Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Dự án hòn đảo hình cây cọ The Palm Jumeirah ở Dubai

1/Hòn đảo nhân tạo hình cây cọ ở ngoài khơi Dubai_ một xứng tầm kiến trúc

Các du khách tỷ phú có thể tận hưởng sự xa xỉ khi qua đêm trên tầng cao nhất của khách sạn Atlantis với giá 13.000 USD một đêm. Mỗi căn hộ trong khách sạn Atlantis trên đảo cây cọ của Dubai có 3 phòng ngủ, 3 phòng tắm, bàn ăn 18 chỗ được dát vàng.

Khu nghỉ mới Atlantis với chi phí xây dựng lên tới 800 triệu bảng sắp được khai trương trên đảo nhân tạo hình cây cọ Palm Jumeirah của Dubai.

Bất chấp e ngại từ các nhà phân tích tài chính, Dubai vẫn cho rằng khu nghỉ với tổng diện tích 45 ha là đầu tư hợp lý phòng khi nguồn dầu mỏ cạn dần. "Bạn không thể chọn bừa nơi để tiến hành dự án trị giá 1,5 tỷ USD", Alan Leibman, Chủ tịch của Kerzner International, tập đoàn quản lý khách sạn Atlantis, cho biết.

Khu nghỉ này có một bể sinh vật cảnh ngoài trời với 65.000 con cá, cá đuối và các sinh vật biển cùng một bể cá heo với trên 20 chú cá heo mũi to (giống cá heo phổ biến nhất) tới từ vùng đảo Solomon.
Theo Daily Mail, kế hoạch phát triển các hòn đảo nhân tạo của Dubai thường vấp phải chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường. Họ cho rằng, việc xây dựng đảo nhân tạo sẽ làm hư hại các dải san hô và thay đổi dòng chảy.

Năm ngoái, các nhóm hoạt động môi trường và một số người dân của đảo Solomon đã phản đối quyết định bán cá heo.

Một số hình ảnh khách sạn Atlantis, ảnh trên Daily Mail, Telegraph:


Khách sạn Atlantis được xây dựng trên đảo nhân tạo ngoài khơi của Dubai.

Nằm trong phòng ngủ cũng có thể ngắm cá bơi lội.

Trong bể cá còn có cá đuối và nhiều sinh vật biển khác.

Tác phẩm của Dale Chihuly ngoài sảnh.

Hành lang trong khách sạn.

Nước chảy từ trên cao xuống trong phòng tắm.

Vừa tắm vừa ngắm cá lượn trong bể.


Trong khách sạn có khu công viên nước.

Những chú cá heo của đảo Solomon.

Hòn đảo hình cây cọ Palm Jumeirah.
Thế giới đang tiến xa bởi những điều kỳ diệu của khoa học công nghệ mới. Trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng nói riêng, sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ và thẩm mỹ đang tạo nên nhiều công trình nổi tiếng, thậm chí trở thành biểu tượng cho cả quốc gia. Xin giới thiệu cùng bạn đọc 2 công trình lớn thuộc thể loại khách sạn 7 sao tại Arập.

Khách sạn Atlantis The Palm



Có thể nói công trình là một địa điểm thần tiên trên hòn đảo nhân tạo hình cây cọ, Palm Jumeirah tại Arập với tổng số tiền đầu tư xây dựng lên tới 15 tỉ USD.

Ngay từ giây phút đầu tiên bước chân đến nơi đây, du khách sẽ hoàn toàn bị thu hút bởi sự năng động, tổng hợp, hiện đại và đầy màu sắc. Khách sạn giống như một hệ thống resort xa hoa nhất, cung cấp đầy đủ các tiện ích vui chơi cho du khách được trải rộng trên 113 mẫu, có thể đáp ứng một lượng du khách khổng lồ với 1.539 phòng.
Atlantis nhấn mạnh đến đặc trưng biển tại khu vực này với những thiết kế độc nhất vô nhị như bể cá nhân tạo lớn nhất thế giới hiện nay với 650.000 cá các loại. Du khách cũng có thể vui chơi tại công viên nước cực lớn hay bơi cùng những chú cá heo trong hồ nuôi cá heo nhân tạo được thiết kế kèm theo.



Tất cả các phòng từ phòng đơn cho đến phòng suites đều mang phong cách Arập kết hợp với hơi hướng từ biển. Mỗi một căn phòng đều được thiêt kế để có tầm nhìn rộng bao quát cả vịnh Arập Còn nếu du khách chọn lựa ỎThe Lost Chambers SuitesỎ thì bạn sẽ được nhìn trực tiếp vào khu vịnh, bởi những căn phòng này được thiết kế nằm dưới nước. Những cửa sổ kính trong suốt từ trần đến đỉnh phòng sẽ mang đến tầm nhìn 360 độ về cuộc sống biển cả cũng như vịnh san hô nơi đây.

Atlantis nhấn mạnh đến đối tượng khách du lich gia đình hoặc theo đoàn, bởi vậy hệ thống vui chơi dành cho trẻ em và thanh thiếu niên tại đây vô cùng phong phú, với hàng loạt những CLB và khu vui chơi được phân cấp theo độ tuổi như CLB trẻ nhỏ Atlantis, CLB Rush, The Zone, Công viên nước cho trẻ em dưới 12 tuổi, khu vực vui chơi không gian, khu Kỹ thuật cao, khu Chơi - Nghệ thuật - Cắt dán, phòng máy tính, các CLB chơi đêm cho thanh niên 13 - 17 tuổi...






Khách sạn Burj Al Arab

Đây là khách sạn đắt nhất trên thế giới, từng là khách sạn cao nhất. Vì những thiết bị và hệ thống phục vụ trong khách sạn quá cao cấp, vượt xa khỏi tầm tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, nên chỉ có thể liệt khách sạn này vào mức 7 sao.



Burj Al Arab được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo cách bờ 280m, kết hợp hình thái kiến trúc và những kỹ thuật công trình tiên tiến nhất. Thời gian thi công khoảng 5 năm, trong đó có 2 năm rưỡi dùng để lấp biển tạo đảo nhân tạo. Khách sạn dùng hết 9.000 tấn sắt, đóng 250 cây sâu xuống 40m dưới đáy biển. Khách sạn do kiến trúc sư W.S.Atkins thiết kế, ngoại hình giống như một cánh buồm căng đầy gió, tổng cộng gồm 56 tầng, cao 321m.



Burj Al Arab là điểm nhấn mới tại Dubai, là tượng trưng cho sự xa hoa của Arập. Mỗi một bước tiến vào khách sạn là một bước tìm hiểu và hưởng thụ mạnh hơn về sự xa hoa của đất nước này. Trong một căn phòng đều có ít nhất 17 chiếc điện thoại các loại, luôn dùng cùng lúc 8 chiếc xe Lexus để đón tiếp từ sân bay đến khách sạn. Bạn cũng có thể yêu cầu đón tiếp bằng trực thăng lên thẳng.




Nội thất bên trong của khách sạn càng có thể nói là xa hoa đến cực điểm, bất kỳ chỗ nào bạn nhìn thấy đều được dát vàng hoặc là vàng khối thật hoàn toàn, ngay như cái nắm cửa, ống dẫn nước, ống thoát nước nhà vệ sinh hay ngay đến một tờ giấy vệ sinh Mặc dù đều được làm từ vàng nhưng phong cách hoàn toàn không dung tục mà lại thoát lên gu thẩm mỹ quý tộc tuyệt vời của người thiết kế.



Mỗi một căn phòng đều được trang hoàng theo phong cách hoàng cung. Tất cả 202 căn phòng đều là những phòng riêng biệt, 2 tầng cao, phòng nhỏ nhất có diện tích 170m, căn phòng Hoàng gia lớn nhất có diện tích 780m. Ngay khi bước vào phòng, sẽ có ngay một người quản gia giải thích cách thức sử dụng những kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất nơi đây.



Căn phòng Hoàng gia cao cấp nhất với vị trí tại tầng 25, trang hoàng hoa lệ như hoàng cung, tất cả đồ dùng được dát vàng, có cầu thang máy riêng, phòng chiếu phim riêng, giường ngủ có thể quay 360 độ, phòng tiếp khách kiểu Arập. Những căn phòng riêng biệt chỉ phần đầu tiên khiến du khách choáng ngợp. Nhà hàng Al - Mahara là nhà hàng dưới biển đầu tiên trên thế giới, dùng máy lặn để đưa tiếp đồ ăn, hành khách thông qua những máy lặn chuyên biệt để khám phá thế giới muôn vàn màu sắc dưới lòng đại dương. Nhà hàng được bao bọc bởi hệ thống kính trong suốt, khiến cho cả thời gian dùng bữa trở thành một thời gian thưởng thức cảnh biển hùng vĩ.



Nơi dây cũng có một nhà hàng khác mà bạn chỉ cần 33 giây để đi cầu thang máy đến độ cao 200m cách mặt đất, có thể tiếp đón 140 khách, chỉ phục vụ đồ ăn Ðịa Trung Hải, tầm nhìn bao quát toàn bộ cảnh quan thành phố. Mỗi một cây xanh được trồng tại đây giá thấp nhất là 3.000USD.

2/ Clip: Xem quá trình xây dựng hòn đảo hình cây cọ The Palm Jumeirah ở Dubai



3/Dubai : Giấc mơ tan vỡ

Hòn đảo nhân tạo Palm Jumeirah, niềm tự hào và biểu tượng cho tham vọng của Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, nay trở thành dấu hiệu của sự suy tàn. Còn những khổ chủ đã lỡ mua nhà tại đây cũng đang khốn đốn và thất vọng.

Đặc phái viên của Libération tại Dubai trong một bài báo dài hai trang hôm nay đã tả lại thực trạng hòn đảo nhân tạo Palm Jumeirah, niềm tự hào và biểu tượng cho tham vọng của Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, nay trở thành dấu hiệu của sự suy tàn.

Mọi thứ đều "made in China"

Ông Nejib Zbiri là một trong những cư dân đầu tiên dọn đến Palm Jumeirah, một hòn đảo nhân tạo nằm trong dự án ba hòn đảo mang hình cây cọ trong vịnh Persique. Một vila hai tầng lát đá cẩm thạch, trên diện tích đất gần 700m2, có hồ bơi riêng dù biển chỉ cách có 20m ; với cái giá tương đương 500 ngàn euro, quá rẻ vào thời điểm năm 2003. Nhưng ngay hôm đầu tiên đã có những ngạc nhiên không thú vị chút nào. Khi bật đèn phòng ngủ, thì đèn toa-lét lại sáng. Tất cả trang thiết bị trong nhà đều là hàng Trung Quốc, từ hệ thống điện, nước cho đến gạch lát nền nhà. Hầu hết những người mua nhà đều phải cho làm lại hệ thống điện, và chưa đến hai năm sau đã phải thay toàn bộ gạch lát hồ bơi. Thậm chí ban-công của một nhà hàng xóm ông Zbiri đã bị sập sau các trận mưa lớn mùa đông năm ngoái. Khi khiếu nại, thì lại được chỉ sang công ty xây dựng, mà công ty này đã bị phá sản, nên chủ nhân ngôi nhà đành phải bỏ tiền túi ra sửa chữa. Các vila nằm sát cạnh nhau vì tất cả những khoảng xanh giữa các ngôi nhà như trên ma-két lúc đầu đều bị dẹp bỏ để tiết kiệm. Các trung tâm thương mại cũng không được xây dựng như đã hứa, nên phải lái xe đi xa đến bảy cây số để mua sắm.

Điều an ủi duy nhất của ông Zbiri, một kỹ sư tin học Pháp gốc Ả rập, là hàng xóm toàn những người có địa vị. Một ông giám đốc địa ốc người Ả rập Xê út, một nhà quản lý người Liban, một doanh nhân Đức…Các ngôi nhà có người ở chỉ chiếm tỉ lệ có 10%, cho dù giá nhà đã được hạ xuống để thu hút giới trung lưu. Còn khách sạn Atlantis 1.500 phòng trên hòn đảo cũng phải hạ giá để có khách. Vào thời điểm khai trương khách sạn này, cuối năm 2008, pháo bông đã được bắn lên bầu trời suốt hơn hai tiếng đồng hồ, tiêu tốn 20 triệu đô la.

Tham vọng và thực tế

Sau khi bán ra những giấc mơ, nay Dubai phải đối diện với thực tại gay go của dịch vụ hậu mãi. Còn chủ nhân của các ngôi biệt thự trên hòn đảo nhân tạo Palm Jumeirah ngoài việc phải trả tiền cho các dịch vụ vệ sinh, dọn rác, bảo vệ…còn phải trả các loại phí tương đương cho chính quyền địa phương để bảo trì đường phố, phí trả cho cảnh sát mà họ chẳng biết để làm gì. Không một công ty nào chịu nhận bảo hiểm cho các ngôi nhà trên đảo, ngoài ra cư dân còn bị cấm trồng cây để tiết kiệm nước. Tệ hơn nữa, một công trình nghiên cứu vào cuối năm ngoái cho biết hòn đảo nhân tạo này đang bị chìm xuống nửa centimet mỗi năm. Tập đoàn địa ốc Nakheel, chủ đầu tư đã cải chính tin trên. Nhưng chính Nakheel cũng đang bị lún sâu trong nợ nần và các vụ kiện tụng.

Tập đoàn này dự kiến xây thêm hai hòn đảo nhân tạo hình cây cọ có quy mô lớn hơn cả Palm Jumeirah, nhưng một dự án vẫn đang trong tình trạng xây dựng, còn dự án kia sẽ chẳng bao giờ thành sự thực. Dự án The World, một chuỗi các hòn đảo nhân tạo khác cũng đang bị ngưng trệ, các đảo này không được bảo trì nên đang xuống cấp. Còn các dự án đầy tham vọng khác như Dubailand, công viên giải trí dự kiến lớn gấp 6 lần Disneyworld ; và Waterfront, một phức hợp nhà ở và khu giải trí bên bờ biển lớn hơn cả Hongkong, với các tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới…Vào cao điểm của cơn sốt địa ốc, gần như mỗi tháng Nakheel lại đưa ra một siêu dự án. Bên cạnh đó còn có các tập đoàn khác nữa, nhưng giờ đây không ai biết các dự án này đã đi đến đâu, hay vẫn đang nằm trên giấy. Hồi đó, các khách du lịch đến Dubai thường được chào bán nhà đất với điều kiện dễ dàng, chỉ cần đặt cọc trước 5%; người mua được cấp visa cư trú thường xuyên. Một giấc mơ cho những người trung lưu ở Ấn Độ, Pakistan, Iran, muốn tìm một thiên đàng hạ giới trong trường hợp nước mình có lộn xộn.

Cho đến khi khủng hoảng nổ ra vào mùa thu năm 2008. Những người đã đặt cọc chỉ muốn lấy lại tiền chứ không cần được giảm giá. Nhưng tập đoàn Nakheel vốn quá lạc quan, đã cầm cố đất đai để vay những số tiền khổng lồ ngắn hạn, còn công ty xây dựng thay vì mua xi măng lại đi đầu cơ vào nguyên vật liệu…Nhìn chung, mọi người đều đang bị lún sâu vào một vũng lầy chưa có lối thoát, và giấc mơ đang tan vỡ…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét