Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Nghe đọc thơ Hàn Mạc Tử


Mộ Hàn Mạc Tử

Hàn Mặc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9, 1912 – mất 11 tháng 11, 1940) là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn.

Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Hàn Mặc Tử sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm. Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sỹ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông được một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên đành đình lại. Ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, năm ông 21 tuổi.

Đến Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.

Ít lâu sau, ông mắc bệnh phong - một căn bệnh nan y thời đó. Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn và mất khi mới 28 tuổi.

Cuộc đời của ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.

Đánh giá và bình luận về tài thơ của Hàn Mặc Tử có rất nhiều, sau đây là một số đánh giá của các nhà thơ văn nổi tiếng:

"Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình"
"Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử."

(Nhà thơ Chế Lan Viên)

"Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc."
(Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ)

"Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch..."
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)

"...Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào Thơ mới."
(Nhà thơ Huy Cận)

"...Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng..." và "Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh..."
(Nhà phê bình văn học Hoài Thanh)

Và sau đây là một bài bình luận về thơ Hàn Mạc Tử của Kiều Văn

Cách đây trên bảy mươi năm, Hàn Mặc Tử - nhà thơ kiệt xuất của thời kỳ hiện tại - đã hoàn tất sứ mạng của mình với cõi đời này và đi vào cõi vĩnh hằng. Chuyện Hàn Mặc Tử lúc sinh thời bị mắc một chứng bệnh khốc hại (bệnh phong) thì ai cũng biết. Nhưng với khối tác phẩm khá đồ sộ ông để lại cho đời, cũng như những "cuộc tình" của ông, thì suốt mấy mươi năm qua, thiên hạ vẫn không ngừng xôn xao bàn tán và tranh cãi.

Không ai còn nghi ngờ việc Hàn Măc tử là một hiên tượng nổi bật của văn học Việt Nam giữa thời kỳ hoàng kim của Thơ Mới (những năm 30).

Hơn nửa thế kỷ qua, không thể đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mặc Tử, không thể đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc người thi sĩ tài hoa bạc mệnh ấy.

Mộng Liên Đường chủ nhân, người viết đề tựa truyện Kiều trước đây có câu:

"Người đời nay khóc người đời xưa, người đời sau khóc người đời nay, đó là cái thông lệ của bọn tài tử trong gầm trời này vậy!"

Thật chí lí lắm thay!

Muốn hiểu được Hàn Mặc Tử, nhất thiết phải hiểu bản chất con người nói chung và bản chất của con người Hàn Mặc Tử nói riêng.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Hoàng Phương đã rất có lý khi khẳng định rằng con người không phải một sinh vật thông thường mà là "Linh Vật", nghĩa là một vật linh thiêng. Nguyễn Du xưa cũng cảm nhận rõ điều này.

"Nàng rằng: Những đấng tài hoa
Thác là thế phách, còn là tinh anh"

Cái "tinh anh" bất tử ấy xác nhận con người là linh vật. Hàn Mặc Tử là linh vật ở trình độ tuyệt đích. Chính vì vậy, lúc sinh thời Hàn Mặc Tử vừa là một con người trần tục vừa là một "trích tiên" thực thụ.

Với trí tuệ của một nhà thơ thời hiện đại, đồng thời với tầm vóc của một bậc "thánh thi", Hàn Mặc Tử đã "giải mã" được mối liên hệ thống nhất, khăng khít giữa thi sĩ với vũ trụ vô thuỷ vô chung. Ông cũng hoàn toàn ý thức được sứ mệnh, thiên chức của một thi sĩ chân chính. Ông viết:

"Loài thi sĩ là những bông hoa rất quí và hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch. Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này - nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời, Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình".

Đại thi hào Shakespeare cũng đã viết một câu tương tự trong vở bi kịch Otenlô: "Phải chăng định mệnh của những đấng vĩ nhân vẫn là không được may mắn như những kẻ tầm thường..."

Với thiên năng siêu việt của linh vật, Hàn Mặc Tử thoắt ở trên mặt đất, thoắt lại bay vào vũ trụ bao la, tựa như những nhà du hành vũ trụ sau này:

Ta bay lên! Ta bay lên!
Gió tiến đưa ta tới nguyệt thềm
Ta ở trên cao nhìn trở xuống
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm
(Chơi trên trăng)

Và hơn thế nữa, linh hồn nhà thơ còn siêu thăng lên tầng" thượng thanh khí". lên cõi trời, hoà hợp với vĩnh cửa. Những ấn tượng mà Hàn Mặc Tử lượm được từ những cõi cao vời đó đã biến thành những câu thơ kinh hoàng, tưởng chừng có ma quỉ ở bên trong;

Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi

Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi laị đỏ hườm...

Trong thơ Hàn Mặc Tử, nhân vật Hồn xuất hiện một cách khá sắc nét:

Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến:
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đâu vì rùng rợn đến vô biên...

... Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng nghả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc
Cả thiên đường, trần gian và địa ngục...
(Hồn là aỉ)

Thấy mọi người kinh ngạc với thơ mình, Hàn Mặc tử bèn giải thích rằng đó chính là loại thơ... Điên!

Thực chất cái Điên đó là gì...

Là cuộc giao thoa kỳ diệu của cõi người với cõi trời, là sự khám phá tới tận cùng của tâm linh con người, là ngân thơ đạt tới trình độ lãng mạn tột đích.

Tuy nhiên Hàn Mặc Tử vẫn hoàn toàn là con người của chủ nghĩa nhân bản. Không bao giờ ông muốn rời bỏ cuộc đời này để đi tìm những cái hư ảo, những hình tượng siêu nhiên nhạt thếch. Khối tinh thần cực kỳ sáng láng của nhà thơ chỉ giúp ông nhìn nhận cuộc sông trần gian một cách thấu triệt, để rồi tận hưởng những vẻ tuyệt vời của nó.

Càng bị bệnh tật hành hạ khốc liệt, quyền sống làm người càng bị bóp nghẹt, Hàn Mặc Tử càng yêu điên cuồng thế giới này. L. Tonstoi từng nói: "Khó khăn hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình".

Hàn Mặc Tử đã ngắm nhìn và cảm thụ thiên nhiên và quê hương đất nước trong vẻ diễm lệ nhất của nó:

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu...
(Đà lạt trăng mờ)

Với tình yêu, dường như Hàn Mặc Tử đã dành cả trái tim cháy bỏng cho nó. Ông cũng là "nhà thơ của tình yêu" không kém gì Xuân Diệu hay Nguyễn Bính. Hình ảnh những người con gái yêu đương trong thơ ông thật tuyệt vời.

Từ lúc em bỏ trái đào
Tới chừng cặp má đỏ au au
Tôi đều nhận thấy trong con mắt
Một vẻ ngay thơ và ước ao...
(Gái quê)

Tôi cũng trông thấy người tôi yêu
Ngồi cạnh suối trong cởi yếm đào
Len lén đưa tay vốc nước rửa
Trong khi cành trúc động và xao...
(Tôi không muốn gặp)

Ngoài tình yêu nồng say với cuộc sống, thơ Hàn Mặc Tử còn là bức thông điệp bi thiết nhất gửi cho đồng loại, phi lộ nỗi đau nhân thế của nhà thơ và nỗi đau khổ của một con người phải hứng chịu cái nghịch cảnh "nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ" (một mảnh tài tình vẫn là cái luỵ muôn đời). Từ nỗi bất hạnh tột độ ấy đã ứa ra những câu thơ ròng ròng máu chảy, thê thiết đau buồn:

Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió - trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.
(Trút linh hồn)

Hàn Mặc Tử cảm thấy ghê sợ nỗi cô đơn của một con người bị tách khỏi đồng loại:

Chao ơi! Ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời!

Trong cảnh cô đơn tuyệt vọng ấy, nhà thơ khao khát đón nhận những tín hiệu yêu thương cứu giúp của mọi người:

Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai...

Hoặc:

Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy ngàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương lòng.
(Duyên kỳ ngộ)

Hoặc:

Còn em, sao chẳng hay gì cả...
Xin để tang anh đến vạn ngày!
(Trút linh hồn)

Trong nền thơ ca Việt Nam cổ kim, thơ Hàn là khúc bi ca, là bản tường trình đầy đủ, sâu sắc, khúc chiết và da diết vào bậc nhất về số phận của con người. Đó chính là thứ thơ huyết lệ được diễn đạt bởi một nghệ thuật cao vời, kỳ tuyệt. Chính vì thế thơ Hàn Mặc Tử đã thấm sâu vào não tuỷ của chúng ta, mãi còn lay động tâm hồn chúng ta. Thơ Hàn Mặc Tử là thứ thơ mẫu mực khó bắt chước, đáng để cho các nhà thơ đời sau ngưỡng mộ và học tập.

Về nghệ thuật, thơ Hàn Mặc Tử là ngôi sao sáng chói trên nền trời của thơ ca Việt Nam. Rất ít nhà thơ viết được những câu thơ kinh nhân (Làm kinh hoàng người ta - Đỗ Phủ) như ông.

Sau khi nhanh chóng rời bỏ trường phái thơ cổ điển, Hàn Mặc Tử dồn tất cả tinh lực cho Thơ Mới, và chỉ vẻn vẹn trong khoảng ba năm trời, ông đã đạt tới cực đỉnh của thơ mới. Một nghệ thuật đặc sắc - nghệ thuật thơ 'Điên" - đã ra đời để chuyển tải cái nội dung sâu sắc, gay gắt mà phức tạp mà Hàn Mặc tử muốn thét lên trong những phút "nhập Thần", trong những cơn yêu đương, đau đớn, oán hận điên cuồng. Đó chính là những câu thơ "thần bút" mà một người thường không bao giờ viết nổi.

Hàn Mặc Tử đã khai thác tất cả những tinh hoa của tiếng Việt vốn giàu ý tứ, giầu sắc thái và nhạc tính, đặt những từ thuần Việt ấy đúng chỗ và thổi sinh khí cho chúng, tạo nên những câu thơ kì lạ và tuyệt diệu, làm chấn động tâm trí người đọc:

Trăng nằm sóng soài trên cành liễu

Tôi toan hớp cả ráng trời
Tôi toan đớp cả tiếng cười trong khe.

Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi.

Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta
Ta cắm thuyền chính giữ vũng hồn ta!

Những câu thơ như vậy của Hàn Mặc Tử đã để lại những vết cháy bỏng, những vầng sáng vĩnh viến trong tâm trí chúng ta.

Bằng tài năng xuất chúng, dưới áp lực của định mệnh cực kì nghiệt ngã, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một di sản quí báu với nhiều bài thơ " thần bút". Nhà thơ cho chúng ta thấy tầm vóc siêu việt biết bao mà con người có thể và cần phải đạt tới. Đồng thời cuộc đời và thơ Hàn Mặc tử gợi mở về một lối sống không phải chỉ có phần "xác" mà còn có phần " hồn" ngàn lần kì diệu hơn.

Mời các bạn nghe đọc thơ của Hàn Mạc Tử qua giọng đọc của Hướng Dương .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét