Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Vũ Trọng Phụng và kiệt tác Số đỏ



Trước khi nghe đọc tác phẩm “Số đỏ” , mời các bạn theo dõi phần bình luận của Thụy Khuê viết về “ Vũ Trọng Phụng và kiệt tác Số đỏ” như sau :

Nghe Thụy Khuê bình luận



Ảnh hưởng Vũ Trọng Phụng trong đời sống

Nếu ở ngoài Bắc, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng bị phong toả trong khoảng trên dưới bốn mươi năm, từ 1945 đến thời kỳ đổi mới, ảnh hưởng ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng không đến được với đông đảo quần chúng, thì ở trong Nam, từ 1954 đến 1975, ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng đã đi sâu vào đại chúng, đã làm nền cho những cách viết phóng sự, mà Vũ Bằng lớp trước, rồi Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Chu Tử... lớp sau, đều là những môn đệ của Vũ Trọng Phụng.

Để đo lường ảnh hưởng ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng trong đời sống hàng ngày, chỉ cần xét hai chữ Giông tố, viết đúng ngữ vựng phải là Dông tố. Nhưng Vũ Trọng Phụng (cũng như nhiều nhà văn Bắc) thường lầm gi với d, như trường hợp Thạch Lam với Theo giòng (chính ra là Theo dòng), hoặc Nhất Linh với Giòng sông Thanh Thủy (thực ra là Dòng sông Thanh Thủy).

Trong trường hợp Thạch Lam và Nhất Linh, vì tôn trọng uy tín của nhà văn, hoặc vì nhà xuất bản Đời nay, do Tự Lực văn đoàn điều hành, cho nên khi in lại, đã không thay đổi cách viết. Nhưng sự viết sai của Thạch Lam và Nhất Linh không có ảnh hưởng đến đại chúng như từ Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Giông tố trong cách viết sai của Vũ Trọng Phụng, đã trở thành "viết đúng" và hầu như mọi người (trừ một vài học giả), đều viết Giông tố như Vũ Trọng Phụng đã viết. Và đó chính là cái cân đo lường trọng lượng ngôn ngữ của một nhà văn trong lòng dân tộc.

Tình trạng lai căng Ngoài Giông tố, còn hai cụm từ khác của Vũ Trọng Phụng, đã trở thành thành ngữ, như Em chã! Em chã! và Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!

Đó là những chữ khởi đi từ tác phẩm Số đỏ, để trở thành những thành ngữ bình dân nhất, mà người Việt dù có đọc Vũ Trọng Phụng hay không, không ai là không biết, không ai không nghe nói, hoặc không dùng đến một lần trong đời sống hàng ngày.

Đây là hiện tượng hiếm có trong lịch sử ngôn ngữ: Nhà văn tạo ra một chữ hay một câu, rồi câu hay chữ đó được toàn thể dân tộc sử dụng như một danh từ chung hay một thành ngữ. Đó cũng là trường hợp của Tú Bà, Sở Khanh, những tên riêng trong truyện Kiều, nhờ ngòi bút Nguyễn Du, biến thành danh từ chung tú bà, sở khanh trong tiếng Việt.

Nguyễn Du đã bất tử hoá và phổ quát hoá hình ảnh Tú Bà thành hình ảnh các mụ tú bà trên đời, qua hai câu thơ:

Thoắt trông nhờn nhợt màu da.
Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao

Và Nguyễn Du cũng đã khắc họa hình ảnh các gã sở khanh muôn thủa qua câu:

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Vũ Trọng Phụng không dùng phương pháp của Nguyễn Du, nghiã là ông không bất tử hoá một chân dung nhân vật, mà ông bất tử hoá và phổ quát hoá một thái độ con người, qua sự sáng tạo ngôn ngữ: đó là trường hợp những cụm từ Em chã! Em chã!Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi! trở thành những cụm từ hóm hỉnh, sâu sắc, đầy ẩn nghĩa, có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh, và chúng đã trở nên những thành ngữ trong tiếng Việt.

Em chã! em chã! thoát thai từ em chả! em chả! và "em chả em chả", là sự rút ngắn của "em chả (...) đâu!" với ngụ ý: "Em chả thèm đâu! Em chả chơi đâu! Em chả ăn đâu!"... một câu nói diễn tả thái độ ngúng nguẩy, nửa nạc nửa mỡ, của một cô con gái dậy thì, nũng nịu, được chiều, hư, vòi, ỡm ờ, nói vậy mà không phải vậy.

Nhưng dấu hỏi ở em chả được Vũ Trọng Phụng biến thành dấu ngã trong em chã, không phải vì họ Vũ viết sai (ông là người Bắc không thể nhầm hỏi với ngã như người Trung và Nam) mà do ông cố ý viết em chả thành em chã.

Sự viết sái cố ý này có nghiã gì?

- Nó đồng nghiã và củng cố tình trạng lai căng trong toàn bộ tác phẩm Số đỏ: con người lai căng, ăn nói lai căng, cư xử lai căng, cái gì cũng sái đi một chút. Lai căng là tình trạng học đòi bắt chước không đúng kiểu, làm sái đi. Hành động lai căng trong một xã hội lai căng, nửa mùa, không cái gì ra cái gì cả. Vũ Trọng Phụng đã vẽ nên một xã hội lai căng em chã em chã! trong tiểu thuyết Số đỏ, trên nguồn cội chữ nghiã.

Những chữ em chã em chã này được Vũ Trọng Phụng đưa vào miệng cậu Phước, con trai của bà Phó Đoan, một bà me Tây nạ dòng có hình dáng tú bà. Như thế, họ Vũ không chỉ dừng lại ở địa hạt ngôn ngữ, mà còn đi sâu vào thực thể con người.

Cậu Phước là một hiện tượng lai căng thánh thể, tức là con của người (bà Phó Đoan) và thánh (tuy chuyện cầu tự chỉ là chuyện tầm phào, bà Phó có đi cầu nhưng không thấy thánh giáng lâm), đẻ ra Cậu với những lời thánh "em chã em chã". Vậy Cậu là một thực thể nửa người nửa thánh, Cậu là hiện tượng đồng cô bóng cậu, hiện tượng lai căng bình dân nhất và có hồn dân tộc nhất mà Vũ Trọng Phụng đã tạo ra, qua những chữ em chã em chã!

Người Việt, qua hình tượng bình dân này, đã nhận ngay ra mình, đã nhìn thấy phần cá tính thích sự lai căng của dân tộc mình, vì thế mà ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng đã có khả năng chiếm độc quyền thị trường chữ nghiã, bởi họ Vũ đã nói lên được một phần dân tộc tính của người mình qua ngôn ngữ. Chân dung người mẹ của Cậu: bà Phó Đoan cựu me Tây giàu có, xác định thêm một lần nữa tích chất lai căng này: "với con chó Tây trong cánh tay, với hai con mắt mơ màng nhìn lên chiếc quạt, bà Phó Đoan có vẻ là linh hồn nước Việt Nam trên đường tiến hoá và giải phóng" (trang 320).

Số đỏ, châm biếm các hình thức cầu tự nửa thánh nửa người, không những đã nhái lại tất cả những sự thánh hoá con người mà còn trình bầy con người bị thánh hoá như một sản phẩm lai căng từ tinh thần đến thể xác.

Tính chất lai căng đi từ "nội dung" con người, phát ra đến ngôn ngữ, văn hoá, văn minh. "Nội dung" ấy thể hiện trên nhân vật chính, qua sự lai căng gốc rễ từ chân tơ kẽ tóc: Xuân tóc đỏ.

Xuân tóc đỏ, một hình thức lai căng điển hình: Bởi người Việt nói riêng hoặc người da vàng nói chung, xưa nay tóc không đỏ. Xuân giải thích về mái tóc đỏ của mình: "Mẹ kiếp! Chứ xưa nay có mua mũ bao giờ mà tóc chả đỏ!" (Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, trang 266).

Một thứ giải thích tầm phào, lấy lệ. Thật ra Xuân chính là hiện tượng lai căng lộ liễu nhất và sớm nhất, ngay từ năm 1936, Vũ Trọng Phụng đã nhìn thấy, đã mô tả, khi hiện tượng này chưa xuất hiện ở Việt nam. Đến ngày nay, hiện tượng tóc đỏ trở thành phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Tóm lại những hiện tượng lai căng mà Vũ Trọng Phụng mô tả trong Số đỏ, hơn 70 năm trước, đã đạt tới trình độ phổ quát, toàn diện, qua các mái đầu tóc đỏ, các đôi mắt xanh, của tuổi trẻ Đại Hàn, Nhật Bổn, của các siêu sao như Michael Jackson không những đã kéo tóc cho thẳng, mà còn đổi cả màu da, sắc mặt, như thay quần đổi áo.

Năm 1936, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng nên Xuân Tóc Đỏ như một hiện tượng Âu hoá đầu tiên, mà người Á Châu tìm đến, như một sự lột xác, như một sự xoá bỏ căn cước, xoá bỏ bản thể của chính mình. Hiện nay, hiện tượng Âu hoá này, đã được toàn cầu hoá. Sự lai căng trở thành một tiến trình văn minh toàn cầu, ở chừng mức vĩ mô, tạo ra những nghịch cảnh không sao tẩy xóa được.

Số đỏ nhại ai?

Số đỏ được xây dựng theo thể chương hồi, mỗi chương vừa như một sketch (kịch ngắn) độc lập, lại vừa như một giai đoạn phiêu lưu. Chẳng biết Vũ Trọng Phụng có đọc Rabelais hay không, nhưng cách hài hước phóng đại của ông đi từ ngôn ngữ để xây dựng nhân vật, có gì rất gần với Rabelais.

Số đỏ ban đầu đã được viết ra để nhại những chương trình Âu hoá xã hội của Tự Lực văn đoàn, thành phần văn học độc chiếm văn đàn trên nhiều lãnh vực văn hóa xã hội, và cũng là đối thủ quyết liệt nhất của Vũ Trọng Phụng trên "mặt trận tư tưởng".

Những mẫu hình họ Vũ đưa ra để chế giễu, hầu hết nằm trong chương trình Âu hoá, cải cách xã hội của Tự Lực văn đoàn với các khẩu hiệu: Âu hoá, theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự, làm việc xã hội, theo chủ nghiã bình dân, vận động thể thao, luyện tập thân thể cường tráng, làm nhà ánh sáng, giải phóng phụ nữ, thiết kế y phục tân thời: kiểu áo Le mur Cát Tường v.v..

Tất cả những khẩu hiệu canh tân, cải cách của nhóm Tự Lực đều được Vũ Trọng Phụng nhái lại, đưa vào Số đỏ, thổi phồng và hài hước hoá, thành những hình thức lai căng nực cười, như vậy làm sao Nhất Linh không nổi giận viết bài (ký tên Nhất Chi Mai) kết án Vũ Trọng Phụng thậm tệ trên báo Ngày Nay, số 15, ra ngày 21/3/1937.

Những kiệt tác thường khởi đi từ những lý do rất tầm thường như thế. Số đỏ không phải là tác phẩm chống thực dân Pháp như nhiều người lầm tưởng. Bởi Vũ Trọng Phụng khi viết các tác phẩm Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, năm 1936, ông đang đặt rất nhiều tin tưởng vào chính phủ Mặt trận bình dân ở Pháp.

Mặt trận bình dân

Mặt trận bình dân (Front Populaire) ra đời ngày 14/7/1935, là liên minh kết hợp những đảng phái cánh tả [Đảng Cộng sản với Thorez, đảng xã hội SFIO với Léon Blum, đảng Liên minh cộng hoà xã hội (Union socialiste républicaine) với Ramadier và đảng Cấp tiến (Radical) với Daladier]. Liên minh này khởi sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1929, và ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Pháp (cuối 1930 sang năm 1931) đã làm thay đổi cục diện chính trị Âu châu, phát sinh ra khuynh hướng phát- xít ở Ý, Na-zi ở Đức và cực hữu ở Pháp.

Mặt trận bình dân đắc cử và lên cầm quyền tại Pháp từ tháng 6/1936 với Léon Blum, thuộc đảng Xã hội (đảng Cộng sản tuy ở trong mặt trận nhưng không có mặt trong chính phủ). Chính phủ Léon Blum (6/36-6/37) thực hiện nhiều định chế cải cách xã hội: tăng lương cho nhân công, quy định một tuần làm việc 40 giờ và hàng năm người làm công được nghỉ hè có lương, tổ chức lại ngân hàng, quốc hữu hoá đường xe lửa, thúc đẩy sinh hoạt thể thao văn hoá... Gặp sự chống đối từ nhiều phía, Léon Blum từ chức, Chautemps lên thay (6/37 - 3/38), tiếp tục cải cách nhưng đi chậm hơn, Léon Blum trở lại cầm quyền trong một tháng (3-4/38) Khi Daladier lên thay, Mặt trận bình dân coi như chấm dứt nhiệm vụ cầm quyền.

Dù chỉ nắm chính quyền trong thời gian hai năm, nhưng Mặt trận bình dân đã để lại những định chế cải cách xã hội lâu dài. Chính quyền Léon Blum, với bộ trưởng thuộc địa Marius Moutet, đưa ra những bộ luật mới về thuộc điạ, luật lao động, luật báo chí được mở rộng tự do, quyền đình công bãi thị, ân xá chính trị phạm... tạo những hy vọng tự do và công bằng pháp lý cho người dân thuộc điạ.

Những nhà văn, nhà báo thời đó, từ Hoàng Đạo đến Vũ Trọng Phụng, đều nhìn thấy ở Chính phủ bình dân một hy vọng lớn trong chính sách cải cách thuộc địa của người Pháp.

Phần lớn các tác phẩm quan trọng của Vũ Trọng Phụng đều viết và in trong thời gian Mặt trận bình dân lên cầm quyền và đo đó, thái dộ của ông đối với chính phủ bình dân nói riêng là một thái độ ôn hoà cộng tác hơn là chống đối. Vì vậy khi nhấn mạnh về sự chống đối thực dân trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng là một xác định đi ra ngoài thực tế văn bản của Vũ Trọng Phụng.

Tính chất lưu manh

Hầu hết những người viết về Số đỏ, đều coi Xuân Tóc Đỏ, như một tay lưu manh, chó nhẩy bàn độc, bất lương, là con đẻ của chế độ thuộc địa, v.v...

Rất lầm. Không phải thế. Xuân Tóc Đỏ, xuất thân là một đứa bé lang thang, ma cà bông, cò bơ cò bất, bán thuốc ho bà lang trọc, nhặt ban trên sân quần vợt, thật đấy, nhưng nó không hề làm nên một tội ác nào có thể so sánh với tội ác của đại gia đình quyền quý của cụ Cố Hồng, tổ chức giết bố (cụ Tổ) để chiếm lĩnh gia tài. Xuân Tóc Đỏ bước lên nấc thang danh vọng, không phải vì nó biết lừa lọc, man trá, mà chính vì cả cái gia đình quý phái ấy đã lợi dụng nó để làm những chuyện bất chính. "Ấy thế là Xuân Tóc Đỏ bắt đầu dự vào cuộc cải cách xã hội" (trang 303).

Trước tiên ông Văn Minh, con trai cụ cố Hồng, muốn làm giàu, vì biết nó mồm mép giỏi giao cho nó trách nhiệm làm văng-đơ, bán quần áo, trong collection mode của họ.

"Đây...Đây... Tiệm may chúng tôi có rất nhiều kiểu, toàn do những sinh viên mỹ thuật có danh tiếng chế tạo ra cả. Đây, bà cứ xem những biển đề ở tượng, là rõ nghiã lý của từng bộ y phục một. Đây là bộ Lời hứa, nghiã là để cho thiếu nữ nào mặc bộ ấy có thể như hứa với bạn lòng một cuộc hẹn hò vậy. Đây là bộ Chiếm lòng. Mặc bộ ấy thì ta đã nắm vận mệnh bọn nam nhi trong tay ta. Đây là bộ Ngây thơ, đây là bộ Dậy thì, toàn cho con gái mới nhớn. Từ đây vào là của các bà thiếu phụ, các bậc nội tướng rồi... Thưa bà, đây là bộ Nữ quyền, của người đàn bà lúc nào cũng được chồng khiếp sợ. Còn đây là bộ Kiên trinh, cho những bà quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, và đây là bộ Lưỡng lự, cho những đàn bà góa chồng, mà không biết là nên thủ tiết hay là thôi." (trang 298-299)

Và Xuân bắt đầu lẩm nhẩm học thuộc lòng cả bài, để nói với khách. Nhưng trong lòng nó không mấy phục:

"Mẹ kiếp! Quần với chả áo! - Cái này là cái gì? À Lời hứa!... Thắt đáy, nở ngực, nở đít... phải phải! Thắt đáy nở ngực, nở đít là Lời hứa! Hở ngực, hở tay, hở đùi là Chinh phục! Hở ngực, hở đùi là Chinh phục! Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! (trang 307).

Quang cảnh này có thể xẩy ra trong bất cứ hậu trường nhà thiết kế mốt nào, ngày hôm nay.

Thấy nó được việc, gia đình Văn Minh muốn nhờ tay Xuân giết cụ Cố, vì biết nó mù tịt về y học, nên đã tâng nó lên hàng bác sĩ, đúng ý cụ cố Hồng đang muốn tìm một tay bác sĩ lang băm để giết ông bố già cứ sống dai mãi, mà không chịu chết:

" Cụ Hồng gạt phắt đi mà rằng:
- Ta chỉ cần một ông thầy thuốc làm bộ, hay cho đơn thuốc mạnh, hoặc là hay khệnh khạng, là đủ giết nổi cụ via nhà ta rồi" (trang 325).

Tuy Xuân chưa giết xong cụ Tổ, nhưng cả nhà đã khấp khởi lo chuyện ma chay trước:

" Cụ Hồng lại nhăn mặt lần thứ mười mà khẽ gắt cũng lần thứ mười rằng:
Biết rồi! Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Đã hiểu cái tính ấy, cụ bà cứ thản nhiên nói tiếp:
-Ấy thế rồi, ta cứ lo toan trước việc ma chay đi mà thôi.
- Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
-Tôi thì tôi nên theo cả lối cổ và lối mới, nghiã là cứ minh tinh, nhà táng, kèn tàu, kiệu bát cống, và rõ nhiều câu đối. Nếu chúng nó muốn thì chúng nó cứ đi thuê kén bú rích Tây đi, càng hay. Nhưng mà không thể vì cái thích của chúng mà bỏ đi cái thích của tôi được.
-Biết rồi! Khổ lắm...nói mãi!
Đến đây thì cụ bà không nói gì nữa, ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, làm cho cụ ông phải hỏi ngay:
- Thế sao nữa, hở bà? (trang 328-329).

Nhưng Xuân Tóc Đỏ lại không giết, mà cứu cụ Tổ bằng thứ thuốc nước cống lang băm của nó. Xuân trở thành "ân nhân" bất đắc dĩ của gia đình cụ cố Hồng. Cô Tuyết mê nó.

Muốn em gái mình lấy người danh giá, nên ông Văn Minh đã "tạo điều kiện" cho Xuân thành quán quân quần vợt, rồi Xuân ra tay "cứu quốc", chẳng bao lâu nó trở thành "vĩ nhân"...

Lịch sử leo thang danh vọng của Xuân Tóc Đỏ chính là tiến trình leo thang của những nhân vật chóp bu, trong bất cứ xã hội kim tiền, tham nhũng nào. Những hình thái lai căng trong Số đỏ phản ảnh những hình thái đua đòi, chạy theo cái mới, tân tiến nửa mùa, xoá bỏ căn cước văn hoá của chính mình. Lai căng là hình thức sao chép, gán ép hai thực thể không cân xứng, không phù hợp, không nghệ thuật, vô văn hoá.

Toàn bộ tác phẩm toả ra một thứ ngôn ngữ lai căng nửa Pháp nửa Việt "Dè... đơ...dà ... múa". Một "sân quần" trong ngày khánh thành với những cái quần phất phới mà con ở của bà Phó Đoan đem phơi, vì nó tưởng đâu sân quần là sân... phơi quần. Một xã hội loạn xà ngầu như kèn Ta, kèn Tây bú-rích, kèn Tàu điệu Bát cống, đua nhau lên tiếng trong đám ma cụ Tổ. Những tập tục lai căng, những mốt lai căng, những cách sống lai căng, những cải tiến lai căng.

Cuộc phiêu lưu không tiền khoáng hậu của Xuân Tóc Đỏ, một tay ma cà bông, vô học, lên tới đỉnh cao của danh vọng, vô địch yêu nước, trở thành vĩ nhân, chẳng qua chỉ là cuộc phiêu lưu của sự bất tài, vô học, được bọn con buôn chính trị thượng lên chóp đỉnh, trong một xã hội kim tiền, tham nhũng, mà dân tộc ta đã trải nhiều kinh nghiệm nhãn tiền.

Sau đây , mời các bạn nghe đọc truyện “Số Đỏ

01. Phần 1: Số đào hoa của Xuân Tóc Đỏ. Minh + Văn = Văn minh. Lòng thương người của bà Phó Đoan - Vũ Trọng Phụng

02. Phần 2: Quan Phù và Thái Tuế. Than ôi dân ta! Văn minh, hại chưa! Cẩm và cẩm, cẩm phạt - Vũ Trọng Phụng

03. Phần 3: Con Giời, con Phật. Quỷ Cốc Tử phục sinh. Một cái nghi án - Vũ Trọng Phụng

04. Phần 4: Một khi hoạn thư đã nổi giận. Nghệ thuật vị nhân sinh. Những sự chế tạo của cuộc Âu hóa - Vũ Trọng Phụng

05. Phần 5: Bài học tiến bộ của Xuân Tóc Đỏ. Hai quan điểm về gia đình và xã hội. Vâng, tôi, tôi là người chồng mọc sừng! - Vũ Trọng Phụng

06. Phần 6: Lại chuyện sân quần. Trong một gia đình văn minh. Xuân Tóc Đỏ nhảy vào khoa học - Vũ Trọng Phụng

07. Phần 7: Cái chúc thư của người còn sống. Cuộc khẩu chiến của mấy nhà khoa học. Ái tình mày còn đợi gì? - Vũ Trọng Phụng

08. Phần 8: Mấy nguyên nhân đắc thắng của bình dân trong xưởng Âu hóa. Một cuộc âm mưu về tài chính. Một cuộc âm mưu về tình - Vũ Trọng Phụng

09. Phần 9: Cảnh bồng lai trên cõi thế. Một triết lý của người đàn bà ngoại tình. Gương "bán sử nữ" - Vũ Trọng Phụng

10. Phần 10: Xuân Tóc Đỏ thi sĩ. Một cuộc tranh nhau mọc sừng. Tư tưởng bảo thủ của bà Phó Đoan - Vũ Trọng Phụng

11. Phần 11: Cuộc khánh thành sân quần. Xuân Tóc Đỏ diễn giả. Việc sửa soạn một cuộc hôn nhân - Vũ Trọng Phụng

12. Phần 12: Kim cổ kỳ...ngôn. "Bà chúa phải gai". Sự mỉa mai của số phận - Vũ Trọng Phụng

13. Phần 13: Một cuộc điều tra bằng sinh lý học. Ngôn ngữ của một vị chân tu. Xuân Tóc Đỏ cải cách Phật giáo - Vũ Trọng Phụng

14. Phần 14: Ôi, nhân tình thế thái. Người bạn gái trung thành chết, Quan Đốc Xuân nổi giận - Vũ Trọng Phụng

15. Phần 15: Hạnh phúc của một tang gia. Văn minh nữa cũng nói vào. Một đám ma gương mẫu - Vũ Trọng Phụng

16. Phần 16: Vụ hiểu lầm sung sướng vinh quang! Xuân Tóc Đỏ chinh phục Cảnh sát giới - Vũ Trọng Phụng

17. Phần 17: Người vị hôn phu. Một vụ cưỡng bức. Cuộc điều tra của nhà chuyên trách - Vũ Trọng Phụng

18. Phần 18: Một vụ âm mưu. Xuân Tóc Đỏ dò xét Sở liêm phóng. Lời hứa của Đốc Tờ - Vũ Trọng Phụng

19. Phần 19: Ngự giá Bắc tuần và Đông tuần. Cái tội tung hô vạn tuế. Thuốc chữa lẳng lơ - Vũ Trọng Phụng

20. Phần 20: Xuân Tóc Đỏ cứu quốc. Xuân Tóc Đỏ vĩ nhân. Nổi buồn của ông bố vợ không bị đấm - Vũ Trọng Phụng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét