Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

DA VÀ TIẾNG



Một loại thú dữ ăn thịt ngươi rất nổi tiếng đó là hùm, không ai dám đến gần nó cả. Chẳng cần phải ngồi trường này lớp nọ để học, từ người lớn đến trẻ con đều biết rằng cọp là con vật dữ tợn của chốn rừng xanh, còn có những tên gọi khác như Hùm, như Hổ, như Kễnh... và nhiều biệt danh như "ông Ba Mươi", "Chúa Sơn Lâm", "Xích Lô", “Ông Kẹ” v.v... Nghe đến danh của nó là đã sợ chứ đừng nói gì lại gần nó. Ai đã hơn một lần đứng trước chuồng của những loài thú dữ đã nhìn thấy sự dữ tợn của nó là chừng nào.

Cùng loại với hùm còn có beo, sư tử ... Chúng dữ tợn, hung hăng không những đối với loài vật nhỏ hơn mà ngay cả đối với người ta cũng phải sợ trước tiếng kêu lẫm liệt của chúng. Lúc còn sống, loài mạnh thú này vốn dữ tợn như vậy.

Người xưa có câu ngạn ngữ : “Hổ tử lưu bì”: "cọp chết để da" . Con cọp chết đi có thể để lại bộ xương cho người ta nấu cao, gọi là cao hổ cốt. Nhưng người ta không chú trọng đến bộ xương mà lại để ý đến bộ da của nó. Cọp chết đi chẳng còn để lại được gì và chỉ để lại bộ da của nó, chắc chắn bộ da này quí lắm. Da cọp được xử dụng vào việc trang trí phòng ốc, sảnh nhà rất đẹp, rất sang và cũng rất bền.

Con cọp chết để da lại cho cuộc đời là vậy.

Vế sau của câu ngạn ngữ “Hổ tử lưu bì” là “Nhơn tử lưu danh : "Người ta chết để tiếng". “Tiếng” mà ông bà nói theo định nghĩa của vật lý thì nó vô hình và nếu theo định nghĩa của hoá học thì nó không màu, không mùi và không vị là thế nào ? Tiếng đây có nghĩa là dư luận thị phi và gồm có 2 loại : Tiếng tốt và tiếng xấu.

Đối với những người có công và biết hy sinh cho đời như đóng góp tài năng, sức lực vào việc xây dựng cộng đồng xã hội, sau khi họ chết được người đời luôn luôn nhắc đến tên tuổi. Ngược lại, hạng người thứ hai cũng để lại tiếng đời, nhưng lại là tiếng dèm pha, khinh rẻ. Với những kẻ lúc sống chỉ biết thủ lợi riêng với nhiều mưu mô để lường gạt và khiến cho nhiều người phải điêu đứng, tan gia bại sản. Đến khi chết họ bị quần chúng nguyền rủa, lên án không tiếc lời. Tiếng đời rất quan trọng như vậy, cho nên chúng ta sống ở đời đừng bao giờ làm một việc gì trái với lương tâm, lẽ phải và có phương hại đến kẻ khác. Ta nên tự nghĩ rằng: việc gì mình muốn và ưa thích, thì chính kẻ khác cũng nghĩ như vậy.

Khi sống ở đời, người ta phải cố gắng sống thế nào cho mình có danh thơm tiếng tốt mặc dầu phải chịu hy sinh, thiệt thòi. Có nhiều câu tục ngữ nói lên ý tưởng này :

- Tốt danh hơn lành áo.
- Ăn một miếng, tiếng một đời
- Đói miếng hơn tiếng đời.

Người ta ai cũng phải chết, kẻ trước người sau, nhưng khi chết phải có gì để lại cho hậu lai, không lẽ chỉ ra đi với hai bàn tay trắng. Ai cũng ước mong :

Chữ rằng : Hổ tử lưu bì,
Làm người phải để danh gì hậu lai.

Nhìn lại phận người, khi ra đi, con người không đem theo được gì ngoài một nắm xương khô, nhưng rồi nắm xương khô đó cũng sẽ biến thành bụi đất. Người ta chỉ có thể để lại cái dánh tức là cái danh dự, cái danh thơm tiếng tốt của mình :

Người đời hữu tử hữu sinh
Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.

Nguyễn công Trứ - một thi sĩ tài hoa - là con người có chí khí hào hùng, luôn ca tụng chí nam nhi, luôn thôi thúc thanh niên phải tiến lên, phải vượt khó, phải làm được cái gì cho đời, đừng để phí phạm cuộc đời trai tráng :

Đã mang tiếng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Đi không chẳng lẽ về không ?


Chỉ cần lướt qua vài hình ảnh, vài trang Thánh Kinh ta sẽ thấy còn đó hình ảnh của một người anh ác nghiệt là Cain. Cain đã cam tâm giết hại chính đứa em ruột của mình bởi lòng ganh tỵ. Hình ảnh không đẹp nữa đó là hình ảnh của ông vua Saun. Cũng vì ganh tỵ với lời ca tụng của dân chúng dành cho Đavit mà Saun đã tìm đủ mọi cách để giết cho bằng được Đavit.

Trên thế giới này đã có biết bao bậc vĩ nhân, những anh hùng cái thế, những nhân vật làm nên lịch sử, tất cả đã qua đời. Họ cũng đã để lại cái danh trong lịch sử.

Cái danh đó có thể tốt, mà cũng có thể xấu. Người đời vẫn còn nhắc đến tên họ với thái độ trân trọng hay khinh bỉ :

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Muốn có danh thơm tiếng tốt, người ta phải hết sức nỗ lực phấn đấu chứ không phải tự nhiên mà có. Muốn thế, với tư cách là một Kitô hữu, chúng ta phải nỗ lực sống xứng đáng trước tiên là một con người, tiếp đến là một Kitô hữu và sau cùng là công dân Nước Trời.

Cuộc đời này mau qua chóng tàn. Còn lại chút ít gì đó của thời gian tại thế, ta hãy cố sống làm sao khi ta nằm xuống ta còn chút gì đó để lại hương để lại hoa cho đời.

Là người, ta cố gắng đến mức tối đa thực hành điều thiện để sau khi nhắm mắt lìa đời còn lưu lại được tiếng thơm mãi mãi như da thú còn hữu dụng cho nhiều người.

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét