Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

“Sai lầm lớn nhất” của Bill Gates hay lòng tham không đáy của tỉ phú công nghệ?

Bill Gates – vị tỉ phú công nghệ đã quá nổi tiếng thế giới – đã thừa nhận rằng "sai lầm lớn nhất" của mình và Microsoft là không làm cho tập đoàn phần mềm máy tính số 1 thế giới này trở thành một nền tảng di động như Android để từ đó nắm trong tay thị trường smartphone ngoại trừ phần của Apple.


Bill gates

Tất nhiên chẳng vì sự thừa nhận "sai lầm lớn nhất" này mà người ta đánh giá rằng Bill Gates bất tài, và càng không thể vì sự thừa nhận này mà cho rằng Microsoft kém cỏi hơn Apple hay Google, Facebook.

Trên thực tế, tới thời điểm này, Microsoft vẫn sừng sững "riêng một góc trời" về hệ điều hành Windows và phần mềm Office dành cho máy tính cá nhân. Không chỉ thống lĩnh mà Microsoft còn khiến người dùng cá nhân và doanh nghiệp phải lụy vào mình. Vài năm trở lại đây, Microsoft còn lớn mạnh lên ở mảng điện toán đám mây đặc biệt là phân khúc dành cho doanh nghiệp.

Thực ra thì sự thừa nhận của Bill Gates cho thấy ông quá cầu toàn, hoặc vì lúc này ông không còn bận bịu công tác quản lí điều hành nên thỉnh thoảng dành chút thời gian "gặm nhấm" dư vị thành quả vàng son mà không mấy ai làm được như ông?

Nói đúng hơn, đó là một sự thừa nhận sai lầm chỉ càng khiến cho hình ảnh Bill Gates dù gần gũi nhưng lại càng trở nên vĩ đại hơn mà thôi.

Nhưng đồng thời, sự thừa nhận đó cũng bộc lộ vị tỉ phú công nghệ từng nhiều lần là người giàu nhất hành tinh này cũng có một lòng tham vô đáy, tất nhiên là gắn với khát khao xây dựng và phát triển nền tảng công nghệ mới chinh phục người dùng.

Khi tôi đọc qua những "sai lầm" được ông thừa nhận, chợt nảy ra câu hỏi: Vậy nếu ông và Microsoft không "sai lầm" thì các đối thủ của ông chắc hẳn sẽ không còn đất sống. Microsoft đã thống lĩnh ở lĩnh vực hệ điều hành Windows và phần mềm Office cho máy tính, nếu ông còn không "sai lầm" - đồng nghĩa là thành công trong việc xây dựng một nền tảng di động, liệu còn ai chịu nổi với Microsoft? Hay nhìn ở một góc độ khác, lúc đó với thế mạnh gấp bội và tập trung trong tay cả hai nền tảng số 1 cho máy tính và cả di động, có khi nào chính người dùng sẽ trở thành nạn nhân của ông và Microsoft, vì sẽ bị ép uổng và không có lựa chọn nào khác?

Bài học thấm thía đối với người dùng là đừng bao giờ để cho duy chỉ một công ty mạnh lên gần như nắm thế độc quyền ở bất cứ lĩnh vực nào. Bởi khi ấy, người dùng tưởng được phục vụ nhưng kì thực lại bị ép uổng, tưởng được miễn phí nhưng kì thực lại bị khai thác triệt để, như cách người ta đang dùng Facebook, YouTube hiện nay. Cứ đụng chuyện và bị hai "ông lớn" này xử đi mới thấy hết cái phận khốn khổ của thân phận "thượng đế" của các "ông lớn".

Có thể người dùng trong rất nhiều trường hợp "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa". Người dùng không lọt vào tay của Microsoft với một nền tảng di động thành công thì cũng rơi vào tay của Google với hệ điều hành Android. Nhưng dù thế vẫn hơn là phụ thuộc tất tần tật vào một Microsoft. Google với Android còn có dự án mã nguồn mở, ngoài những phiên bản tính phí bản quyền cũng có phiên bản miễn phí cho tất cả các bên sử dụng; trong khi Microsoft bao năm qua, chẳng có tí gì là miễn phí, song quan trọng hơn là với một hệ thống đóng kín bưng sẽ rất khó phát triển cởi mở tạo ra một hệ sinh thái phong phú, sinh động và đầy tiện ích cho người dùng.

Chính vì thế mà khi ông - Bill Gates - thừa nhận "sai lầm lớn nhất", tôi lại thấy may và thấy vui. Nếu ông không sai lầm, thế giới nền tảng dành cho máy tính và di động sẽ do ông và Microsoft thao túng tất. Một thế giới đơn cực, một thị trường bị tập trung kinh tế ở vị thế độc quyền thì đã quá rõ những hệ lụy của nó sẽ tiêu cực tới đâu đối với người dùng.

Tham vọng nắm hết mọi thứ, có thể che hết mọi thứ, có lẽ như một thuộc tính của những người sáng tạo và kinh doanh vĩ đại như Bill Gates. Có lẽ chúng ta đang thấy thấp thoáng tư duy này trong dự án tiền ảo Libra của Facebook do tỉ phú công nghệ trẻ Mark Zuckerberg điều hành. Không có gì là đủ với họ. Với Mark thì đang độ tuổi trẻ sung sức và nhiều đam mê, nhiệt huyết và sức bật; song với người đã "về hưu" như Bill Gates cũng chưa dứt hết những tham vọng dù có thể lòng tham lúc này không hẳn vì yếu tố tiền tài hay làm giàu mà có lẽ vì sự chinh phục, thống lĩnh thì đúng hơn.

Chả có sự thành công nào mĩ mãn hết 100% mà không có chút hối tiếc. Trường hợp này đúng với cả vị tỉ phú nắm trong tay khối tài sản tròm trèm cả trăm tỉ USD như Bill Gates. Nhưng suy cho cùng, đó là một sự hối tiếc đẹp đẽ của một con người đã làm nên một sự nghiệp vĩ đại cống hiến cho loài người, thúc đẩy loài người phát triển về trí tuệ và xã hội phát triển về sự tiện ích và tính giải pháp giải quyết trong công việc.

Bill Gates, ông hãy cứ thừa nhận "sai lầm" và hãy cứ hối tiếc, để người dùng còn có nhiều sự lựa chọn khác ngoài Microsoft.

Dạ Thảo
Nguồn tại đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét