Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Câu chuyện về người đàn ông trong dòng nước lũ

Cầu Chúa cứu giúp song thất bại, ông lão lên thiên đàng trách móc rồi câm nín trước 1 câu nói


Sai lầm của người đàn ông cũng là điều mà nhiều người trong chúng ta mắc phải.

Người đàn ông sống sót trong dòng nước lũ

Có một thị trấn nhỏ bị bão lũ quét qua, nước dâng cao ở khắp nơi. Chỉ trong vòng có một ngày, khắp nơi đã ngập trong dòng nước đỏ ngầu, chảy xiết. Nhiều người đã không may thiệt mạng. Của cải, gia súc, nhà cửa đều bị cuốn đi. Cảnh tượng trước mắt trở nên vô cùng tan hoang, tiêu điều.

Trong hoàn cảnh trớ trêu này, những ai nhanh chân leo được lên nóc nhà thì may ra có thể giữ lại được tính mạng. Sau 2 ngày, mưa cũng ngừng rơi, họ chỉ cần ngồi đó và đợi những chiếc thuyền hoặc trực thăng đến cứu viện là có thể sống sót.

Ở một ngôi nhà hẻo lánh ở cuối thị trấn, có một ông lão sống cô độc một mình cũng may mắn chiến thắng dòng nước lũ bằng cách dùng thang trèo lên mái nhà. Khi lên được đến đây, ông đã cảm tạ Chúa trời đã cứu giúp ông trong cơn hoạn nạn.

Ông tiếp tục cầu xin Ngài hãy giúp đỡ cho mình, để dòng nước nhanh rút đi nhanh chóng.

Đến lúc này, một số người thoát nạn đã dùng thuyền quay lại đón những người bị kẹt trên nóc nhà đi đến nơi khô ráo hơn. Họ đi ngang qua nhà ông lão, nhìn thấy ông ở trên đó, liền bảo: "Ông ơi, ông hãy lên con thuyền của chúng tôi đi nào".

Nhưng ông lão nhìn thấy trên thuyền có rất nhiều người lố nhố, bèn nói: "Tôi đã cầu Chúa cho nước nhanh rút rồi, các anh cứ đi đi, thuyền đông thế kia có khi lại chìm mất".

Những người trên thuyền lại nói: "Chẳng biết bao giờ nước mới rút đâu, ông cứ lên đây với chúng tôi, không sao đâu".

Nhưng ông lão nhất định ở lại, nên họ đành phải chèo thuyền đi. Ông lão tiếp tục cầu nguyện trước Chúa.

Hôm sau, lại có một chiếc thuyền khác đi qua nhà ông lão. Chiếc thuyền này to hơn chiếc thuyền hôm qua, song họ cũng không thể khiến ông lão đổi ý. Ông nói sẽ tiếp tục cầu Chúa, và chẳng mấy chốc nước lũ sẽ rút ngay mà thôi.

Sang đến ngày thứ ba, sức khỏe của ông lão đã không còn được như trước. Ông trở nên yếu hơn, song vẫn một mực cho rằng, mình không cần đi đâu hết, nước lũ sẽ rút để ông có thể trèo xuống, tự nấu một bữa thật ngon cho bản thân.

Một chiếc thuyền nữa đi qua, nói rằng họ sẽ đón nốt những người sống sót còn kẹt lại ở đây để đi đến một nơi tập trung, và bảo ông lão hãy nhảy lên thuyền.

Tuy nhiên, ông lão vẫn nhất quyết từ chối.

Và cái kết bất ngờ khiến nhiều người phải nhìn lại mình

Sau đó, không còn chiếc thuyền nào đi ngang qua nhà ông lão nữa. Sau mấy ngày vật lộn, ông lão đã hết thức ăn và nước uống. Ông dần đói lả, kiệt sức, cuối cùng đã không thể chống đỡ nổi và qua đời.

Linh hồn của người đàn ông bay lên thiên đàng. Ông đi đến gặp Chúa Giê-su và trách móc: "Thưa Ngài, cả cuộc đời tôi đã dùng để phụng sự Ngài, tôn kính Ngài, vậy mà khi tôi gặp khó khăn và cần đến sự giúp đỡ của Ngài, sao Ngài lại không lắng nghe lời cầu nguyện của tôi?".

Nghe lời trách cứ của ông lão xong, Chúa Giê-su đáp: "Ta biết ngươi luôn tôn kính và tin vào ta. Thế nên khi ngươi cầu cứu, ta đã cử người tới giúp ngươi. Song hết lần này đến lần khác, ngươi đều từ chối họ, nhất định làm theo ý mình, lại còn muốn trách ta hay sao?".

Người đàn ông sững sờ trước câu trả lời của Chúa Giê-su, không còn nói thêm được gì nữa, chỉ biết trách sự ngu muội của bản thân.

Lời bình: Sống lương thiện, có đức tin là một điều tốt, vì nó sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một "vị thần" khác cũng quan trọng không kém, có thể giúp chúng ta đối mặt với những nguy nan, đi đến thành công cuối cùng. "Vị thần" đó chính là bản thân mỗi chúng ta.

Chờ đợi ai đó giúp mình, chi bằng hãy tự mình giúp mình. Con người biết suy nghĩ và hành động một cách sáng suốt, linh hoạt thay đổi theo từng tình huống, không quá cực đoan trong bất kỳ một vấn đề gì, nhất định có thể chiến thắng nghịch cảnh, tự mở lối đi cho chính mình.

Theo Moral Stories
Nguồn: SOHA

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Cảm ngộ: Doanh nhân thật sự !


"Đánh giá một con người dễ ẹt, cứ đụng đến tiền bạc, thì bản chất thế nào sẽ lòi ra thế ấy" (Trên đường băng). "Muốn xem phẩm hạnh 1 người, hãy nhìn xem lúc bạn và người đó xung đột về quyền lợi". "Tiền rất hay ở chỗ nó sẽ phân loại nhân cách và giá trị 1 người" (ngạn ngữ Pháp). "Sâu thẳm trong trái tim của mỗi cá nhân là sự tham lam, tiền chính là tôn giáo lớn nhất chi phối loài người" (ngạn ngữ Ả Rập).

Những câu nói trên rất đúng, nhưng thật ra, chỉ đúng với người tầm thường. Nhưng trong xã hội, vẫn có những người đủ tâm, đủ tầm để vượt trên cái chủ nghĩa kim tiền trên. Người tầm thường đọc xong thường nghĩ "ôi hay thế, thật là ngưỡng mộ, mình sẽ học tập theo" nhưng không mấy ai làm được vì chữ THAM quá to trong tâm trí. Lấy vô càng nhiều càng tốt, giật luôn trên tay người khác huống hồ chi cho đi. Lòng tham sẽ che mờ mọi lý trí, mọi chuẩn mực đạo đức đối với người tầm thường. Để an ủi kiểu AQ Lỗ Tấn thì họ sẽ tìm cách giải thích là "thôi để thật giàu đã mới cho đi" mà bao nhiêu là giàu thì chính họ cũng không biết. Hoặc "mình sẽ cho cái lớn lao chứ dăm ba triệu cho làm gì" nhưng thật ra, không cho nổi cái nhỏ thì sao cho được cái lớn. Tất cả chỉ là sự giải thích của cái tâm thế không muốn cho đi mà thôi.

Phần lớn sẽ không hiểu, hoặc hiểu nhưng bản lĩnh bé, không vượt qua được cái THAM LAM đang ẩn sâu trong mình. Nhu cầu an toàn khiến người ta sẽ lấy vào, nhưng khi vượt qua 1, thì trở thành nhu cầu sở hữu. Khi đó, lòng tham sẽ chi phối mọi suy nghĩ và hành động dưới tên gọi "lợi ích kinh tế". Chỉ có người có tấm lòng yêu tha nhân, thương người mãnh liệt....mới dám hy sinh lợi ích mình vì người khác, một cái bánh vẫn chia đôi khi mình đang đói, như lời mẹ Teresa nói. Lúc đồng cam thì dễ, nhưng lúc chia lãi mới khó, vì nó thuộc phạm trù "sở hữu nhiều hơn, để mình có giá trị hơn" theo dân gian nói là "hạt muối thì em sẵn sàng cắn đôi nhưng tới cục đường thì em lủm hết, em hổng có ngu".

Tham vọng (ambition) khác tham lam (greed) ở chỗ là tham vọng là cho nhiều người cùng được hưởng cái mình có được, còn tham lam thì chỉ thu vén cho cá nhân mình, gia đình mình. Mình có tiền, mập ú trắng hồng mà người hàng xóm liêu xiêu đói rách thì mình phải coi lại mình thôi. Doanh nghiệp mình báo cáo tài chính lãi ì xèo mà không thấy trích quỹ phúc lợi xã hội làm gì thì DN đó không được XH yêu mến, không phát triển bền vững được. Một người cảm thấy không may mắn, bán mãi không ra hàng là do họ thiếu lòng hào sảng. Một người rất muốn kiếm tiền nhưng không kiếm được thì do tư duy họ sai.

Chuyện về chú Bên ở tỉnh Đồng Tháp - người bỏ ra 40 tỷ xây Ký túc xá cho sinh viên ở miễn phí (bài trên VNExpress tại đây). Khi chọn tài trợ cho thế hệ trẻ, chú đã chọn tài trợ cho giới trẻ chọn nông nghiệp làm nghề. Chú không phải tỷ phú đô la, chú chỉ là đại diện về lòng hào sảng của người vùng đất chín Rồng.

"Nhắn ai đi về,
Miền đất phương Nam.
Trời xanh mây trắng,
Soi dòng Cửu Long Giang.
Mênh mông rừng tràm,
bạt ngàn dừa xanh.
Từng tràng đước đong đưa,
nhớ người xưa từng ở nơi này.
Cho ta thêm yêu, dấu chân ngàn năm đi mở đất.
Cho ta thêm yêu, bầy chim sáo sổ lồng...."


Theo TNBS.