đủ màu.

Phong-tục trưng-bầy cây Nô-En vào dịp Giáng-Sinh đã được những người di-dân gốc Đức mang vào Bắc-Mỹ từ đầu thế-kỷ thứ 17. Sau đó cây Nô-En được thịnh-hành nhất vào thế kỷ thứ 19. Cây Nô-En còn thịnh-hành ở Austria, Switzerland, Poland, và Holland trong giai-đoạn này. Ở Trung- Hoa, Nhật-Bản, và Việt-Nam, phong-tục trưng-bày cây Nô-En là do các nhà truyền-giáo Âu-Tây mang vào từ thế-kỷ thứ 19 và 20.

III. Ông Già Nô-En

Từ thủa bắt-đầu, Ông Già Nô-En có tên là “Saint Nicholas.” Theo truyền-thuyết thì Ông Già Nô-En Nicholas có lẽ là một vị Giám-Mục người Hy-Lạp ở vào thế-kỷ thứ 4. Nicholas được nổi-tiếng về lòng tốt của ông. Tuy-nhiên các nhà sử-học không thể xác-quyết sự-kiện về đời sống cũng như sự hiện-hữu của ông. Trong tiếng Anh, Ông Già Nô-En có tên là “Santa Claus.” Tiếng “Santa Clause” được dịch từ tiếng Đức “Sinter Klaes.” Trong tiếng Pháp, Ông Già Nô-En có tên là “Le Père Noel.”



Truyện thần-thoại về Ông Già Nô-En kể rằng Santa Claus tặng quà một cách bí-mật cho những người gặp cảnh khó-khăn. Ngoài-ra, Ông Già Nô-En còn có những tên như Nicholas of Bari và Nicholas of Myra. Theo tục-truyền, Ông Già Nô-En được sinh-ra ở hải-cảng cổ Lycia của thành-phố Patara thuộc Tiểu-Á Tế-Á (Asia Minor). Khi còn trẻ, Ông Già Nô-En đi du-lịch đến Palestine và Egypt. Ông trở thành Giám-Mục của thành phố Myra, Lycia, thuộc Tiểu-Á Tế-Á. Ông bị tù trong vụ hành-hạ những người Thiên-Chúa-Giáo thuộc triều-đại Hoàng-Đế La-Mã Diocletian. Sau đó, ông được thả ra vào triều-đại vua Constantine Đại-Đế (Thế-Kỷ Thứ 4) và tham-dự Hội-Đồng Lần Thứ Nhất của Nicaea, Council of Nicaea, vào năm 325 dương-lịch. Nicaea là một thành-phố của Bithynia thuộc Asia Minor. Hội-Đồng Council of Nicaea có mục-đích xác-nhận lòng tin vào Thiên-Chúa và kết-tội chủ-thuyết Arianism, một chủ-thuyết chối bỏ Chúa Jesus.

Vào thế-kỷ thứ 6, lăng-tẩm của ông Già Nô-En rất nổi-tiếng ở Myra thuộc Tiểu-Á Tế-Á. Vào năm 1087, những người thủy-thủ và lái-buôn Ý đã cải-táng ngôi mộ của ông và mang di-hài ông về Bari, Ý-Đại-Lợi. Sự cải-táng này đã là một sự-kiện lịch-sử và được người ta làm lễ kỷ-niệm hằng năm vào ngày 9 tháng 5 dương-lịch. Từ đó tiếng-tăm của ông được truyền đi khắp nơi và Bari đã trở nên một trung-tâm hành-hương đông-đảo nhất. Lăng-tẩm của ông được đặt tại Đại Giáo-Đường thuộc South Nicala, Bari, Ý Đại-Lợi .

Truyền-thuyết về Ông Già Nô-En càng ngày càng nhiều. Chuyện đầu-tiên được kể về một phép-lạ rất nổi-tiếng là khi ba vị sĩ-quan bị kết-án tử-hình rồi lại được tha sau khi Vua Constantine Đại-Đế nằm mơ thấy Nicholas. Kế đến là những chuyện người ta kể là Ông Già Nô-En đã từng cứu những trẻ em khỏi bao thảm-họa. Lòng ngưỡng-mộ đối với Ông Già Nô-En bành-trướng ra khắp thế- giới. Tên của ông được dùng để đặt tên cho rất nhiều nơi ở các nước. Tên họ của nhiều người cũng bắt nguồn từ tên Nicholas như: Nichols, Nicholson, Colson, và Collins.

Ông Già Nô-En đã được chọn làm vị thánh hộ-mệnh của nước Nga, Hy-Lạp, các hội từ- thiện, các công-đoàn, các trẻ em cùng thủy-thủ đã được cứu vớt lên khỏi bờ biển Lycia, và các thành- phố như Fribourg, Switz, và Moscow. Đã có hàng ngàn nhà thờ ở Châu-Âu được xây lên để thờ Ông Già Nô-En, trong đó có một nhà thờ do Hoàng-Đế La-Mã Justinian Đệ-Nhất xây vào thế-kỷ thứ 6 ở đô-thị cổ Constantinople, bây giờ là Istanbul, một thành-phố lớn nhất của Turkey (Thổ-Nhĩ-Kỳ).

Các phép-lạ của Ông Già Nô-En đã là đề-tài ưa-thích cho nhiều nghệ-sĩ thời trung-cổ. Ngày hội truyền-thống về Ông Già Nô-En trở thành cơ-hội cho các nghi-lễ của Boy Bishop, một phong-tục phổ-biến của người Âu trong đó một cậu con trai được chọn làm vị Giám-Mục và ở tại chức cho tới ngày Holy Innocents’ Day, tức ngày 28 tháng 12 dương-lịch.



Sự biến-đổi Nicholas thành Đức Cha của Lễ Giáng-Sinh (Father Christmas) hay Đức Cha của tháng giêng (Father January) đã xảy-ra lần đầu-tiên ở Đức, rồi đến các quốc-gia trong đó có Reformed Churches chiếm đa-số. Tiếp đến là ở Pháp, ngày hội Ông Già Nô-En được tổ-chức vào dịp Giáng-Sinh và Năm Mới. Những di-dân người Hòa-Lan theo đạo Tin-Lành ở thành-phố New Amsterdam, bây giờ là thành-phố New York City, đã gọi Nicholas là Nhà Ảo-Thuật Nhân-Đạo và sau trở thành Ông Già Nô-En, tức Santa Claus.

Ở Hoa-Kỳ và Anh-Quốc, Nicholas là thánh hộ-mệnh của mùa Giáng-Sinh. Theo truyền- thống, Giáng-Sinh là ngày hội của gia-đình và của trẻ con. Người ta trao-đổi quà tặng với nhau trong dịp này. Từ năm 1969, ngày hội Ông Già Nô-En không còn được ghi lên lịch, nhưng việc tổ-chức kỷ- niệm Ông Già Nô-En thì được tùy-nghi tổ-chức theo mỗi nơi.

Ngày nay tục-lệ rước Ông Già Nô-En rất thịnh-hành. Tùy theo từng địa-phương, người ta tổ- chức cuộc rước Ông Già Nô-En (Santa Claus Parade) theo các ngày khác nhau ở mỗi thành-phố, thường là vào từ trung-tuần tháng 11 trở đi cho đến giữa tháng 12 dương-lịch. Trong cuộc diễn-hành Ông Già Nô-En này, người ta làm những xe hoa thể-hiện đặc-tính của từng hội-đoàn hay các cơ-sở thương-mại và cũng thể-hiện ý-nghĩa của mùa Giáng-Sinh. Ngoài ra, người ta còn có các ban nhạc diễn-hành đi theo đám rước này để tấu lên các bài hát Giáng-Sinh. Mặc dầu thời-tiết lạnh và tuyết phủ đầy khắp không-gian mà mọi người vẫn tham-dự cuộc vui một cách tưng-bừng và náo-nhiệt.



Ở mỗi nhà vào dịp Giáng-Sinh người ta còn mua những đôi vớ hay tất (pair of socks) đỏ treo bên cạnh lò sưởi ngay chỗ ống khói. Họ tin là vào đêm Nô-En, Ông Già Nô-En sẽ cưỡi xe trượt tuyết do bầy hươu có cánh kéo từ trên trời xuống trần-gian để cho ông đem túi quà vào thăm mỗi nhà qua lỗ ống khói và bí-mật bỏ quà vào mỗi chiếc vớ cho trẻ con. Người ta tưởng-tượng ra Ông Già Nô-En với hình-dáng của một ông già béo mập, vui-vẻ, có râu bạc trắng, mặc quần áo màu đỏ, và mang túi quà phát cho trẻ con vào đêm trước ngày Lễ Giáng-Sinh (Christmas Eve).

IV. Bánh Nô-En



Bánh Noel hay bánh Buche Noel thì mãi đến năm 1875 mới xuất hiện do một người thợ làm bánh ở Pari - Pháp mô phỏng hình khúc củi trong lò sưởi (buche nghĩa là "khúc củi lò sưởi" theo tiếng Pháp) để làm ra một loại bánh ngọt và gắn cho nó cái tên bánh Noel để dễ bán.

Dần dần loại bánh này được người ta coi là một loại bánh cần có để ăn trong đêm Noel, cùng với các loại thực phẩm khác được chọn để ăn trong dịp lễ Noel tuỳ từng nơi, như gà tây hoặc ngỗng quay, lợn quay, cá chép, xôi đậu, cháo vịt nóng…

V. Hình tượng hang đá Giáng Sinh



Hình tượng hang đá Giáng sinh cũng “ra đời” sau khi Chúa Jésus giáng sinh hơn 13 thế kỷ. Số là vào năm 1223, một giáo sĩ tên là Francois Dassi đã cho xây dựng một cái hang đá trong khu rừng già Grécxiô, giống chiếc hang đá mà Chúa Jésus đã ra đời ở Bethlehem, trong đó có những hình tượng mô tả lại cảnh tượng đêm Thiên chúa giáng sinh.

Về sau, nhiều nhà thờ thấy rằng việc dựng hang đá như vậy có thể thu hút đông người tới xem và tạo ra không khí sinh động hơn trong đêm Giáng sinh nên cũng đã cho dựng hang đá Noel. Nhiều gia đình khá giả từ đó cũng đã dựng hang đá Noel trong nhà mình mỗi dịp Giáng sinh về.




Để tìm hiểu và cảm nhận thêm về ngày Lễ Giáng Sinh , mời các bạn đến với video tổ chức đêm nhạc giáng sinh của giáo xứ Đức Mẹ La Vang (Hoa Kỳ).

Phần 1 :



Phần 2 :