Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Ca nhạc bé thơ "Bầu và Bí"



Bước vào thềm năm mới - năm Canh Dần ,đường phố Sài Thành tự nhiên vắng vẻ hẳn ,nhịp sống hối hả chắc cũng theo một số đông người dân trở về quê ăn Tết hoặc đi đến các điểm du lịch xa thành phố ,không khí ngày xuân hình như cũng trong lành hơn , êm ả hơn và cũng mát mẻ hơn !

Tuy nhiên , sau mấy ngày Tết ngắn ngủi ,thành phố lại sống động với những bước chân vội vã ,hối hả vào công sở , chợ búa ,nhà máy ,trường học ... Cái nắng nóng , bụi bặm ,oi nồng bắt đầu quay trở lại ... đâu đó , một số lô cốt mọc lên lại rồi ... cuộc sống lại quay về với những điệu nhảy cố hữu của nó !

Thôi thì hãy cố gắng chịu đựng một vài năm nữa ... , thành phố sẽ phát triển và sẽ giải quyết được các vấn đề còn tồn tại ! Hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn ... , còn bây giờ ... mời các bạn nghe clip ca nhạc bé thơ "Bầu và Bí" để tâm hồn được thanh thản và để sống vui , sống khỏe , sống có ý nghĩa ...

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Truyện vui cười ngày Tết



Nhà quay tít mù

Có một anh chàng nọ vốn là đệ tử ruột của lưu linh . Hôm đó là ngày mùng một Tết , sáng thức dậy , chàng ta đã chuẩn bị quần áo , giày dép thật tươm tất để đi chúc Tết . Đi suốt gần một ngày trời , anh chàng đã say bí tỉ , đến nỗi về tới nhà thì giày dép chiếc còn , chiếc mất . Nhưng thật là kỳ lạ , anh cứ đứng ngắc ngư ngoài cổng , chứ không chịu bước vào nhà .Lúc này , chị vợ mới chạy ra và nói :
_ Sao ông về đến nhà rồi mà không chịu vào , đứng mãi ở đây làm chi ?
Anh chàng mới lèm bèm nói :
_ Bà ... bà ... giữ cái nhà lại cho tôi cái ... Nó cứ quay tít mù như vậy ... làm sao tôi vào được ?
!!!

Bố vợ và chàng rể



Đầu xuân , chàng trai và bố vợ tương lai ngồi nhâm nhi , nâng lên đặt xuống .Khi đã cưa đứt một chai Nàng Hương thì cả hai đều thấy đất trời nghiêng ngửa .
Ông bố khề khà nói :
_ Xem ra tửu lượng của anh ... cũng khá đấy ... Từ nay ... tôi cho phép anh ... cứ tự nhiên ...cứ như người trong nhà ...
Chàng trai cũng lè nhè đáp :
_ Ô ! Bác đúng là người tốt bụng ... thật đáng khen ... Từ nay ... con cũng cho phép bác ... cứ tự nhiên ... cứ như người trong nhà ...

Thời gian đi từ mặt đất đến trời ?


Sáng mùng một Tết , Bầu đố Bí :
_ Đố Bí biết từ mặt đất đi tới trời mất mấy ngày ?
_ Bí không biết . Thế Bầu có biết không ?
_ Biết chứ , từ mặt đất lên tới trời hết 3 ngày rưỡi !
_ Sao Bầu biết ?
_ Thì nhà nào 23 tháng Chạp là đưa ông Táo về trời , rồi đến 30 tháng Chạp lại rước ông Táo xuống lại . Như vậy , có phải vừa đi vừa về hết 7 ngày không nào ?
!!!

Xem bói đầu năm



Đầu năm , một bà cụ đi xem bói , sau khi đặt lễ xong , cụ cung kính nói với thầy bói :
_ Thưa thầy , tôi muốn xem về đường tuổi tác , thầy xem tôi có thể thọ được bao nhiêu tuổi ?
Thầy bói ung dung gieo quẻ rồi phán :
_ Nếu thân chủ bỏ tiền ra rước thầy về làm lễ cầu cúng trời phật phù hộ độ trì , thân chủ có thể sống tròn 100 tuổi .
_ Bẩm thầy , thầy nói như vậy có chắc không ?
_ Nếu tôi mà trực tiếp làm lễ thì chắc chắn là như vậy .
_ Thưa thầy - bà cụ ngập ngừng - Nếu sai thì sao ?
_ Nếu thân chủ mà chết trước 100 tuổi thì ... thân chủ cứ đến đây , tôi xin trả lại tiền lễ đàng hoàng !!!

Cảm hứng thơ Tết của nhà thơ trào phúng Tú Xương


Mộ của nhà thơ Tú Xương ở Nam Định

Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Tên bố mẹ đặt cho lúc đầu là Trần Duy Uyên. Ông sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức ngày 10 tháng 8 năm Canh Ngọ), ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (sau đổi thành phố Hàng Nâu, hiện nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định). Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1907.

Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết. Thơ văn của Tú Xương là một trường hợp như vậy. Thể xác của Tú Xương đến nay đã hơn 100 năm nát với cỏ cây. Nhưng sự nghiệp văn chương của ông thì vẫn như một chàng trai xinh đẹp, sung sức, bất chấp mọi thử thách thời gian.


Tản Đà - nhà thơ nổi tiếng tài năng và "ngông" của giai đoạn sau, giai đoạn giao thời thơ cũ - thơ Mới cũng đã phải phát biểu: "Trong những thi sĩ tiền bối, tôi khâm phục nhất Tú Xương". Vũ Trọng Phụng - nhà văn hoạt kê hàng đầu của những năm 30 cũng viết "Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ". Sự nghiệp thơ của Tú Xương không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Giáo sư Albert Smith (Anh) viết: "Tú Xương xứng đáng đứng vào hàng những nhà thơ trào phúng lớn của thế giới". Tiến sĩ văn chương Jean-Curier (Pháp) cũng cho rằng: "Trong bầu trời thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay, nếu chọn lấy năm ngôi sao sáng nhất thì Tú Xương là một trong năm ngôi sao ấy".


Tú Xương ra đi vào ngày 29/1/1907, tức là trước Tết khoảng nửa tháng, chưa kịp viết bài thơ Tết năm ấy. Mà như ta biết, Tết vốn là dịp dồi dào thi hứng của thi nhân.

Tú Xương có một câu đối Tết xuất sắc mà bây giờ ít khi ta nhắc lại vì cuộc sống và phong tục cũng đã thay đổi, nhưng đặt vào lúc nó ra đời thì thật đắt và thật sâu cay, chua chát :


"Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo

Nhân tình trắng thế lại bôi vôi".


Ngày nay chúng ta còn học tập được ở nghệ thuật dùng từ tài tình của tác giả khi muốn châm biếm một điều gì đấy về nhân tình thế thái: xác (danh từ, danh từ tính từ hóa); trắng (nghĩa bóng - nghĩa đen).


Tiếng cười cay độc, chua chát của Tú Xương có ý nghĩa phủ định xã hội, cái xã hội của những kẻ giàu sang hãnh tiến. Bài Năm mới chúc nhau của ông là tiếng chửi vào bọn người ấy, chứ không phải là chửi tùm lum tất cả.


"Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu

Phen này ông quyết đi buôn cối

Thiên hạn bao nhiêu đứa giã trầu".

"Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang

Đứa thời mua tước, đứa mua quan

Phen này ông quyết đi buôn lọng

Vừa chửi vừa la cũng đắt hàng".

"Nó lại mừng nhau cái sự giàu

Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc

Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu".

"Nó lại mừng nhau sự lắm con

Sinh năm đẻ bẩy được vuông tròn

Phố phường chật hẹp người đông đúc

Bồng bế nhau lên nó ở non".


Chính vì cảm hứng xã hội ấy của bài thơ, mà sau nghe nói có người thêm vào một khổ mà người ta vẫn nghĩ là của Tú Xương vì nó hoàn toàn thống nhất với cảm xúc chủ đạo của bài thơ:


"Bắt chước ai ta chúc mấy lời

Chúc cho khắp hết cả trên đời

Vua, quan, sĩ, thứ người muôn nước

Sao được cho ra cái giống người".


Cũng cảm hứng phê phán đó, có bài Năm mới:


"Khéo báo nhau rằng mới với me

Bảo nhau rằng cũ, chẳng ai nghe

Khăn là bác nọ to tầy rế

Váy lĩnh cô kia quét sạch hè

Công đức tu hành, sư cô lọng

Xu hào rủng rỉnh, Mán ngồi xe

Phong lưu rất mực ba ngày tết

Kiết cú như ta (ai) cũng rượu chè".


Ở đây, Tú Xương phê phán thói phô trương rởm đời của bọn hãnh tiến học làm sang, nó là một sự mỉa mai, chửi rủa đối với xã hội của những người nghèo khổ.


Đằng sau cái cười của Tú Xương là nỗi đau, nỗi đau mất nước. Bài Xuân ru mà của ông có những câu thơ không còn là trào phúng nữa mà là trữ tình 100%.


"Xuân từ trong Huế mới ban ra

Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Loẹt lòe trên vách, bức tranh gà

Chí cha chí chát khua giày dép

Đen thủi đen thui cũng lượt là

Dám hỏi những ai nơi cố quận

Rắng xuân, xuân mãi thế ru mà".


Ông nhắc nhở bọn hãnh tiến rởm đời hãy nhớ nhục mất nước. Câu thơ là lời cảnh tỉnh thiết tha, gợi nhớ câu thơ ông viết trong kỳ thi năm Đinh Dậu.


"Nhân tài đất Bắc nào ai đó

Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà".


Có bài thơ Tú Xương không nói về Tết nhưng nhân sự việc xảy ra vào dịp này, ông có nhắc đến Tết, đó là bài Mồng 2 tết viếng cô Ký:


"Cô Ký sao mà đã chết ngay

Ô hay trời chẳng nể ông Tây

Gái tơ đi lấy làm hai họ

Năm mới vừa sang được một ngày

Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ

Ông chồng thương đến cái xe tay

Gớm ghê cho những cô con gái

Mà vẫn đua nhau lấy các thầy".


Tú Xương châm biếm thói thực dụng vô luân mất gốc của một số người lúc đó. Cô Ký lấy thầy Ký ta nhưng lại đi lại với ông Tây chánh cẩm để thuận tiện cho việc làm ăn (mở hiệu xe tay). Nhưng câu đau nhất trong bài không chỉ là câu 2 mà là câu luận thứ 2 (câu 6). Ông chồng không thương vợ chết trẻ mà chỉ lo từ nay không ai lo liệu cho cái hiệu xe tay, không còn ai đi lại với ông chánh cẩm để công việc làm ăn được thuận lợi, nhất bản vạn lợi.


Tú Xương hay cười, cười cả những người không có tội , nhưng hãy xem kỹ, trong cái cười ấy có cả giọt nước mắt xót thương. Nhà thơ cảm thương với kiếp cô đầu trong ngày tết ế ẩm, túng thiếu:


"Chị hỡi chị, năm nay túng lắm

Biết làm sao, Tết đến nơi rồi...

Chị em ta cùng nhau giữ giá

Đến bây giờ ngã cả chẳng ai nâng

Cũng liều bán váy chơi xuân" (Tết cô đầu).


Xem chừng nụ cười trào phúng đã nhường cho nước mắt trữ tình. Và cảm hứng của nhà thơ trào phúng đầu thế kỷ bỗng gần với cảm xúc của nhà văn lãng mạn năm 40 (Thạch Lam với Tối 30 tết), hoặc đã chuẩn bị cho tiếng cười cay đắng của nhà văn hoạt kê Nguyễn Công Hoan những năm 30 trong Người ngựa, ngựa người.


Nhà thơ trào phúng ấy cũng là người hay tự trào. Tác giả cười hay nói đúng hơn, thẩm thía cái nghèo, cái bất lực, cái không thành đạt của mình Cảm Tết, Sắm Tết. Những câu đùa trong 2 bài thơ này là những câu đùa ra nước mắt:


"Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo

Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy

Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu

Bánh đường sắp gói e mồm chảy

Giò lụa toan làm sợ nắng thiu

Thôi thế thì thôi đành tết khác

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo".


Đặc biệt, bài Sắm tết, tiếng cười được nghệ thuật hư cấu phóng đại giúp sức trở nên những tiếng cười gằn:


"Tết nhất năm nay khéo thật là

Một mâm mứt rận mới bày ra

Xanh đồng thắng lại đen nhưng nhức

đụp bò ra béo thực thà

Kẹo chú Sìu Châu đâu đọ được

Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa

Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt

Lại rưới thêm vào tí nước hoa".


Tác giả giễu mình mà hóa ra chửi đời. Tuy nhiên nỗi ghét đời kia lại chính là hình chiếu ngược của lòng yêu đời. Bài hát nói Tết dán câu đối thể hiện lòng yêu vợ, tính cách phóng khoáng, tài tử và vui tính của tác giả:


"Nhập thế cục bất khả vô văn tự

Chẳng hay ho cũng húng hắng lấy một vài

Huống thân danh mình đã đỗ tú tài

Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối

Đối rằng:

"Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt"

Viết vào giấy dán ngay lên cột

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay

Thưa rằng hay thật là hay

Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài

Xưa nay em vẫn chịu ngài".


Và cả trong các bài thơ chửi giễu những thói rởm ngày tết vẫn có những câu thú vị đậm màu sắc dân tộc:


"Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Om thòm trên vách bức tranh gà"...


Tóm lại, chỉ đọc mấy bài thơ Tết của Tú Xương, ta đã thấm thía cái ý vị hay, riêng của thơ Tú Xương và phần nào thấy được tài năng và chiều sâu tâm tưởng ông. Khi Tú Xương mất, nhà thơ Nguyễn Khuyến, người sinh trước ông 35 năm, nhưng lại mất sau ông 2 năm, đã viếng 2 câu đối:


"Kìa ai chín suối Xương không nát

Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn".


Nhà thơ lão thành đại khoa đó tuy lời lẽ có phần cẩn trọng nhưng thực sự đã là người đầu tiên khẳng định giá trị cao, giá trị vượt thời gian của thơ Tú Xương. Còn nhà thơ lớn hiện đại Xuân Diệu sau này thì lời lẽ mạnh mẽ hơn nhưng cũng vẫn ý tưởng ấy:


"Ông nghè, ông thâm vô máy khói

Đứng lại văn chương một tú tài".

Điểm tin tuần (14/02/2010 – 21/02/2010)






Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

Tết Nguyên Đán



Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niêm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam...
Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng ...

Ông Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo ".

Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.

Cùng với tranh (tranh dân gian, câu đối), hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Ðào, miền Nam có hoa Mai, hoa Ðào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam.



Ngoài cành Ðào, cành Mai, mấy ngỳa tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bành trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mân ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.

Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ tới già ai ai cũng biết, sau đây là một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.

Tống cự nghênh tân: Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

Con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi ddược nhắc nhở không được nghịch nghợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy... anh chị, cha mẹ cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Nhiều nhà tự đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà.

Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, sáng mùng Một lại ít khách.



Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích.

Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc, những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi"hay "của đi thay người"nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

Phong tục ta ngày Tết việc biếu quà Tết, tỏ ân nghĩa tình cảm, học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà tết không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: không có quà ngại không đến...

Ở nước ta, vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày Tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rãnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ. Sau ngày mùng Một, dù có mải vui tết cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu.

Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Ngườu thợ thủ công nếu chưa ai thuê nướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượi chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì người bố cho phép vui chơi. Tam cúc, cờ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Ðến lễ khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn hoá vàng.

Vì sao có tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày Tết: Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mùng Một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hót rác ngày Tết.



Tết, và các tục lệ, được nhắc đến rất nhiều trong ca dao Việt Nam:

Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy

Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba tết thầy

Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho Tết đến dựng nêu ăn chè

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Tết cũng là đề tài cho nhiều văn, thi sĩ:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già...
(Vũ Đình Liên - Ông đồ)

...Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Lòe loẹt trên vách bức tranh gà
(Tú Xương)

...Xuân về hoa cải nở vàng hoe.
Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng,
Cả đêm cuối chạp nướng than hồng.
Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông.
(Đoàn Văn Cừ - Tết Quê Bà)

Hay câu đối Tết như:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
(Nguyễn Công Trứ)

Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại, kẻo ma vương đưa quỷ tới.
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra, cho thiếu nữ đón xuân vào.
(Lưu truyền là của Hồ Xuân Hương)

Đề nghị bớt chút thời gian để nghe một số bài viết về các câu chuyện ngày Tết của người Việt Nam

Powered by eSnips.com

Một số bài viết liên quan đến Tết Nguyên Đán của Việt Nam
  1. Lm. Huỳnh Trụ (Theo hdgmvietnam.org) “Tết nguyên đán”. Tổng giáo phận Hà Nội.
  2. Theo VDC1, “Tết Nguyên đán có từ bao giờ?”, Việt Báo
  3. Đoan Hùng. “Lịch Ta, Lịch Tàu và sự khác biệt”.
  4. Tường Linh (nhà thơ) “Nhớ chợ Tết làng xưa”. Việt Báo
  5. “Đi chợ đồ cổ ngày giáp Tết”
  6. K.H (sưu tầm), “Mâm ngũ quả ngày Tết: Nhiều quan niệm, lắm cách thể hiện”, Việt Báo
  7. Việt Báo. Cây nêu ngày Tết và tục thờ cúng tổ tiên
  8. TS Nguyn Nhã “Cây nêu ngày Tết và nghi thức thờ cúng tổ tiên”. Tuổi Trẻ online
  9. Phương Khanh, “Thú chơi tranh Tết của người Việt”, Việt Báo
  10. Trích 100 điều nên biết về phong tục VN, “Câu đối tết”, Việt Báo
  11. T. Xuân, “Chơi hoa ngày Tết”, Tin Tức Online
  12. “Trang hoàng ngày Tết - Trang trí nhà ngày Tết”, Thanh Niên online
  13. Sự tích hoa đào ngày Tết
  14. Theo Kenny blog, “Hoa Mai trong ngày tết của người miền Nam”, Việt báo
  15. Thúy Huỳnh, “Hoa mai ngày Tết”, Thanh niên Online
  16. Theo Sức khỏe & đời sống, “Quất - cây cảnh ngày Tết, thuốc quý cho cả năm”, Việt Báo
  17. Theo VNN (Tư liệu: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), “Tết của người thiểu số ở Việt Nam”, Tuổi Trẻ Online
  18. “Phong tục ngày Tết”, Xa lộ tin tức
  19. Theo Báo Ninh Thuận, “Tại sao cúng Giao thừa ngoài trời?”, Tuổi trẻ Online
  20. Theo NGUYỄN CHÍNH TÂM - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, “Khoa học "Tết"”, Tuổi trẻ online
  21. Tiếp Thị Gia Đình, “Xông đất đầu năm”, vietnamnet.vn
  22. Theo TT, “Lai lịch tiền mừng tuổi”, Việt báo
  23. Trích 100 điều nên biết về phong tục VN, “Phong tục ngày Tết: Chúc Tết, mừng tuổi, xuất hành”, Tuổi trẻ online
  24. Vũ Lê - Hoàng Khuê, “Tục hóa vàng ngày mùng 3”, vnexpress.net
  25. Đoàn Loan - Tuấn Dũng, “"Hoá vàng" cúng tiễn tổ tiên”, Việt báo
  26. website Quê Hương, “Nguyên Đán ở Việt Nam”, vietnamnet.vn
  27. Hoàng Hữu Quế “Dưa hấu ngày Tết”. Hà Nội Mới. tintucxalo.
  28. Nguyễn Ngọc Tuyết “Nồi thịt kho ngày Tết”. Phụ Nữ Online
  29. Lê Lan “Tục ăn Tết của người Sài Gòn”. Tổ Quốc.
  30. Thu Trang “Chè kho ngày Tết xưa”.
  31. “Hương vị ba miền”. Tin Việt Online
  32. Hoàng Bùi, “Số phận của phong tục Tết”, Việt báo
  33. Như Trang, “Đầu năm mua muối cầu may”, Việt báo
  34. (Theo Bách khoa Toàn thư), “Những tục lệ ngày Tết”, vietnamnet.vn
  35. Thúy Huỳnh, “Phong tục - tập quán Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết”, Thanh niên Online.
  36. Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Văn phòng luật sư Hồng Hà, “Đốt pháo có thể bị xử lý hình sự”, Việt báo (Theo_VnExpress.net)
  37. Sưu tầm, “Hội Gò Đống Đa tưởng nhớ vua Quang Trung”, webdulich.com.
  38. “Nét đẹp của các phong tục đầu năm”. Báo Tuổi Trẻ (Theo VTV)
  39. “Săn hoa đẹp ngày Tết”, “Bí quyết chọn hoa đào, quất ngày Tết”.
  40. Theo THÚY HUỲNH - Thanh niên, “Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết”, Báo Tuổi trẻ online
  41. “Nói với con về Tết”.
  42. “Kiêng kỵ ngày đầu năm”. báo Tuổi Trẻ.
  43. “Tết cổ truyền của người Việt Nam ở nước ngoài”. Việt Báo
  44. “Không khí đón Tết tại Mỹ”. VietNamNet
  45. “Người Việt Hải Ngoại Ăn Tết”. VVNNEWS.
  46. Hoàng Hợp Long “Hội Tết Sinh Viên của Tổng Hội SVVN Nam Cali”. Viễn Đông Daily News
  47. “Hội Tết Sinh Viên 2010 Với Chủ Đề ‘Xuân Yêu Thương’”. Việt Báo
  48. “Tet festival” ở Úc”. báo Tuổi Trẻ
  49. “Xuân và Tết trong nhạc Việt”. VietNamReview
  50. Theo Eva “Đìu hiu nhạc tết”. VietNamNet
  51. Quỳnh Nguyên “Đa dạng show ca nhạc tết”. báo Tuổi Trẻ.
  52. “Sơ lược về 12 con giáp”