Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Những vị anh hùng trong nghiên cứu y khoa

Tạp chí Khoa Học và Đời sống tuần này xin được dành để vinh danh 3 trong số nhiều nhân vật được coi như những vị anh hùng trong các cuộc nghiên cứu y khoa. Nhờ sự hy sinh của họ, sẵn sàng đánh đổi mạng sống của chính mình để tìm câu giải đáp cho các cuộc nghiên cứu y khoa, mà chúng ta ngày nay mới được bảo vệ chống một số bệnh tật nhờ những tiến bộ bắt nguồn từ sự hy sinh và công lao của các nhà nghiên cứu này. Mời quý vị theo dõi chi tiết trong bài viết dựa trên tạp chí Tin Khoa Học do thông tín viên Nancy Steinback và George Grow của Đài VOA biên soạn.


Jesse William Lazear

Mời nghe đọc bài viết trên đài VOA.



Vào đầu thế kỷ 20, quân đội Hoa Kỳ thành lập Ủy ban Bài trừ Bệnh Sốt Vàng Da, tạo điều kiện cho các chuyên gia nghiên cứu bệnh sốt gây vàng da hầu tìm một phương cách để có thể ngăn chận chứng bệnh này. Một toán nghiên cứu đã sang Cuba để thử nghiệm giả thuyết cho rằng muỗi là côn trùng làm lây lan chứng sốt vàng da. Toán này do ông Walter Reed lãnh đạo. Ông Walter Reed là một nhà khoa học và là một bác sĩ phục vụ cho lực lượng quân đội Mỹ. Bác sĩ Reed có nhiều thành tích đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm.

Hồi tháng 8 năm 1900, tại Cuba, các nhà nghiên cứu bắt đầu nuôi muỗi rồi tiêm vi khuẩn bệnh sốt vàng da cho chúng. 9 người Mỹ tình nguyện làm nạn nhân để muỗi đã nhiễm vi khuẩn sốt vàng chích. Kết quả là không có ai phát bệnh. Sau đó, có thêm 2 người đàn ông khác tình nguyện để cho muỗi cắn. Cả hai đều phát triển bệnh sốt vàng da.

Một bác sĩ tên Jesse William Lazear lưu ý đến một chi tiết mà ít người chú ý, đó là những con muỗi đã chích hai người đàn ông ấy già hơn so với những con muỗi thí nghiệm trước đó, và ông chứng minh rằng các con muỗi ấy quả thực có mang mầm bệnh sốt vàng da.

Cá nhân bác sĩ Lazear cũng bị muỗi cắn. Ông loan báo đây chỉ là một tai nạn xảy ra trong khi ông đang điều trị cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, một số người hiểu chuyện nói rằng chính bác sĩ Lazear đã đặt con muỗi lên cánh tay của mình để làm một cuộc thí nghiệm. Một số sử gia y khoa giải thích rằng bác sĩ Lazear tuyên bố đây là một tai nạn vì không muốn gia đình ông gặp rắc rối sau này khi đòi bồi thường theo chính sách bảo hiểm nhân mạng của ông.

Bác sĩ Lazear quả nhiên chết vì bệnh sốt vàng. Cái chết của ông đã gây chấn động trong toán nghiên cứu ở Cuba, tuy nhiên cuộc nghiên cứu vẫn được tiếp tục.

Thêm nhiều người khác nữa đã tình nguyện để cho muỗi cắn. Một số người thì được tiêm máu của các bệnh nhân đã mắc bệnh. Tất cả những người tham gia cuộc thí nghiệm đều phát triển bệnh sốt vàng da, tuy nhiên tất cả đều hoàn toàn bình phục sau đó.

Các thành viên trong toán nghiên cứu vinh danh công lao của bác sĩ Lazear. Họ mô tả đây là một sự hy sinh cho nghiên cứu đã dẫn đường đưa đến một trong những khám phá y khoa lớn nhất thế kỷ.

Cuộc nghiên cứu ấy đã tìm được câu giải đáp về phương thức lây lan của bệnh sốt vàng. Câu hỏi kế tiếp là làm thế nào bảo vệ con người chống chứng bệnh này. Các nhà nghiên cứu đưa ra một giả thuyết. Họ tin rằng những người bị muỗi mang mầm bệnh chích, rồi sau đó hồi phục sức khỏe, sẽ không bao giờ nhiễm căn bệnh này nữa.


Clara Maass

Để chứng minh giả thuyết đó, toán nghiên cứu ở Cuba treo giải thưởng 100.000 đôla cho bất cứ ai chấp nhận để muỗi nhiễm vi khuẩn sốt vàng da chích. 19 người đã đáp ứng lời kêu gọi này. Người Mỹ duy nhất trong nhóm là bà Clara Maass, một nữ điều dưỡng viên làm việc với các bệnh nhân bệnh sốt vàng ở Cuba. Từ tháng 3 cho đến tháng 8 năm 1901, bà Clara Maass bị muỗi chích tất cả 7 lần.

Trong tất cả 19 đối tượng, chỉ có một người duy nhất phát triển bệnh sốt vàng da. Đó lại là nữ điều dưỡng Clara Maass. Bà qua đời 6 ngày sau khi bị muỗi cắn lần thứ 7.

Cuộc thí nghiệm cho thấy là để muỗi bị nhiễm bệnh cắn không phải là một phương cách an toàn để bảo vệ một người chống bệnh sốt vàng da. Các sử gia y khoa nói cái chết của bà Clara Maass đã khơi dậy một làn sóng phản đối trong công chúng chống việc sử dụng con người làm vật thí nghiệm cho cuộc nghiên cứu về bệnh sốt vàng da. Các cuộc thí nghiệm ấy chấm dứt từ đó.

Cả Cuba lẫn Hoa Kỳ đều vinh danh sự hy sinh của bà Clara Maass bằng cách phát hành những con tem mang hình ảnh của bà. Ngày nay, một bệnh viện tại tiểu bang nhà của bà, New Jersey, được đặt tên là Trung tâm Y Tế Clara Maas.

Quay sang Việt Nam, hồi tháng Hai năm 2003, bệnh viện Việt-Pháp tại Hà Nội yêu cầu một bác sĩ người Ý tên Carlo Urbani tiếp tay trong việc xác định một trường hợp nhiễm trùng bất thường. Bác sĩ Carlo Urbani là một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm. Lúc ấy ông đang làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), văn phòng đặt tại Việt Nam.

Tại Bệnh viện Việt-Pháp, Bác sĩ Urbani lập tức xác định đây là một mối đe dọa mới cho y khoa. Ông bảo đảm rằng tất cả các bệnh viện khác phải tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.

Ngày 11 tháng Ba năm đó, bác sĩ Urbani phát ra các triệu chứng của hội chứng hô hấp cấp tính. 4 ngày sau đó, WHO tuyên bố hội chứng hô hấp cấp tính là một mối đe dọa y tế toàn cầu.

Bác sĩ Carlo Urbani là bác sĩ đầu tiên đã lên tiếng cảnh giác thế giới về chứng bệnh sau này được biết đến dưới tên Hội chứng SARS. Ông qua đời ngày 29 tháng Ba, năm 2003, hưởng dương 46 tuổi.

Theo VOA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét