Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Cảm hứng thơ Tết của nhà thơ trào phúng Tú Xương


Mộ của nhà thơ Tú Xương ở Nam Định

Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Tên bố mẹ đặt cho lúc đầu là Trần Duy Uyên. Ông sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức ngày 10 tháng 8 năm Canh Ngọ), ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (sau đổi thành phố Hàng Nâu, hiện nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định). Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1907.

Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết. Thơ văn của Tú Xương là một trường hợp như vậy. Thể xác của Tú Xương đến nay đã hơn 100 năm nát với cỏ cây. Nhưng sự nghiệp văn chương của ông thì vẫn như một chàng trai xinh đẹp, sung sức, bất chấp mọi thử thách thời gian.


Tản Đà - nhà thơ nổi tiếng tài năng và "ngông" của giai đoạn sau, giai đoạn giao thời thơ cũ - thơ Mới cũng đã phải phát biểu: "Trong những thi sĩ tiền bối, tôi khâm phục nhất Tú Xương". Vũ Trọng Phụng - nhà văn hoạt kê hàng đầu của những năm 30 cũng viết "Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ". Sự nghiệp thơ của Tú Xương không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Giáo sư Albert Smith (Anh) viết: "Tú Xương xứng đáng đứng vào hàng những nhà thơ trào phúng lớn của thế giới". Tiến sĩ văn chương Jean-Curier (Pháp) cũng cho rằng: "Trong bầu trời thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay, nếu chọn lấy năm ngôi sao sáng nhất thì Tú Xương là một trong năm ngôi sao ấy".


Tú Xương ra đi vào ngày 29/1/1907, tức là trước Tết khoảng nửa tháng, chưa kịp viết bài thơ Tết năm ấy. Mà như ta biết, Tết vốn là dịp dồi dào thi hứng của thi nhân.

Tú Xương có một câu đối Tết xuất sắc mà bây giờ ít khi ta nhắc lại vì cuộc sống và phong tục cũng đã thay đổi, nhưng đặt vào lúc nó ra đời thì thật đắt và thật sâu cay, chua chát :


"Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo

Nhân tình trắng thế lại bôi vôi".


Ngày nay chúng ta còn học tập được ở nghệ thuật dùng từ tài tình của tác giả khi muốn châm biếm một điều gì đấy về nhân tình thế thái: xác (danh từ, danh từ tính từ hóa); trắng (nghĩa bóng - nghĩa đen).


Tiếng cười cay độc, chua chát của Tú Xương có ý nghĩa phủ định xã hội, cái xã hội của những kẻ giàu sang hãnh tiến. Bài Năm mới chúc nhau của ông là tiếng chửi vào bọn người ấy, chứ không phải là chửi tùm lum tất cả.


"Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu

Phen này ông quyết đi buôn cối

Thiên hạn bao nhiêu đứa giã trầu".

"Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang

Đứa thời mua tước, đứa mua quan

Phen này ông quyết đi buôn lọng

Vừa chửi vừa la cũng đắt hàng".

"Nó lại mừng nhau cái sự giàu

Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc

Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu".

"Nó lại mừng nhau sự lắm con

Sinh năm đẻ bẩy được vuông tròn

Phố phường chật hẹp người đông đúc

Bồng bế nhau lên nó ở non".


Chính vì cảm hứng xã hội ấy của bài thơ, mà sau nghe nói có người thêm vào một khổ mà người ta vẫn nghĩ là của Tú Xương vì nó hoàn toàn thống nhất với cảm xúc chủ đạo của bài thơ:


"Bắt chước ai ta chúc mấy lời

Chúc cho khắp hết cả trên đời

Vua, quan, sĩ, thứ người muôn nước

Sao được cho ra cái giống người".


Cũng cảm hứng phê phán đó, có bài Năm mới:


"Khéo báo nhau rằng mới với me

Bảo nhau rằng cũ, chẳng ai nghe

Khăn là bác nọ to tầy rế

Váy lĩnh cô kia quét sạch hè

Công đức tu hành, sư cô lọng

Xu hào rủng rỉnh, Mán ngồi xe

Phong lưu rất mực ba ngày tết

Kiết cú như ta (ai) cũng rượu chè".


Ở đây, Tú Xương phê phán thói phô trương rởm đời của bọn hãnh tiến học làm sang, nó là một sự mỉa mai, chửi rủa đối với xã hội của những người nghèo khổ.


Đằng sau cái cười của Tú Xương là nỗi đau, nỗi đau mất nước. Bài Xuân ru mà của ông có những câu thơ không còn là trào phúng nữa mà là trữ tình 100%.


"Xuân từ trong Huế mới ban ra

Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Loẹt lòe trên vách, bức tranh gà

Chí cha chí chát khua giày dép

Đen thủi đen thui cũng lượt là

Dám hỏi những ai nơi cố quận

Rắng xuân, xuân mãi thế ru mà".


Ông nhắc nhở bọn hãnh tiến rởm đời hãy nhớ nhục mất nước. Câu thơ là lời cảnh tỉnh thiết tha, gợi nhớ câu thơ ông viết trong kỳ thi năm Đinh Dậu.


"Nhân tài đất Bắc nào ai đó

Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà".


Có bài thơ Tú Xương không nói về Tết nhưng nhân sự việc xảy ra vào dịp này, ông có nhắc đến Tết, đó là bài Mồng 2 tết viếng cô Ký:


"Cô Ký sao mà đã chết ngay

Ô hay trời chẳng nể ông Tây

Gái tơ đi lấy làm hai họ

Năm mới vừa sang được một ngày

Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ

Ông chồng thương đến cái xe tay

Gớm ghê cho những cô con gái

Mà vẫn đua nhau lấy các thầy".


Tú Xương châm biếm thói thực dụng vô luân mất gốc của một số người lúc đó. Cô Ký lấy thầy Ký ta nhưng lại đi lại với ông Tây chánh cẩm để thuận tiện cho việc làm ăn (mở hiệu xe tay). Nhưng câu đau nhất trong bài không chỉ là câu 2 mà là câu luận thứ 2 (câu 6). Ông chồng không thương vợ chết trẻ mà chỉ lo từ nay không ai lo liệu cho cái hiệu xe tay, không còn ai đi lại với ông chánh cẩm để công việc làm ăn được thuận lợi, nhất bản vạn lợi.


Tú Xương hay cười, cười cả những người không có tội , nhưng hãy xem kỹ, trong cái cười ấy có cả giọt nước mắt xót thương. Nhà thơ cảm thương với kiếp cô đầu trong ngày tết ế ẩm, túng thiếu:


"Chị hỡi chị, năm nay túng lắm

Biết làm sao, Tết đến nơi rồi...

Chị em ta cùng nhau giữ giá

Đến bây giờ ngã cả chẳng ai nâng

Cũng liều bán váy chơi xuân" (Tết cô đầu).


Xem chừng nụ cười trào phúng đã nhường cho nước mắt trữ tình. Và cảm hứng của nhà thơ trào phúng đầu thế kỷ bỗng gần với cảm xúc của nhà văn lãng mạn năm 40 (Thạch Lam với Tối 30 tết), hoặc đã chuẩn bị cho tiếng cười cay đắng của nhà văn hoạt kê Nguyễn Công Hoan những năm 30 trong Người ngựa, ngựa người.


Nhà thơ trào phúng ấy cũng là người hay tự trào. Tác giả cười hay nói đúng hơn, thẩm thía cái nghèo, cái bất lực, cái không thành đạt của mình Cảm Tết, Sắm Tết. Những câu đùa trong 2 bài thơ này là những câu đùa ra nước mắt:


"Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo

Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy

Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu

Bánh đường sắp gói e mồm chảy

Giò lụa toan làm sợ nắng thiu

Thôi thế thì thôi đành tết khác

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo".


Đặc biệt, bài Sắm tết, tiếng cười được nghệ thuật hư cấu phóng đại giúp sức trở nên những tiếng cười gằn:


"Tết nhất năm nay khéo thật là

Một mâm mứt rận mới bày ra

Xanh đồng thắng lại đen nhưng nhức

đụp bò ra béo thực thà

Kẹo chú Sìu Châu đâu đọ được

Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa

Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt

Lại rưới thêm vào tí nước hoa".


Tác giả giễu mình mà hóa ra chửi đời. Tuy nhiên nỗi ghét đời kia lại chính là hình chiếu ngược của lòng yêu đời. Bài hát nói Tết dán câu đối thể hiện lòng yêu vợ, tính cách phóng khoáng, tài tử và vui tính của tác giả:


"Nhập thế cục bất khả vô văn tự

Chẳng hay ho cũng húng hắng lấy một vài

Huống thân danh mình đã đỗ tú tài

Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối

Đối rằng:

"Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt"

Viết vào giấy dán ngay lên cột

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay

Thưa rằng hay thật là hay

Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài

Xưa nay em vẫn chịu ngài".


Và cả trong các bài thơ chửi giễu những thói rởm ngày tết vẫn có những câu thú vị đậm màu sắc dân tộc:


"Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Om thòm trên vách bức tranh gà"...


Tóm lại, chỉ đọc mấy bài thơ Tết của Tú Xương, ta đã thấm thía cái ý vị hay, riêng của thơ Tú Xương và phần nào thấy được tài năng và chiều sâu tâm tưởng ông. Khi Tú Xương mất, nhà thơ Nguyễn Khuyến, người sinh trước ông 35 năm, nhưng lại mất sau ông 2 năm, đã viếng 2 câu đối:


"Kìa ai chín suối Xương không nát

Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn".


Nhà thơ lão thành đại khoa đó tuy lời lẽ có phần cẩn trọng nhưng thực sự đã là người đầu tiên khẳng định giá trị cao, giá trị vượt thời gian của thơ Tú Xương. Còn nhà thơ lớn hiện đại Xuân Diệu sau này thì lời lẽ mạnh mẽ hơn nhưng cũng vẫn ý tưởng ấy:


"Ông nghè, ông thâm vô máy khói

Đứng lại văn chương một tú tài".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét