Mời nghe Đỗ Lai Thúy bình luận với chủ đề : "CHƯỞNG KIM DUNG CÓ PHẢI LẦ TÁC PHẨM VĂN HỌC" .
Tôi là loại người mê các tiểu thuyết võ hiệp. Niềm mê ấy có lẽ bắt nguồn từ thơ ấu. Một vùng quê yên tĩnh ven sông Đáy. Con đê dài biếc xanh cỏ. Lũ trẻ chăn trâu thò lò mũi chúng tôi ngồi túm tụm nghe anh lớn đọc truyện kiếm hiệp. Sau này, khi tôi biết đọc, tôi ngấu nghiến các truyện Bồng Lai hiệp khách, Giao Trì nữ hiệp, Long hình quái khách... Chúng tôi đi bộ hàng chục cây số để trao đổi sách...
Nhưng rồi khi lớn lên, chúng tôi được dạy rằng đó là những loại sách tầm thường, nhảm nhí, chưa kể có thể gây ra những độc hại. Tôi cũng thấy rằng nếu chỉ đọc nhiều kiếm hiệp có thể sẽ làm hỏng thị hiếu. Nếu chỉ ham đọc những loại sách có cốt truyện hấp dẫn, tình tiết li kì... thì khó kham nổi những tiểu thuyết hiện đại không có cốt truyện, chỉ có tâm lý, thậm chí ngoại tâm lý mà không có hành động...
Mãi đến sau bảy năm, khi người ta rộ lên đọc chưởng Kim Dung, tôi vẫn giữ thái độ "Kính nhi viễn chi". Rồi một đêm kia, trong một chuyến đi nhỡ độ đường, nắm một mình nơi nhà khách tĩnh, trong tay không có gì để đọc. Anh bạn phòng bên cho mượn cuốn Tiếu Ngạo Giang Hồ 'giết thời gian". Sau một phút ngần ngại, tôi cầm đọc. Thế là cả một thế giới đắm say ấu thời tưởng đã được đào sâu chôn chặt, lại đội mồ sống dậy. Một thế giới của những cái phi thường, những nhân vật phi thường - tốt cũng như xấu, những hành động phi thường... Một thế giới tràn ngập âm thanh, màu sắc khác hẳn với cuộc sống thường nhạt nhẽo, tủn mủn, đầy những toan lo. Sau tiếng đàn tái hợp này, tôi lại mê say đọc tiếp những cuốn khác của Kim Dung như Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp...
Bạn bè vẫn có người dè bỉu truyện chưởng, hoặc mỉm cười độ lượng vì thói ham chưởng của tôi. "Nhân vô thập toàn, ai cũng có gót chân Asin cả" - ánh mắt và nụ cười của họ nói lên điều đó. Rằng mê thì thật là mê, nhưng trong tôi vẫn cứ lóe lên một phản tỉnh: "Tại sao tôi lại thích tiểu thuyết võ hiệp và truyện chưởng Kim Dung có phải là văn học không?". Có lẽ, chỉ khi giải đáp được băn khoăn này tôi mới khỏi phải giấu thú đọc chưởng như lấp liếm đi một thói xấu...
Tiểu thuyết võ hiệp thường chỉ ra đời như một thể loại ở những nơi tồn tại một tầng lớp kị sĩ, tức một tầng lớp chiến binh chuyên nghiệp. Họ có lối sống riêng với những quan niệm, lí tưởng, quy tắc khác với người thường. Tuy triệt để phục tùng lối sống đó, nhưng ý thức cá nhân của họ đã bắt đầu phát triển. Đó là tầng lớp hiệp sĩ của châu Âu trung đại, những người hiệp khách ở Trung Hoa và tầng lớp võ sĩ đạo của Nhật Bản... Độc giả Việt Nam thông thường không có điều kiện đọc chính vào tiểu thuyết võ hiệp thì vẫn có thể hình dung về tầng lớp này qua bóng dáng của nó trong Ba người lính ngự lâm của Alexandre Dumas bố, Hiệp sĩ Ivanhoe của Walter Scott, Musashi của Eiji Yoshikawa... nhất là ở các truyện kiếm hiệp của Trung Hoa. Thế giới võ hiệp này thật lạ lẫm với những người dân thường, nhất là với những người dân ở xứ sở nông nghiệp như người Việt, sống định cư trong lũy tre làng, tuân theo nhịp điệu của mùa vụ.
Cũng như truyện trinh thám, truyện khoa học viễn tưởng, truyện danh nhân, hồi kí chính trị, tiểu thuyết minh họa, truyện phiêu lưu... đều là cận văn học (paraliterature), tức sáng tạo không dành quyền ưu tiên cho việc tìm kiếm cái đẹp, tức không coi chức năng thẫm mỹ là dominate(chủ đạo), mà để thỏa mãn các chiều kích cũng cơ bản khác trong con người: óc tò mò, nhu cầu giải trí, sự ham hiểu biết, thích trải nghiệm những cảm giác mạnh, sự phát triển óc tưởng tượng, nhu cầu được sống trong những không gian và thời gian khác với ở đây và bây giờ... Nhưng cận văn học cũng chỉ làm xuất bản phát điểm, một thứ thành phần xuất thân. Nhờ tài năng cá nhân, nhờ xu hướng thời đại, nhiều tác phẩm cận văn học đã trở thành văn học, một thứ văn học đích thực, mĩ văn. Đông Ki Sốt cũng là một tiểu thuyết hiệp sĩ trung đại lúc này đã trở nên nhàm chán, một "phản - tiểu thuyết hiệp sĩ " (khái niệm "phản - tiểu thuyết hiệp sĩ " tôi dùng ở đây vẫn có ý nghĩa là tiểu thuyết hiệp sĩ đứng về mặt thể loại, nhưng đã có những cách tân táo bạo, nâng cao một bước về chất, làm cho nó khác hẳn với tiểu thuyết hiệp sĩ cũ. Cách hiểu này phù hợp với cách hiểu chung của văn học thế giới ở những khái niệm phản - tiểu thuyết, phản - kịch, phản - thơ...). Các cuốn tùy bút dân tộc học của Claude - Levy Strauss, của Maninovski như Nhiệt đới buồn, Người Argonnautes ở Tây Thái Bình Dương... đều được coi là những tác phẩm văn chương. Nhiệt đới buồn của Levy Strauss, thậm chí, trong một cuộc trưng cầu độc giả Ý, còn nằm trong số mười văn phẩm của thế kỷ XX đáng được đóng container gửi vào tương lai.
Chưởng Kim Dung cũng xuất thân từ một thể loại cận văn học - tiểu thuyết võ hiệp - nhưng đã trở thành văn học. Bởi lẽ, tác phẩm của nhà văn này đã tạo ra một thế giới nghệ thuật. Thế giới ấy có bờ cõi và quy luật riêng của nó. Quy luật đó là Kinh Dịch, khởi điểm của những khởi điểm của nền văn minh Trung Hoa. Và cùng với nó là thuyết âm dương, ngũ hành. Các triết lý này trở thành nguyên tắc cấu trúc của cách xây dựng nhân vật, võ thuật, khí công, vũ khí..., thậm chí chi phối cả cách đặt tên người, tên thế võ, binh khí. Thế giới Kim Dung dựa trên sự đối lập mà thống nhất của âm dương: trong âm có dương, trong dương có âm. Như một cái que có thể bẻ đôi, rồi lại bẻ đôi... cứ thế đến vô tận, thế giới nhân vật Kim Dung cũng chia nữa thành âm dương(tà chánh, tốt xấu...), rồi lại chia nữa thành âm âm/ âm dương và dương dương/ âm âm... cũng đến vô tận. Điều này tạo nên sự thống nhất, sự mạch lạc nội tại của tác phẩm.
Thế giới Kim Dung, nếu chỉ như vậy, thì cũng dễ rơi vào đơn điệu, xám màu nguyên lí. Nghệ thuật không chỉ là nguyên lý mà còn là cuộc sống. Nghệ thuật không phải chỉ là đối xứng, hoặc cân đối, mà còn là phản đối xứng. Kim Dung chống lại cái nhìn thế giới một cách ngắc, bất động, sự phân biệt chánh tà một cách tiên thiên, nhất thành bất biến. Bởi vậy, nhân vật chính của nhà văn thường xuất thân từ phái, hoặc chí ít cũng dính dáng đến tà phái, những Trương Vô Kỵ, Doanh Doanh, Triệu Mẫn, Lệnh Hồ Xung... cuối cùng, họ đã gạt bỏ được mọi hiểu lầm để khẳng định được sự "gần bùn mà chẳng..." của mình. Bởi vậy, nhân vật Kim Dung có nội tâm, không đơn giản, cứng nhắc như đa số các nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp trước Kim Dung hoặc những tiểu thuyết phản chưởng của nhiều tác giả cùng thời với Kim Dung.
Là tiểu thuyết võ hiệp, nhưng thế giới Kim Dung có đầy đủ những vấn đề của cuộc sống và do cuộc sống đặt ra: tình yêu, căm thù, ghen tuông, âm nhạc, hội họa, trà đạo, tửu đạo, thời trang... Ngoài ra nhà văn còn là một người dựng chuyện rất "mả". Người ta có thể tìm thấy ở chưởng Kim Dung những vụ án hình sự li kì, những truyện gián điệp và phản gián tài tình. Cũng như tiểu thuyết của Dostoievski, tiểu thuyết Kim Dung được xây dựng trên những xung đột căng thẳng. Nhà văn chẳng những biết tháo gỡ sự căng thẳng đó một cách bất ngờ, mà còn biết hãm, biết kéo dài sự căng thẳng đó bằng cách đan cài vào mạch đi của câu chuyện những đoạn trữ tình ngoại đề tuyệt vời về thư pháp, hội họa, nghệ thuật trồng hoa, nghệ thuật uống rượu, luận bàn về sách cổ... Bởi vậy, người đọc Kim Dung còn tiếp thu được ở ông nhiều tri thức về lịch sử, văn hóa, tôn giáo... của xã hội Trung Hoa.
Sau cùng, Kim Dung có một văn phong riêng biệt, sáng sủa, duyên dáng và hấp dẫn, điều còn nhiều ánh xạ trong những bản dịch Tiếng Việt của Sài Gòn vốn bị xâm thực bởi nhiều yếu tố thực dụng. Tất cả những điều trên làm cho chưởng Kim Dung trở thành những tác phẩm văn chương độc đáo, khác hẳn với chưởng của những tác giả khác chỉ là một thứ cận văn học. Ở khía cạnh này có thể nói, tiểu thuyết phản chưởng. Lý thuyết thì xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi. Sự phân chia thành văn học, văn học đích thực, mĩ văn, cận văn học... chỉ là tương đối. Luôn luôn có những tác phẩm vượt qua thành phần xuất thân của mình để vươn lên, cũng như luôn có những tác phẩm tụt khỏi thành phần cơ bản. Điều đó, như đã nói ở trên, chủ yếu phụ thuộc vào tài năng cá nhân của tác giả. Bởi vậy, không lấy làm ngạc nhiên khi thấy tong những năm gần đây Kim Dung được đánh giá rất cao ở Trung Quốc, được mời về nước và trao hàm Giáo Sư danh dự Đại học Bắc Kinh. Thậm chí, có nhà nghiên cứu còn lấy làm lạ khi Kim Dung chưa nằm trong danh sách các nhà văn ứng cử giải Nobel Văn học.
Nội dung của truyện Thần Điêu Hiệp Lữ
Dương Quá, sở học không những bác tạp cả hắc bạch lưỡng phái, mà bản chất con người y cũng là sự kết hợp của chính và tà, minh và ám. Y có lúc như một đại hiệp đại trí đại dũng, có lúc như một tiểu nhân xấu xa, hèn hạ ti bỉ...
Quách Tĩnh chính khí hiên ngang, thần oai lẫm lẫm, một mình tung hoành trong thiên binh vạn mã chẳng khác chốn không người. Y một thân võ học uyên thâm, một lòng sắt son vì nước vì dân, một tình cảm chân thành quan hoài yêu thương từ tâm khảm dành cho Dương Quá. Nhưng ngày xưa Quách Tĩnh đã không cảm hóa được nghĩa đệ Dương Khang bây giờ liệu có cảm hóa được Dương Quá chăng?
Tiểu Long Nữ trong sáng, mĩ lệ như bạch ngọc, nhưng cũng lạnh lùng như băng giá. Có ai biết được ẩn dấu trong sự lạnh lùng ấy là cả một tấm chân tình ấm áp, nồng nhiệt, tha thiết và chung thủy đến trọn đời. Có một người yêu, người thầy như nàng, Dương Quá có mãi lạc vào con đường tà đạo?
Một trận Tương Dương tỏ mặt anh hùng.
Mười sáu năm, Tuyệt Tình Cốc chia ly, hiểu rõ lòng người quân tử.
Thần Điêu khổng lồ, trọng kiếm vô địch, thân như thần long kiến thủ bất kiến vỹ, sao lòng người mãi chưa thôi day dứt, sao lại còn phải sáng tạo ra độc chưởng Ám Nhiên Tiêu Hồn?
Thần Điêu Hiệp Lữ là truyền thuyết về một anh hùng, một mối tình cảm động cả quỷ thần và một trang sử bi tráng của dân tộc Trung Hoa.
Thần Điêu Hiệp Lữ còn là phần kết của những câu chuyện về Võ Lâm Ngũ Bá trong Anh Hùng Xạ Điêu, đồng thời mở ra những tiền đề cho Ỷ Thiên Đồ Long Ký - tuyệt tác tiếp theo của Kim Dung.
Tải truyện Thần Điêu Hiệp Lữ về xem tại đây , phần mềm MSReaderSetupUSA.exe
Mời nghe truyện Audio Thần Điêu Hiệp Lữ Phần 2 (Từ tập 31 đến tập 57)
Powered by eSnips.com |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét