Ở Việt Nam đã xuất hiện "thị trường kiểm toán" bởi hàng loạt các công ty kiểm toán độc lập ra đời. Hiện tại, có 148 công ty kiểm toán đã đăng ký hành nghề với Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam.
Theo đánh giá chung , "thị trường" kiểm toán đang có một cuộc cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí bôi xấu lẫn nhau giữa các công ty kiểm toán.
Nhiều công ty "khó bảo đảm chất lượng"
Theo Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), đến nay có 148 công ty đã đăng ký hành nghề, bao gồm 137 công ty TNHH, 5 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài là Ernts and Young, Price Waterhouse coopers, KPMG, G. T, Logos, 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài là E Jung, Mazars và 4 công ty hợp danh.
Ngoài ra, có 7 công ty chưa đăng ký hành nghề với VACPA, 3 công ty đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký. Trong năm 2009, cả nước chỉ có 33 công ty và 416 kiểm toán viên đủ điều kiện kiểm toán công ty niêm yết được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận (trong khi số lượng công ty niêm yết hoặc cổ phần đại chúng rất lớn).
Đến thời điểm này, ngành kiểm toán có khoảng 8.000 người làm việc, trong đó hơn 1.100 người có chứng chỉ kiểm toán viên, 111 người vừa có chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam vừa có chứng chỉ kiểm toán viên nước ngoài. VACPA đánh giá, các công ty kiểm toán không chỉ thiếu trầm trọng nhân lực mà còn khó có thể "bảo đảm chất lượng dịch vụ theo yêu cầu".
Thống kê từ 131 công ty kiểm toán (có báo cáo VACPA) cho thấy, số lượng khách hàng năm 2009 của toàn ngành là 25.875 khách hàng. Đối tượng rất đa dạng, từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến các công ty TNHH, cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã (HTX)... Doanh thu năm 2009 đạt 2.191 tỷ đồng, tăng 27,55% so với năm 2008. Trong đó, "gặt hái" từ dịch vụ kiểm toán chiếm tỷ trọng cao nhất - xấp xỉ 1.600 tỷ đồng (71%).
Áp lực đến từ đâu?
Hiện cả nước có khoảng 460 nghìn doanh nghiệp (thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch, công khai của các thông tin tài chính, tuy nhiên chất lượng dịch vụ kiểm toán có sự chênh lệch khá lớn giữa các công ty.
Một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm giữa các công ty hình thành. Nhiều công ty nhỏ, mới thành lập nên khá yếu, thậm chí chưa đủ kiểm toán viên. Nhiều công ty kiểm toán do đông khách hàng, bị "ép" tiến độ nên đã không bảo đảm chất lượng cho "đầu ra". Theo nhiều doanh nghiệp, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của nhiều kiểm toán viên cũng có vấn đề.
Có trường hợp kiểm toán viên... chưa nắm vững các quy định chuẩn mực chế độ kế toán hiện hành. Nhiều công ty, đặc biệt là số mới thành lập hoặc chỉ có 3 - 4 kiểm toán viên, thường quá chú trọng phát triển khách hàng mà không quan tâm chất lượng hồ sơ và báo cáo kiểm toán.
Để công ty kiểm toán có lãi, mỗi một kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề phải mang về nguồn thu khoảng 200 triệu đồng một năm. Doanh số khoán trên mỗi kiểm toán viên là áp lực lớn. Nếu như không "được nhờ" thương hiệu của công ty - khách hàng tự tìm về - thì nhiều nhân viên kiểm toán phải tận dụng mọi mối quan hệ để tìm khách hàng. Vì thế, không ít trường hợp công ty nọ nói xấu công ty kia, thậm chí "vác" cả thư nặc danh lên Bộ Tài chính, VACPA...
Dấu hỏi quanh các "ông lớn"
Không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, các công ty kiểm toán trong nước còn phải chịu "sức ép" rất lớn từ nhóm "đại gia". Chẳng hạn, năm 2009 chỉ các công ty Deloitte Việt Nam, Ernst & Young Việt Nam, Price Waterhouse Coopers, KPMG Việt Nam đã có doanh thu khoảng 1.196 tỷ đồng, chiếm 55% tổng doanh thu toàn ngành, với xấp xỉ 4.800 khách hàng.
Nếu doanh thu của các công ty trong nhóm này đều trên 250 tỷ đồng, thì những công ty tốp 5... trở xuống chưa đạt 90 tỷ đồng, thậm chí không hiếm công ty có doanh thu vài tỷ đồng. Tuy nhiên, thật bất ngờ, tại hội nghị giám đốc các công ty kiểm toán được tổ chức mới đây, VACPA cho biết ba công ty kiểm toán lớn nhất... lỗ 96 tỷ đồng.
Thông tin này đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Đây là những công ty đã và đang kiểm toán cho nhiều tập đoàn, công ty lớn. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Có phải những công ty này đã đưa ra mức phí quá thấp, không bù đắp nổi chi phí với mục đích cạnh tranh không lành mạnh nhằm bóp nghẹt các công ty kiểm toán trong nước?
Phải chăng các công ty này phải nộp phí cho công ty mẹ lớn hoặc phải trả lương nhân viên quá cao nhằm thu hút "chất xám" từ đối thủ… Theo một chuyên gia tài chính, trong mọi trường hợp, doanh nghiệp lỗ thì lấy gì bảo đảm khả năng thanh toán nếu xảy ra rủi ro (đối với kết quả kiểm toán)?
Tình trạng nêu trên của các công ty kiểm toán độc lập đang có nguy cơ dẫn đến một mặt bằng kết quả kiểm toán làng nhàng mà hệ quả là các con số kiểm toán có thể làm sai lệch, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Bởi vậy, rất cần các cơ quan chức năng quan tâm có giải pháp để lành mạnh hóa "thị trường" kiểm toán hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét